Phát triển đội ngũ nhà giáo để đổi mới giáo dục VN

Ngành giáo dục cần thực hiện quy chế dân chủ trong nhà giáo và cán bộ quản lý, tạo động lực thực hiện đổi mới căn bản giáo dục VN.
Ngày 22/5, tại Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức hội thảo khoa học "Nhà giáo và cán bộ quản lý đối với sự nghiệp đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục Việt Nam."

Với sự tham dự của lãnh đạo một số trường tiểu học, trung học cơ sở, trung hộc phổ thông, đại học, cao đẳng... trên địa bàn Hà Nộ, hội thảo đã cùng bàn luận về chất lượng của đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý hiện nay; mô hình mới về nhà giáo và cán bộ quản lý; giải pháp thực hiện mô hình mới và đề xuất các kiến nghị với Trung ương về cơ chế, chính sách đối với nhà giáo, cán bộ quản lý.

Việc lấy ý kiến từ cấp cơ sở nhằm đem lại cái nhìn bao quát, toàn diện và tìm kiếm những giải pháp phù hợp nhất với thực tiễn giáo dục hiện nay.

Hiện nay, số liệu thống kê từ các bộ, ngành cho thấy số lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục khoảng 1,2 triệu (khoảng 1/2 định biên công chức toàn quốc). Nhìn chung, số lượng về cơ bản đã đáp ứng được số lượng và cơ cấu.

Ngoài số lượng nhà giáo và cán bộ quản lý đang công tác trong ngành giáo dục, còn một số lượng lớn sinh viên sư phạm đã tốt nghiệp từ 1-5 năm mà chưa có việc làm, hoặc một số ít mới chỉ tạm hợp đồng ở các mức độ khác nhau. Trong đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, chắc chắn nguồn nhân lực nhà giáo sẽ không bị thiếu hụt về mặt số lượng. Điều quan trọng nhất là chất lượng có đảm bảo thực hiện những đổi mới về mục tiêu, chương trình, phương pháp giáo dục.

Các đại biểu đã cùng nhìn nhận thực trạng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý hiện nay và nêu nhiều ý kiến, đề xuất để nâng cao chất lượng đội ngũ này. Phó Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam Phạm Văn Thanh nêu một số đề xuất cần đổi mới tư duy trong quá trình xây dựng chế độ, chính sách cho đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục.

Xây dựng chế độ, chính sách cho đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý phải được đặt trong tổng thể sứ mệnh và mục tiêu của giáo dục và đào tạo, đầu tư cho giáo dục là đầu tư phát triển. Xây dựng và ban hành đồng bộ những quy định về điều kiện, tiêu chuẩn tuyển dụng, quy trình bổ nhiệm, sử dụng, đánh giá, đào tạo, bồi dưỡng và cơ chế sàng lọc đối với nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục.

Ngoài ra, cần đẩy mạnh thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở trường học trong đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, tạo động lực thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục Việt Nam.

Ông Phạm Xuân Thu - Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu khoa học dạy nghề, cho rằng giáo viên dạy nghề hiện nay vừa phải làm giáo viên vừa phải là kỹ thuật viên nên công việc rất căng thẳng, vất vả, nhưng lương và phụ cấp chưa đảm bảo mức sống hợp lý. Điều này khiến giáo viên dạy nghề không toàn tâm toàn ý theo nghề và cũng khó có thể giữ chân giáo viên dạy nghề có năng lực ở lại giảng dạy ở cơ sở dạy nghề.

Thêm nữa, các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng giáo viên dạy nghề hiện nay chưa thể hiện rõ tính chuyên nghiệp của trường nghề. Tình trạng bất cập trong việc bồi dưỡng, phát triển năng lực hành nghề cho giáo sinh là do những hạn chế về thời lượng và chất lượng giảng dạy, đồng thời gặp nhiều khó khăn trong việc tổ chức kiến tập, thực tập.

Bên cạnh đó, khả năng nghiên cứu khoa học của giáo viên dạy nghề chưa được chú trọng đúng mức, dẫn đến hoạt động nghiên cứu khoa học của các cơ sở dạy nghề nói chung và khả năng tham gia nghiên cứu khoa học của giáo viên dạy nghề nói riêng còn hạn chế.

Ông Thu đề xuất cần có các khung chính sách và cơ chế khuyến khích để tạo động lực và tôn vinh địa vị xã hội của giáo viên; đồng thời, cần sắp xếp tổ chức lại các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng giáo viên dạy nghề, đa dạng hóa hình thức đào tạo, bồi dưỡng giáo viên dạy nghề, đổi mới hoạt động của các trường sư phạm kỹ thuật... Khuyến khích các tổ chức nghiên cứu khoa học tham gia công tác đào tạo, bồi dưỡng sư phạm nghề và kỹ năng nghề cho giáo viên dạy nghề./.

Ngọc Anh (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục