Phát triển đảng trong trường đại học: Để không rơi hạt giống đỏ

Phát triển đảng viên trẻ để xây dựng đội ngũ kế cận là một trong những nhiệm quan trọng trong công tác đảng. Đặc biệt, với các trường đại học, nơi tập trung đội ngũ trí thức tinh hoa với hàng chục nghìn sinh viên, giảng viên, công tác phát triển đảng viên trẻ càng có vai trò quan trọng khi đây là nguồn nhân sự kế cận chất lượng cao, có ý nghĩa quan trọng trong việc tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng.

Phát triển đảng viên trẻ là sinh viên được Đảng ủy Khối các trường đại học, cao đẳng đặc biệt chú trọng trong bồi dưỡng, phát triển vì hội tụ nhiều yếu tố: tri thức, năng động, nhiệt huyết, sáng tạo và cũng là lực lượng cần sự định hướng đúng đắn để phát triển.

Xác định những ý nghĩa, mục tiêu quan trọng đó, Đảng ủy các trường đại học, cao đẳng đã thường xuyên quan tâm, chăm lo, chú trọng công tác phát triển đảng viên trẻ là sinh viên. Để đứng trong hàng ngũ của Đảng, các sinh viên được xem xét phải hội đủ hai yếu tố là có kết quả học tập tốt, hoạt động xã hội tích cực đồng thời có tư tưởng chính trị vững vàng, tình nguyện đứng trong hàng ngũ của Đảng.

Với việc đẩy mạnh các hoạt động phong trào đoàn thanh niên, hội sinh viên, các phong trào học tập, giao nhiệm vụ… các nhà trường đã tạo điều kiện để các sinh viên có cơ hội rèn luyện, phát triển bản thân, từ đó có nguồn nhân lực xuất sắc để giới thiệu, đứng trong hàng ngũ của Đảng. Những đảng viên sinh viên vì thế đều là những hạt ngọc được lựa chọn và rèn giũa cẩn trọng giữa “rừng” tri thức.

Tuy nhiên, do thời gian đào tạo đại học chỉ kéo dài từ 4 đến 6 năm tùy theo từng loại hình đã dẫn tới nhiều đảng viên sinh viên gặp khó khăn trong công tác chuyển đảng sau khi ra trường. Đa số các em chưa thể ổn định công việc ngay, có em làm việc ở nơi chưa có tổ chức Đảng trong khi lại làm việc xa nhà, không thể chuyển đảng về quê hoặc thường xuyên chuyển chỗ ở trọ nên phức tạp trong chuyển Đảng về nơi tạm trú. Vì thế, nhiều trường hợp đảng viên trẻ đã bị xóa tên sau khi ra trường. Đó là sự thiệt thòi cho chính các em và thiệt thòi cho Đảng khi để “rơi” những “hạt giống đỏ.”

Để hiểu hơn về công tác phát triển đảng viên trẻ là sinh viên trong các trường đại học, mời độc giả theo dõi chùm bài Phát triển đảng viên trẻ trong trường đại học: Để không rơi hạt giống đỏ.

Bài 1: Tìm và rèn ‘ngọc’ giữa rừng tri thức

Một giờ sáng, văn phòng Hội sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội vẫn sáng đèn. Phó chủ tịch Hội Đỗ Đức Thắng cặm cụi bên chồng hồ sơ giấy tờ nhưng tâm trí rối bời bởi hàng núi công việc, hàng loạt trách nhiệm phải hoàn thành khiến cậu cảm thấy ngợp. Dự án về đào tạo kỹ năng cho cán bộ chủ chốt của Hội triển khai quá chậm đã không thể thực hiện như kế hoạch vì lịch thi đã cận kề.

“Em cảm thấy mình quá tải, không thể sắp xếp được mọi thứ, phải thức xuyên đêm ở văn phòng Hội nhưng vẫn không đạt hiệu quả công việc trong khi sáng hôm sau vẫn phải đi học trên lớp bình thường. Nhưng chính những ngày tháng đó đã tôi luyện để giúp em trưởng thành hơn, biết giao việc thay vì ôm đồm, biết khi nào phải quyết liệt tăng tốc,” Thắng chia sẻ khi nhớ về giai đoạn đầu tiên được bầu vào vị trí Phó Chủ tịch Hội Sinh viên.

Thắng là một trong những đảng viên trẻ của Đại học Bách khoa Hà Nội, ngôi trường kỹ thuật có thương hiệu và chất lượng đào tạo hàng đầu Việt Nam, cả ở đầu vào và đầu ra.

Kim cương trong mỏ vàng

Ông Bùi Đức Hùng là Phó Bí thư thường trực – điều hành công tác của Đảng bộ, Chủ tịch Công đoàn Trường Đại học Bách khoa Hà Nội cho hay việc giao các trọng trách cho đảng viên trẻ như Thắng là một trong những cách để rèn luyện, tạo điều kiện cho các đảng viên có cơ hội phát triển và hoàn thiện bản thân.

Phó Bí thư thường trực Đảng bộ Đại học Bách khoa Hà Nội Bùi Đức Hùng. (Ảnh: PV)
Phó Bí thư thường trực Đảng bộ Đại học Bách khoa Hà Nội Bùi Đức Hùng. (Ảnh: PV)

“Công tác phát triển đảng viên trẻ là sinh viên luôn được Đảng bộ nhà trường đặc biệt chú trọng vì đây là một nhiệm vụ then chốt để tạo nguồn nhân lực kế cận cho Đảng,” ông Hùng cho hay.

Cũng theo ông Hùng, Đại học Bách khoa Hà Nội có quy mô khoảng 30.000 sinh viên nhưng mỗi năm chỉ có khoảng 50 đến 70 sinh viên được kết nạp đảng, chiếm tỷ lệ khoảng 0,2% – một con số vô cùng thấp.

“Đảng bộ nhà trường cũng nhận thấy số sinh viên được kết nạp đảng là chưa tương xứng với tiềm lực khi nguồn sinh viên lớn nhưng cũng không thể hạ thấp tiêu chuẩn kết nạp,” ông Hùng chia sẻ.

Để được lựa chọn giới thiệu kết nạp đảng, sinh viên phải hội đủ hai yếu tố là có kết quả học tập tốt đồng thời tích cực tham gia các hoạt động xã hội.

Cụ thể, để được lựa chọn giới thiệu kết nạp đảng, sinh viên phải hội đủ hai yếu tố là có kết quả học tập tốt đồng thời tích cực tham gia các hoạt động xã hội như đoàn thanh niên, hội sinh viên, hoạt động thiện nguyện. Trong đó, điểm trung bình học tập phải đạt 2,5 điểm (trên thang 4 điểm) và không được nợ môn trong hai học kỳ liên tiếp.

“Điểm số 2,5 có thể không khó với khối xã hội nhưng ở khối kỹ thuật là rất khó, càng khó hơn khi ở Đại học Bách khoa Hà Nội. Nếu tập trung cho học tập thì lại giảm yếu tố hoạt động xã hội, hoạt động xã hội nhiều lại ảnh hưởng kết quả học tập. Trước khi kết nạp, Đảng bộ trường sẽ gặp gỡ từng em để tìm hiểu tâm tư nguyện vọng, em nào thực sự nhận thức được ý nghĩa của việc đứng trong hàng ngũ của đảng mới kết nạp. Vì thế, những sinh viên đỗ được vào Bách khoa Hà Nội đã là xuất sắc, những bạn được kết nạp vào đảng là cực kỳ xuất sắc, tinh hoa trong tinh hoa,” ông Hùng cho hay.

Bí thư Đảng bộ Đại học Luật Hà Nội Chu Mạnh Hùng. (Ảnh: PM)
Bí thư Đảng bộ Đại học Luật Hà Nội Chu Mạnh Hùng. (Ảnh: PM)

Tại Đại học Luật Hà Nội, số sinh viên được kết nạp đảng hàng năm khoảng 100 em trên tổng quy mô đào tạo hệ chính quy văn bằng một chưa đến 10.000 sinh viên.

Thừa nhận việc đạt điểm số 2,5 ở một trường khối xã hội như Đại học Luật Hà Nội có thuận hơn so với trường khối kỹ thuật nhưng theo ông Chu Mạnh Hùng, Bí thư Đảng ủy nhà trường, tiêu chí đặt ra với sinh viên để kết nạp đảng cũng cao hơn. Sinh viên không chỉ phải có thành tích học tập tốt, hoạt động xã hội tích cực mà còn phải tham gia nghiên cứu khoa học.

“Tiêu chí để kết nạp của Đảng bộ khối các trường đại học, cao đẳng đưa ra là sinh viên phải đạt kết quả học tập trung bình khá, nhưng ở Đại học Luật Hà Nội đặt ngưỡng cao hơn, các em phải đạt mức khá trở lên, có nghiên cứu khoa học mới được xem xét kết nạp. Mỗi năm, số hồ sơ xem xét kết nạp khoảng 300 đến 400 nhưng Đảng bộ trường chỉ chọn lọc khoảng 100 hồ sơ,” ông Hùng nói.

Ươm hạt giống đỏ

Đoàn thanh niên và Hội sinh viên là hai đơn vị quan trọng, hai “cánh tay đắc lực” ở các trường đại học trong việc giới thiệu các nhân tố điển hình cho Đảng. Đây cũng là môi trường để Đảng ủy trường ươm mầm, phát triển các đoàn viên, đảng viên trẻ thông qua việc giao các nhiệm vụ, trọng trách cho từng cá nhân để giúp các sinh viên từng bước trưởng thành.

Đỗ Đức Thắng cùng các bạn trong một chuyến đi tình nguyện. (Ảnh: PV)
Đỗ Đức Thắng cùng các bạn trong một chuyến đi tình nguyện. (Ảnh: PV)

Từng là một đoàn viên năng động ở bậc trung học phổ thông nhưng Đỗ Đức Thắng cho hay hoạt động đoàn ở bậc đại học là một thử thách lớn bởi phong trào ở hai nơi là hai tầm khác nhau. Ở phổ thông, các thầy cô là đầu mối các công việc nhưng ở bậc đại học, sinh viên vừa là người thực hiện, vừa là người tổ chức. Quy mô đoàn viên quá lớn, không tính bằng nghìn mà là hàng chục nghìn người.

Cũng theo Thắng, các anh chị đoàn viên đi trước luôn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm với các đoàn viên mới nhưng trong môi trường lớn đó, bản thân đoàn viên phải tự mình xông pha vào các hoạt động thì các anh chị mới có cơ hội, điều kiện để truyền kinh nghiệm cho mình.

Từ một đoàn viên năng động... (Ảnh: PV)
Từ một đoàn viên năng động… (Ảnh: PV)

“Điều đó giúp em hiểu rằng muốn phát triển phải chủ động thay vì ngồi yên đợi người khác đến khích lệ, động viên. Chủ động hoạt động, chủ động học hỏi, từ đó hình thành nên người đoàn viên sinh viên năng nổ với nhiều kỹ năng,” Thắng cho hay.

Từ một đoàn viên năng nổ, Thắng được giao nhiều trọng trách lớn hơn như Phó ban chuyên môn, Phó Chủ tịch Hội sinh viên trường. Mỗi nhiệm vụ là một thử thách giúp em trưởng thành hơn. Mới đảm nhận vị trí Phó Chủ tịch Hội sinh viên, cậu “sốc” với vai trò mới. Thắng bảo em bị ngợp ngay lập tức vì khối lượng công việc quá lớn, phải biết bao quát, ít nhất phải nắm được thông tin, chưa nói đến triển khai công việc. Từ đó dẫn tới khủng hoảng trách nhiệm vì Phó chủ tịch Hội thì phải chịu trách nhiệm trước nhiều người như Chủ tịch Hội, thậm chí cả Ban giám hiệu. Đó là những ngày cậu phải làm xuyên đêm ở văn phòng hội vì chưa quen vai trò lãnh đạo, chưa biết phân công công việc.

Nhưng nhờ những ngày khủng hoảng đó, Thắng dần hoàn thiện kỹ năng lãnh đạo, biết tổ chức công việc, phân bổ công việc và tìm người phù hợp với công việc đó để giao phó. “Giao việc phù hợp năng lực, kiểm tra giám sát, đôn đốc tiến độ thực hiện sẽ tránh sự quá tải cho người cán bộ chủ chốt. Quan trọng là kiểm tra tiến độ, giám sát chặt để tránh tình trạng khi mình không hài lòng với kết quả công việc thì không còn thời gian để chỉnh sửa nữa,” Thắng cho hay.

Đỗ Đức Thắng được giao nhiệm vụ làm Phó Chủ tịch Hội Sinh viên Đại học Bách khoa. Thắng cho biết trong giai đoạn đầu em đã bị khủng hoảng vì áp lực. (Ảnh: PV) 
Đỗ Đức Thắng được giao nhiệm vụ làm Phó Chủ tịch Hội Sinh viên Đại học Bách khoa. Thắng cho biết trong giai đoạn đầu em đã bị khủng hoảng vì áp lực. (Ảnh: PV) 

Cũng theo Thắng, một áp lực khác với những cán bộ đoàn, hội như em là phải cân bằng việc học. Từng trải qua khủng hoảng khi quá chú tâm đến hoạt động đoàn, hội mà lơ là việc học, Thắng có được bài học là phải biết phân bổ thời gian hợp lý và đặc biệt là tập trung lắng nghe thầy cô giảng bài để nắm vững kiến thức ngay trên lớp.

Với sự nỗ lực, trưởng thành trong cả hoạt động hội và học tập, Thắng đã được Đảng ủy Đại học Bách khoa kết nạp. Cậu sinh viên Bắc Ninh vẫn nhớ như in niềm vui vỡ òa khi được đứng trong hàng ngũ của Đảng. Đi xe máy 90 cây số về quê để hoàn thành hồ sơ lý lịch mà lòng vẫn lâng lâng. “Đó là niềm vinh dự, tự hào rất lớn cho em và cả gia đình,” Thắng hạnh phúc nói.

Đoàn thanh niên và Hội sinh viên là môi trường để Đảng ủy trường ươm mầm, phát triển các đoàn viên, đảng viên trẻ thông qua việc giao các nhiệm vụ, trọng trách cho từng cá nhân để giúp các sinh viên từng bước trưởng thành.

Theo Bí thư Đảng ủy Đại học Bách khoa Hà Nội, ông Bùi Đức Hùng, để đứng trong hàng ngũ của Đảng với mỗi sinh viên là cả quá trình phấn đấu gian nan. “Trường cũng tạo điều kiện tối đa cho các em thể hiện mình bằng việc triển khai nhiều hoạt động đoàn, hội. Đảng ủy trường tổ chức các buổi đối thoại với sinh viên để tuyên truyền về công tác đảng, giải đáp các thắc mắc của các em để từ đó, sinh viên hiểu hơn và có ý thức phấn đấu vào Đảng, đứng trong hàng ngũ của Đảng. Những Đảng viên sinh viên theo đó cũng là những em thực sự xứng đáng,” ông Hùng nói.

Được ươm mầm từ các trường đại học, các đảng viên trẻ sinh viên đã không ngừng phát triển, phấn đấu, cống hiến và trở thành cánh tay đắc lực cho Đảng./.

Bài 2: Nữ đảng viên trẻ “một gánh bốn vai”

Mới là sinh viên năm thứ tư Đại học Xây dựng nhưng Phạm Thị Thùy Linh (lớp 62KT4 khoa Kinh tế và Quản lý xây dựng) đã liên tục đạt danh hiệu Đảng viên xuất sắc.

Vừa là sinh viên, Linh còn được Đảng ủy trường tin tưởng giao nhiệm vụ Tổ trưởng Tổ Phát triển Đảng của chi bộ sinh viên, là ủy viên ban chấp hành Đoàn trường với vai trò “thường trực” của chi bộ Đảng sinh viên trong cán bộ Đoàn. Đặc biệt, Linh cũng là sinh viên duy nhất nằm trong Hội đồng trường Đại học Xây dựng, đại diện cho tiếng nói của sinh viên toàn trường.

Cánh tay nối dài của Đảng

Là đảng viên trẻ, được kết nạp từ bậc phổ thông nhưng Linh cho hay khi mới gia nhập ngôi nhà Đại học Xây dựng, cô không tham gia nhiều hoạt động và khá rụt rè. Tuy nhiên, chính môi trường năng động của Chi bộ Đảng sinh viên Đại học Xây dựng đã giúp cô dần thay đổi mình, tự tin hơn và năng động hơn.

Linh tích cực tham gia các hoạt động và là một
Linh tích cực tham gia các hoạt động và là một “cây văn nghệ” của Đại học Xây dựng. (Ảnh: PV)

“Trong một môi trường mà mọi người đều nhiệt tình với các công tác đảng, em tự thấy bản thân mình cũng phải có trách nhiệm hơn, chủ động trong các hoạt động của chi Bộ và từ đó được tin tưởng giao nhiều nhiệm vụ hơn. Khi Đảng trao cơ hội, em đã không ngại khó để hoàn thành và từ đó trưởng thành hơn, cống hiến cho Đảng được nhiều hơn,” Linh chia sẻ.

Được phân công nhiệm vụ phát triển đảng viên trẻ là quần chúng sinh viên, Linh đã triển khai rất nhiều giải pháp để hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình. Từ một cô sinh viên rụt rè, Linh chủ động trò chuyện, tiếp cận với các bạn, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của các sinh viên đồng thời tuyên truyền về vai trò, ý nghĩa của việc phấn đấu vào Đảng. Cô cũng nhiệt tình tham gia các hoạt động Đoàn thanh niên, Hội sinh viên của các khoa, trường, từ đó phát hiện các nhân tố tích cực để giới thiệu cho Đảng ủy trường.

Để có thể tiếp cận được với nhiều sinh viên hơn, Tổ phát triển đảng của Linh chia nhiệm vụ cho các thành viên theo từng khoa để việc theo dõi, phát hiện các nhân tố tích cực cũng như nắm bắt tâm tư của các đoàn viên được thiết thực, hiệu quả hơn. Linh còn được Đảng ủy trường tin tưởng giao nhiệm vụ ứng cử vào ban chấp hành Đoàn trường như một “cán bộ nằm vùng” nhằm thực hiện tốt hơn nữa công tác phát triển đảng.

Được phân công nhiệm vụ phát triển đảng viên trẻ là quần chúng sinh viên, Linh đã triển khai rất nhiều giải pháp để hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình.

“Chúng em sẽ tập hợp các bạn có thành tích học tập tốt, có hoạt động phong trào nổi trội và tổ chức các buổi nói chuyện trực tiếp để tư vấn, định hướng các bạn phấn đấu tham gia kết nạp đảng,” Linh cho hay.

Từ những buổi trò chuyện đó, Linh nhận thấy với nhiều sinh viên, hoạt động đoàn, hội có phần gần gũi nhưng hoạt động của Chi bộ Đảng sinh viên lại khá lạ lẫm. Vì thế, để giúp các sinh viên hiểu hơn về Chi bộ Đảng sinh viên, Linh tập viết tin, bài, ảnh về các hoạt động của chi bộ, nhờ người biên tập hộ rồi đăng lên cổng thông tin điện tử của Đại học Xây dựng.

Với hoạt động tích cực của Tổ phát triển đảng, những lớp học cảm tình đảng luôn thu hút đông đảo các bạn sinh viên tham gia. (Ảnh: PV)
Với hoạt động tích cực của Tổ phát triển đảng, những lớp học cảm tình đảng luôn thu hút đông đảo các bạn sinh viên tham gia. (Ảnh: PV)

Tổ phát triển đảng của Linh cũng chủ động tìm hiểu thông tin về các lớp cảm tình đảng do trường hoặc các đơn vị xung quanh trường tổ chức và tuyên truyền, thông báo để các sinh viên có đủ điều kiện, có nguyện vọng kết nạp đảng tham gia học. Hình thức đăng ký cũng rất linh hoạt, có thể đăng ký trực tiếp hoặc trực tuyến.

“Chúng em rất vui khi mỗi lớp cảm tình đảng đều thu hút hàng trăm sinh viên tham gia. Số lượng kết nạp đảng chính thức có thể không nhiều nhưng những lớp học đó đã giúp cho tư tưởng chính trị của các bạn sinh viên vững vàng hơn, mong muốn đứng trong hàng ngũ của Đảng hơn và khích lệ các bạn phấn đấu hơn nữa trong học tập và rèn luyện. Từ đó, Đảng sẽ có thêm các đảng viên trẻ và quần chúng ưu tú,” Linh chia sẻ.

Trưởng thành mỗi ngày

Không chỉ là một sinh viên với nhiệm trọng tâm là học tập, một cán bộ trong Ban chấp hành Đoàn trường, một đảng viên với trọng trách phát triển Đảng, từ năm 2019, Linh còn được Trường Đại học Xây dựng giao trọng trách là thành viên Hội đồng trường. Cô là sinh viên duy nhất được lựa chọn, đại diện cho tiếng nói của hàng nghìn sinh viên Đại học Xây dựng trong Hội đồng trường.

Niềm vui của Linh (đứng giữa) khi giới thiệu thêm được cho Đảng những gương mặt ưu tú. (Ảnh: PV)
Niềm vui của Linh (đứng giữa) khi giới thiệu thêm được cho Đảng những gương mặt ưu tú. (Ảnh: PV)

“Đây là một vinh dự nhưng cũng là một trách nhiệm rất lớn. Em sẽ phải nỗ lực rất nhiều để xứng đáng với sự tin tưởng của Trường, Đảng bộ và của các bạn sinh viên,” Linh chia sẻ.

Một mình đảm nhiệm tới bốn vai trò, trong khi học ở một trường khối kỹ thuật như Đại học Xây dựng luôn có khối kiến thức khá nặng, Linh cho hay cũng có lúc em thấy mệt mỏi, thậm chí muốn buông xuôi vì quá nhiều việc. Những khi đó, bí kíp của nữ đảng viên trẻ là nghỉ ngơi hoàn toàn một vài tiếng, hoặc một nửa ngày để bình tĩnh và tỉnh táo hơn, sau đó sẽ tiếp tục quay lại với các công việc của mình.

“Mọi người bảo không hiểu em lấy đâu ra thời gian để có thể hoàn thành nhiều nhiệm vụ, công việc đến như vậy, nhưng sau nhiều lần khủng hoảng vì quá tải, em đã dần trưởng thành hơn. Em hiểu rằng điều quan trọng là biết sắp xếp thời gian và ưu tiên các công việc cho từng thời điểm,” Linh cười nói.

“Em cảm ơn Đảng đã tin tưởng, đã trao cơ hội và từ đó giúp em có điều kiện để phát triển bản thân, vượt qua các giới hạn và khám phá năng lực của chính mình, sống tích cực và có ý nghĩa, trưởng thành hơn mỗi ngày,” Linh nói.

Với rất nhiều nỗ lực và đóng góp, trong hai năm vừa qua, Linh đều được Đảng bộ Đại học Xây dựng đánh giá là Đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Mới đây, cô vinh dự được nhận bằng khen của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về thành tích tốt trong phong trào học tập và làm theo tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh, nhận bằng khen của Thành đoàn Hà Nội về các hoạt động đoàn.

Linh được giao nhiệm vụ là
Linh được giao nhiệm vụ là “cán bộ nằm vùng” của Đảng trong ban chấp hành Đoàn trường để trực tiếp theo dõi, phát hiện, giới thiệu các sinh viên xuất sắc cho Đảng đồng thời tuyên truyền để sinh viên hiểu hơn về Đảng, phấn đấu kết nạp đảng. (Ảnh: PV)

Cống hiến cho công tác Đảng nhưng Linh cho hay chính mình phải cảm ơn Đảng đã tin tưởng, đã trao cơ hội và từ đó giúp Linh có điều kiện để phát triển bản thân, vượt qua các giới hạn và khám phá năng lực của chính mình, sống tích cực và có ý nghĩa, trưởng thành hơn mỗi ngày.

“Từ một sinh viên nhút nhát, khi được giao nhiệm vụ phát triển Đảng em buộc phải chủ động tiếp xúc nhiều hơn với các bạn và từ đó tự tin hơn. Việc hướng dẫn làm hồ sơ thủ tục kết nạp đảng cho các bạn giúp em hiểu hơn về các quy trình, thủ tục, giấy tờ. Tham gia nhiều hoạt động giúp em trở nên năng động hơn và biết cách cân đối công việc một cách hợp lý. Là một đảng viên, em phải cẩn trọng hơn trong từng lời ăn tiếng nói. Em thấy mình thật may mắn khi được đứng trong hàng ngũ của Đảng,” Linh chia sẻ.

Phạm Thị Linh (mặc áo dài, bên phải) cùng chi bộ sinh viên tại Đại hội Đảng bộ Đại học Xây dựng. (Ảnh: PV)
Phạm Thị Linh (mặc áo dài, bên phải) cùng chi bộ sinh viên tại Đại hội Đảng bộ Đại học Xây dựng. (Ảnh: PV)

Tuy nhiên, cũng theo Linh, với những đảng viên là sinh viên ở các trường đại học như em, việc chuyển Đảng sau khi tốt nghiệp đại học là một trong những khó khăn có thể nhìn thấy trước vì không phải sinh viên nào ra trường cũng tìm được công việc ngay, hoặc nơi làm việc không có tổ chức Đảng.

“Em ở Ninh Bình, không quá xa Hà Nội nên có thể chuyển Đảng về quê và tranh thủ thời gian về sinh hoạt nhưng những bạn có quê ở xa sẽ rất khó để về thường xuyên,” Linh nói.

Theo ông Bùi Đức Hùng, Phó Bí thư thường trực-điều hành công tác của Đảng bộ Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, đây là một trong những khó khăn của các Đảng viên là sinh viên. Thậm chí, có những trường hợp đã bị Đảng xóa tên vì không tiếp tục tham gia sinh hoạt Đảng sau khi ra trường.

“Đó là điều vô cùng đáng tiếc,” ông Hùng nói…

Bài 3: Đảng viên ra trường và câu chuyện “rơi hạt giống đỏ”

Nhìn hơi nước bay lên từ cốc trà nóng giữa mùa đông, khi Hà Nội đang trong đợt rét đậm, Hòa chia sẻ: Khi chấp nhận bị xóa tên khỏi danh sách đảng, cô đã vô cùng tiếc nuối.

“Cả tuổi thanh xuân phấn đấu, nỗ lực, thế là bay theo gió như hơi nước kia, nhưng điều còn lại là tôi vẫn sống tốt như một đảng viên và cống hiến cho đất nước theo cách của một quần chúng ưu tú,” Hòa vừa nói vừa ngậm ngùi chìa cho người viết xem chiếc thẻ đảng mà cô vẫn lưu giữ như một báu vật trong chiếc ví suốt hơn mười năm qua.

Bài toán chuyển sinh hoạt đảng

Tích cực trong hoạt động đoàn và có thành tích học tập xuất sắc, Hòa được kết nạp đảng khi đang học năm thứ tư đại học. “Ngày đó, việc tôi được vào Đảng là niềm tự hào cho cả gia đình. Bố mẹ đi khoe khắp làng trên xóm dưới,” Hòa kể.

Hòa vẫn giữ tấm thẻ đảng như một báu vật suốt h ơn mười năm qua. (awrnh: PV)
Hòa vẫn giữ tấm thẻ đảng như một báu vật suốt h ơn mười năm qua. (awrnh: PV)

Tốt nghiệp ra trường với tấm bằng đỏ, Hòa đầu quân cho một doanh nghiệp Hàn Quốc tại Bắc Ninh. Công ty không có tổ chức đảng, Hòa xin để lại hồ sơ đảng tại trường. “Hai năm đầu, tôi rất vất vả trong việc phải đi lại giữa trường và nơi làm việc để sinh hoạt Đảng trong khi nơi làm việc cũng thay đổi liên tục, khi thì Bắc Ninh, khi thì Vĩnh Phúc. Việc đóng đảng phí vẫn đầy đủ vì đóng luôn cả năm, nhưng sinh hoạt đảng thì vì thế mà thưa dần. Trường buộc phải yêu cầu tôi chuyển đảng đến nơi phù hợp hơn,” Hòa kể.

Cô trở về trường, mang hồ sơ đến nơi thuê trọ để đăng ký sinh hoạt đảng, nhưng những chuyến công tác dài ngày liên miên cũng làm cho việc sinh hoạt đảng khó được thực hiện đều đặn khi lịch sinh hoạt của chi bộ luôn trùng với lịch làm việc. Những buổi sinh hoạt đảng bởi thế lại thưa dần…

“Ngày bác bí thư chi bộ gọi điện động viên tôi trở lại sinh hoạt đảng, nếu không các bác buộc phải đề nghị xóa tên cũng là lúc tôi đang phải đi công tác. Tôi nghĩ mình là đảng viên mà không tuân thủ đúng theo điều lệ đảng thì không xứng đáng. Vì thế, tôi đã chấp nhận việc bị xóa tên…” Hòa chậm rãi nói, đôi mắt nhìn xa xăm.

những chuyến công tác dài ngày liên miên cũng làm cho việc sinh hoạt đảng khó được thực hiện đều đặn khi lịch sinh hoạt của chi bộ luôn trùng với lịch làm việc. Những buổi sinh hoạt đảng bởi thế thưa dần…

Theo ông Bùi Đức Hùng, Phó Bí thư thường trực – điều hành công tác của Đảng bộ Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, những câu chuyện như của Hòa cũng là vấn đề mà một phó bí thư Đảng bộ trường như ông luôn đau đáu.

Để được kết nạp đảng, thông thường các sinh viên phải mất ba năm phấn đấu không mệt mỏi. Các đảng viên là sinh viên đều là những em rất xuất sắc. Tuy nhiên, trường chỉ là nơi các em học 4-5 năm, sau đó các em buộc phải chuyển sinh hoạt đảng, thậm chí có em chưa kịp chuyển đảng chính thức đã ra trường.

“Các em có thể chuyển đảng đến nơi làm việc, nơi cư trú. Nhưng sinh viên mới ra trường rất khó để có công việc ổn định ngay, nhiều công ty không có tổ chức đảng. Nếu ở trọ, các em cũng thường xuyên thay đổi nơi cư trú. Chuyển đảng đi đâu là câu hỏi khó với nhiều đảng viên sinh viên. Có em lại khó hòa nhập với chi bộ đảng ở địa phương khi đa phần đảng viên là các cán bộ về hưu. Vì thế, nhiều em sau một thời gian ra trường bỏ sinh hoạt đảng, dẫn tới bị xóa tên,” ông Hùng cho hay.

Ông Bùi Đức Hùng, Phó Bí thư Đảng ủy Đại học Bách khoa Hà Nội luôn đau đáu với vấn đề chuyển sinh hoạt Đảng của sinh viên sau khi ra trường. (Ảnh: PV)
Ông Bùi Đức Hùng, Phó Bí thư Đảng ủy Đại học Bách khoa Hà Nội luôn đau đáu với vấn đề chuyển sinh hoạt Đảng của sinh viên sau khi ra trường. (Ảnh: PV)

Cũng theo ông Hùng, Đảng bộ trường có tạo điều kiện cho các đảng viên sinh viên tiếp tục sinh hoạt sau khi ra trường nhưng không quá 6 tháng vì không thể quản lý được các em.

“Chưa có tổ chức nào thống kê lượng đảng viên là sinh viên sau khi ra trường bị xóa tên. Chúng ta mới chỉ quan tâm một mặt là kết nạp được bao nhiêu…,” ông Hùng nói.

Rào cản cho phát triển Đảng trong sinh viên

Theo ông Hùng, một đảng viên sau khi bị xóa tên sẽ rất khó khăn để có thể kết nạp lại, con đường chính trị vì thế mà chông chênh hơn.

Chưa có tổ chức nào thống kê lượng đảng viên là sinh viên sau khi ra trường bị xóa tên. Chúng ta mới chỉ quan tâm một mặt là kết nạp được bao nhiêu…

“Xóa tên là anh tự nguyện bỏ Đảng. Vì thế khi xem xét kết nạp lại phải thẩm tra hồ sơ rất kỹ, phải trình cấp cao hơn xem xét, trong khi đó có rất nhiều hồ sơ khác không có ‘vết đen’ đương nhiên sẽ được ưu tiên hơn. Đó là thực tiễn. Cũng bởi thế, người đi trước nói với người đi sau nên nhiều sinh viên băn khoăn với việc kết nạp đảng khi còn ngồi trong ghế nhà trường,” ông Hùng phân tích.

Là người thường xuyên tiếp xúc với các sinh viên, Đỗ Đức Thắng, Phó Chủ tịch Hội sinh viên Trường Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết với nhiều bạn trẻ, việc vào Đảng là rất xa vời. Các sinh viên có rất nhiều mục đích, động cơ khác nhau: Có người muốn đi du học sau khi ra trường, có người muốn làm việc ở công ty nước ngoài hoặc có cơ hội tìm công việc tốt sau khi ra trường nên sẽ ưu tiên tập trung cho việc học để có bảng điểm đẹp, bằng loại ưu.

Nhiều sinh viên xác định ra trường làm việc cho công ty tư nhân hoặc lo công việc chưa ổn định nên không mặn mà với việc vào Đảng. Trong khi đó, nếu phấn đấu vào Đảng, sinh viên sẽ phải phân bổ thời gian cho các hoạt động xã hội, ảnh hưởng nhất định đến việc học. “Đó cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc phát triển đảng viên là sinh viên của Đại học Bách khoa Hà Nội trong thời gian qua chưa đạt như kỳ vọng,” Thắng nói.

Đảng viên sinh viên là những cá nhân xuất sắc, vừa học tập tốt, vừa tích cực tham gia các hoạt động xã hội, có trách nhiệm cộng đồng. Trong ảnh, sinh viên tình nguyện trường Đại học Xây dựng Miền Tây tham gia xây dựng nhà nhân ái cho các gia đình khó khăn tại xã Quới An, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long. (Ảnh: Lê Thúy Hằng-TTXVN)
Đảng viên sinh viên là những cá nhân xuất sắc, vừa học tập tốt, vừa tích cực tham gia các hoạt động xã hội, có trách nhiệm cộng đồng. Trong ảnh, sinh viên tình nguyện trường Đại học Xây dựng Miền Tây tham gia xây dựng nhà nhân ái cho các gia đình khó khăn tại xã Quới An, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long. (Ảnh: Lê Thúy Hằng-TTXVN)

Hiểu những tâm tư này, ông Bùi Đức Hùng cho biết thị trường lao động ngày nay đã dịch chuyển sang khối ngoài Nhà nước và việc sinh viên phải tính toán là tất yếu: “Hiện chưa có thông tin nào về việc khối tư nhân có ưu tiên nhận hồ sơ của những người là đảng viên khi có hồ hai hồ sơ tương đương hay không, thậm chí còn có thông tin ngoài luồng về việc là đảng viên sẽ khó vào công ty tư nhân hay công ty nước ngoài. Điều này sẽ tác động đến tâm tư của các sinh viên, nhất là các sinh viên xuất sắc. Từ đó thiệt thòi cho chính các bạn và thiệt cho Đảng.”

Trong khi đó, ở Đại học Luật Hà Nội, nơi đào tạo các nhân sự cho ngành tòa án, lượng hồ sơ xin kết nạp đảng lại luôn dồi dào. Theo Bí thư Đảng bộ Chu Mạnh Hùng, đặc thù nghề nghiệp đào tạo của trường là sinh viên sau khi ra trường đa số làm việc trong đơn vị Nhà nước.

Điều này sẽ tác động đến tâm tư của các sinh viên, nhất là các sinh viên xuất sắc. Từ đó thiệt thòi cho chính các bạn và thiệt cho Đảng.

“Tòa án là nơi đòi hỏi phẩm chất đạo đức, chính trị rất cao nên nếu hồ sơ của sinh viên là đảng viên sẽ là một điểm cộng trong tuyển dụng. Vì vậy, các em có động cơ rõ ràng trong việc phấn đấu kết nạp đảng,” ông Hùng cho hay.

Tuy nhiên, cũng theo ông Hùng, việc phát triển đảng ở các trường đại học còn gặp những khó khăn khác mang tính đặc thù. Việc học theo tín chỉ làm phá vỡ mô hình lớp học truyền thống, khiến cho việc sinh hoạt tập thể của sinh viên khó khăn khi mỗi em một lịch học riêng. Các sinh viên theo đó cũng ít có sự kết nối để có thể hiểu và giới thiệu được các nhân tố điển hình cho Đảng.

Bên cạnh đó, đảng viên trong chi bộ sinh viên có tính biến động rất cao. Một năm có khoảng 100 đảng viên mới gia nhập chi bộ và cũng có chừng đó em chuẩn bị chuyển đi nơi khác. Có em chỉ kết nạp được mấy tháng là ra trường, thậm chí có em còn chưa kịp chuyển đảng chính thức, nên rất khó trong việc theo dõi sự phát triển của đảng viên đó./.

Bài 4: Chuyển sinh hoạt đảng khi ra trường – Lời giải từ chính đảng viên trẻ

Trong những năm qua, công tác phát triển đảng viên trẻ là sinh viên trong các nhà trường cũng như tránh làm rơi những “hạt giống đỏ” xuất sắc là nỗi niềm của những người làm công tác đảng trong trường cao đẳng, đại học.

Phóng viên VietnamPlus đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Thanh Sơn, Bí thư Đảng ủy Khối các trường đại học, cao đẳng Hà Nội (Đảng ủy Khối) về vấn đề này.

Bài toán khó

– Thưa ông, ông có thể cho biết công tác phát triển đảng viên trẻ là sinh viên trong thời gian qua tại các trường đại học, cao đẳng tại Hà Nội như thế nào?

Ông Nguyễn Thanh Sơn: Đảng ủy Khối các trường đại học, cao đẳng Hà Nội xác định công tác phát triển đảng viên trẻ là nhiệm vụ trọng tâm, tạo nguồn cho Đảng.

Ông Nguyễn Thanh Sơn, Bí thư Đảng ủy khối các trường đại học, cao đẳng Hà Nội. (Ảnh: NVCC)
Ông Nguyễn Thanh Sơn, Bí thư Đảng ủy khối các trường đại học, cao đẳng Hà Nội. (Ảnh: NVCC)

Phát triển đảng viên trẻ là học sinh, sinh viên cũng chính là nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng do đây là nguồn nhân lực chất lượng cao.

So với các khu vực khác như địa bàn dân cư, cơ quan Nhà nước hay lực lượng vũ trang thì các trường đại học là nơi có nguồn kết nạp đảng viên trẻ lớn nhất. Một năm, Đảng bộ Hà Nội kết nạp khoảng 12.000 đảng viên thì riêng Đảng ủy Khối các trường đại học, cao đẳng Hà Nội kết nạp khoảng 2.000 người.

Việc phát triển đảng viên trẻ ở Đảng bộ khối có nhiều thuận lợi. Thứ nhất là có tiềm lực dồi dào với quy mô sinh viên mỗi trường từ vài nghìn đến hàng chục nghìn em, trong nguồn đó có nhiều em tích cực. Thứ hai là các em có trình độ nhận thức cao. Thứ ba là nhiều em có động cơ đúng đắn vào Đảng, có mong muốn trưởng thành về mặt chính trị. Thứ tư là các cấp chính quyền cũng quan tâm đến việc phát triển Đảng.

Dù vậy, các trường cũng có những khó khăn riêng. Để được xét kết nạp Đảng, sinh viên phải hội đủ hai tiêu chí là có kết quả học tập ở mức trung bình khá trở lên và tham gia hoạt động xã hội tích cực. Tuy nhiên, sinh viên ngày nay có nhiều động cơ khác nhau như học tập, thu nhập, việc làm hay xác định đi học nước ngoài. Có em ban ngày đi học, buổi tối đi làm thêm nên không còn thời gian dành cho các hoạt động xã hội. Cơ chế thị trường tác động làm các em phân tâm với nhiều câu hỏi như vào Đảng để làm gì? Nên phấn đấu vào Đảng hay nên tập trung cho việc học, tích lũy kinh nghiệm qua đi làm thêm để dễ kiếm việc hơn?

Đây là những khó khăn đã nói từ lâu nhưng ngày càng tác động sâu sắc hơn.

Phát triển đảng viên trẻ là học sinh, sinh viên cũng chính là nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng do đây là nguồn nhân lực chất lượng cao.

Bên cạnh đó còn một số đơn vị chưa quan tâm, chưa nhận thức đầy đủ về vai trò ý nghĩa của việc phát triển đảng viên trẻ để tạo đội ngũ kế cận cho Đảng nên có phần coi nhẹ việc này. Công tác tuyên truyền chưa tốt trong khi thanh niên ngày nay có nhiều luồng thông tin đa chiều tác động gây khó khăn trong định hướng.

Một khó khăn nữa là một số em ra trường không biết chuyển sinh hoạt Đảng đi đâu khi nhiều công ty không có tổ chức Đảng. Nếu chuyển sinh hoạt Đảng về địa phương nhưng lại không làm việc tại địa phương đó thì dễ mất liên lạc. Nếu chuyển về nơi tạm trú thì nhiều khi các em thay đổi chỗ ở liên tục do công việc chưa ổn định.

Lễ kết nạp đảng viên sinh viên của Đảng bộ Trường Đại học Xây dựng. (Ảnh: PV)
Lễ kết nạp đảng viên sinh viên của Đảng bộ Trường Đại học Xây dựng. (Ảnh: PV)

Đa phần các em để sinh hoạt Đảng ở trường. Theo quy định, trường chỉ cho các em sinh hoạt tối đa 12 tháng. Vì thế, nhiều em được kết nạp đảng ở trong trường đại học nhưng sau khi ra trường lại bị xóa tên vì bỏ sinh hoạt Đảng quá lâu, để lại hệ lụy lâu dài.

Đó là vấn đề đặt ra rất nan giải và chưa tìm ra được giải pháp nào.

– Đảng ủy Khối đã có thống kê nào về các trường hợp này chưa, thưa ông?

Ông Nguyễn Thanh Sơn: Chúng tôi đang đề nghị các trường thống kê xem có bao nhiêu em bị xóa tên. Tuy nhiên, các trường sẽ chỉ nắm được số em để hồ sơ ở trường, không liên hệ lại và bị xóa tên. Những trường hợp đã chuyển hồ sơ đi mà không tiếp tục sinh hoạt Đảng thì không thể có số liệu để thống kê vì không thuộc quản lý của Đảng bộ trường.

Quan trọng nhất vẫn là ý thức của mỗi đảng viên sinh viên

– Đảng ủy Khối có định hướng như thế nào trong thời gian tới để khắc phục các khó khăn và làm tốt hơn công tác phát triển Đảng viên trẻ trong sinh viên, thưa ông?

Ông Nguyễn Thanh Sơn: Đảng ủy Khối là nơi có nguồn chất lượng và dồi dào nhất so với các khối và khu vực khác, tuy nhiên hiện nay số lượng đảng viên sinh viên kết nạp hàng năm vẫn chưa tương xứng với nguồn lực.

Số lượng đảng viên sinh viên kết nạp hàng năm vẫn chưa tương xứng với nguồn lực

Đảng bộ Khối đang xây dựng đề án cho vấn đề này và phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị với nhiều giải pháp.

Thứ nhất là quán triệt nâng cao nhận thức của các cấp ủy coi công tác phát triển Đảng là tạo nguồn cho Đảng, cũng là nâng cao vị trí lãnh đạo của Đảng. Phải xác định trách nhiệm chính trị của người đứng đầu đơn vị, đưa vào đánh giá tổ chức Đảng. Nếu đơn vị nào tỷ lệ kết nạp đảng viên thấp sẽ phải xem xét tìm giải pháp phù hợp với đơn vị đó.

Thứ hai là sẽ giao chỉ tiêu cho các cơ sở.

Thứ ba là phải đẩy mạnh hoạt động phong trào của đoàn thanh niên, hội sinh viên vì đây là lực lượng giới thiệu đoàn viên ưu tú cho Đảng. Phong trào đoàn, hội phong phú sẽ thu hút được và giáo dục các em để các em có động cơ suy nghĩ vào Đảng đúng đắn, tạo điều kiện cho các em rèn luyện để vào Đảng. Các phong trào cũng cần đổi mới tổ chức, phương thức, nội dung hoạt động, quan tâm thiết thực đến học sinh sinh viên, những điều sinh viên cần, từ học tập, đời sống vật chất, tinh thần, tâm tư, tình cảm. Phải chăm lo đến quyền lợi của các em, trong đó có quyền lợi chính trị.

Để đứng trong hàng ngũ của Đảng, sinh viên phải vừa học tập tốt, vừa tham gia tích cực các hoạt động xã hội. (Ảnh: PV)
Để đứng trong hàng ngũ của Đảng, sinh viên phải vừa học tập tốt, vừa tham gia tích cực các hoạt động xã hội. (Ảnh: PV)

Một giải pháp nữa là mô hình chi bộ sinh viên, tạo điều kiện để các đảng viên sinh viên thuận lợi trong sinh hoạt. Nhiều nơi sinh viên sinh hoạt Đảng chung cùng giảng viên sẽ có những bất cập nhất định.

Đảng bộ Khối cũng đang cân nhắc lại điều kiện vào Đảng, trong đó trọng tâm là vấn đề kết quả học tập của sinh viên có cần phải ở mức trung bình khá trở lên và không nợ môn hay không. Kết quả này có thể không quá khó với khối trường xã hội nhưng với khối kỹ thuật là tương đối khó, nhất là với các em tham gia hoạt động đoàn, hội vì không thể tập trung hoàn toàn cho việc học. Tuy nhiên, đây cũng là vấn đề còn rất nhiều ý kiến khác nhau trong Đảng bộ Khối, chưa thống nhất. Nhiều ý kiến cho rằng cần giữ nguyên điều kiện này vì đảng viên phải là những người ưu tú, đảm bảo chất lượng. Nhưng cũng có ý kiến cho rằng tiêu chí này hơi cao, gây khó khăn cho việc kết nạp đảng viên sinh viên.

Đảng bộ Khối cũng đang cân nhắc lại điều kiện vào Đảng, trong đó trọng tâm là vấn đề kết quả học tập của sinh viên.

Dù có những khó khăn nhưng Đảng bộ Khối cũng có thuận lợi lớn là nguồn để lựa chọn kết nạp đảng viên mới ngày càng tăng. Nhu cầu học tập của mọi người ngày càng cao hơn, học bây giờ không phải chỉ để đi làm mà còn để biết, để khẳng định, để sống, học ở mọi lứa tuổi. Vì thế số lượng sinh viên ngày càng tăng lên, nguồn cho Đảng càng dồi dào hơn.

– Vấn đề chuyển Đảng sau khi ra trường vẫn là một trong những khó khăn với sinh viên mà như ông nói là chưa có lời giải. Vậy ông có lời khuyên gì với các đảng viên trẻ?

Ông Nguyễn Thanh Sơn: Trước đây, sinh viên ra trường có Nhà nước bố trí việc làm, các em cũng chủ yếu làm trong các cơ quan, đơn vị Nhà nước. Tuy nhiên ngày nay người học phải tự vận động và thị trường lao động chuyển dịch sang khối tư nhân. Đó là vận động tất yếu của xã hội buộc các em phải thay đổi quan điểm.

Theo ông Nguyễn Thanh Sơn, mỗi đảng viên trẻ cần chủ động hơn nữa để giải bài toán chuyển sinh hoạt đảng sau khi ra trường. (Ảnh minh họa: Minh Sơn/Vietnam+)
Theo ông Nguyễn Thanh Sơn, mỗi đảng viên trẻ cần chủ động hơn nữa để giải bài toán chuyển sinh hoạt đảng sau khi ra trường. (Ảnh minh họa: Minh Sơn/Vietnam+)

Tất nhiên có khó khăn và Đảng ủy Khối cũng chưa tìm ra lời giải căn cơ cho từng hoàn cảnh cụ thể nhưng các em là đảng viên, không phải sinh viên bồng bột nên cần có những lựa chọn, cân nhắc thấu đáo. Nếu các em chưa có nhận thức và động cơ đúng đắn khi vào Đảng thì việc bỏ sẽ đơn giản hơn. Khi động cơ vào Đảng đúng đắn thì trong những lựa chọn đó không hẳn là không có cách làm vì Đảng đã tạo điều kiện linh hoạt chỗ chuyển Đảng về nơi cư trú, cho phép sinh hoạt đảng online…

Đảng chia sẻ với những khó khăn của các em về mưu sinh, lập nghiệp, nhưng bên cạnh đó còn là ý thức của mỗi đảng viên. Nếu các em có ý thức thường xuyên liên hệ với trường, với Đảng bộ nơi các em sinh hoạt để chi bộ biết các em đang làm gì, ở đâu thì mọi chi bộ đều tạo điều kiện…

– Xin cảm ơn ông!

Thạc sỹ Đặng Thị Minh Hảo. (Ảnh: petrotimes)
Thạc sỹ Đặng Thị Minh Hảo. (Ảnh: petrotimes)

 

Thạc sĩ Đặng Thị Minh Hảo, giảng viên Khoa Xây dựng Đảng, Trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong:

Điều quan trọng là ý thức của sinh viên

Khó khăn về chuyển sinh hoạt đảng của các đảng viên trẻ là sinh viên sau khi ra trường là có thật và việc sinh viên được kết nạp xong bị xóa tên cũng có thật.Tuy nhiên, ở đây tôi muốn nhấn mạnh đến ý thức của đảng viên. Điều lệ Đảng cho phép các em vắng mặt số lần sinh hoạt đảng nhất định nếu có lý do chính đáng. Nếu các em thường xuyên liên hệ với cơ sở nơi đăng ký sinh hoạt đảng và có lý do chính đáng thì tôi tin đảng bộ cơ sở nào cũng tạo điều kiện cho các em.Các em hãy nhớ lại lúc phấn đấu để trở thành một đảng viên, nhớ lại mình đã viết gì trong đơn xin vào Đảng và là một đảng viên, hãy luôn có trách nhiệm với những gì mình đã nói.

Phó Bí thư thường trực Đảng ủy Đại học Bách khoa Hà Nội Bùi Đức Hùng. (Ảnh: PV)
Phó Bí thư thường trực Đảng ủy Đại học Bách khoa Hà Nội Bùi Đức Hùng. (Ảnh: PV)

Ông Bùi Đức Hùng, Phó Bí thư thường trực – điều hành công tác của Đảng bộ Trường Đại học Bách khoa Hà Nội:

Đảng viên trẻ phải là người chủ động

Việc chuyển sinh hoạt đảng sau khi ra trường là một khó khăn và sẽ phải có điều chỉnh để phù hợp hơn nhưng trước tiên chính đảng viên cũng phải tùy hoàn cảnh cụ thể của mình để chủ động tìm giải pháp. Khó nhưng không phải khó thì không giải quyết được. Chẳng hạn khi sinh hoạt ở chỉ bộ phải đứng lên xin phát biểu, nói những vấn đề mình đang vướng để cả chi bộ biết, tạo điều kiện, đừng chỉ ngồi uống nước chè rồi tự than phiền. Chủ động sẽ giải quyết được các vấn đề. Điều đó cũng thể hiện vai trò tiên phong của người đảng viên.