Phát triển du lịch bền vững Đồng bằng sông Cửu Long

Chính phủ đang rất quan tâm đầu tư cho phát triển vùng Đồng bằng sông Cửu Long, trong đó, chú trọng phát triển du lịch bền vững.
Trong khuôn khổ “Những ngày du lịch-văn hóa Mekong-Nhật Bản”, hội thảo “Phát triển du lịch bền vững vùng Đồng bằng sông Cửu Long do Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch tổ chức đã diễn ra tại thành phố Cần Thơ, ngày 4/12.

Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh cho biết Chính phủ đang rất quan tâm vào việc đầu tư phát triển vùng Đồng bằng sông Cửu Long, trong đó, chú trọng phát triển du lịch bền vững.

Hiện Bộ đã thông qua quy hoạch phát triển du lịch chung cho cả vùng Đồng bằng sông Cửu Long trình Chính phủ phê duyệt và sẽ công bố qui hoạch này trong thời gian sớm nhất.

Theo thống kê, trong giai đoạn 2000-2008, lượng khách quốc tế đến tham quan du lịch trong toàn khu vực Đồng bằng sông Cửu Long hàng năm chiếm khoảng 4,3-6,5% so với cả nước. Khách du lịch nội địa cũng chiếm khoảng từ 5-9%, đóng góp vào phát triển kinh tế xã hội của vùng khoảng 2.000 tỷ đồng.

Là một vùng lãnh thổ rộng lớn, trù phú và đông dân, khí hậu ổn định là ít xảy ra thiên tai, Đồng bằng sông Cửu Long có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch.

Trong đó, đáng kể là tiềm năng du lịch sinh thái dã ngoại cảnh quan thiên nhiên gắn với vùng sông nước, miệt vườn; du lịch cộng đồng trên cơ sở phát triển làng nghề cổ truyền với nhiều lễ hội truyền thống đặc trưng.

Tuy nhiên, sau hơn 10 năm phát triển, ngành du lịch vùng này đã bộc lộ nhiều hạn chế như chưa có qui hoạch đầu tư tổng thể, sản phẩm du lịch đơn điệu, nguồn nhân lực thiếu, công tác quảng bá, xúc tiến đầu tư phát triển sản phẩm chưa được quan tâm đúng mức.

Tiến sĩ Phạm Trung Lương, Phó Viện trưởng Viện phát triển Du lịch, đã chỉ ra nguyên nhân dẫn đến sự phát triển chậm và thiếu tính bền vững của ngành du lịch Đồng bằng sông Cửu Long chính là sự hạn chế trong nhận thức về vai trò, vị trí của du lịch đối với phát triển kinh tế xã hội của toàn vùng.

Theo Tiến sĩ Lương, định hướng phát triển du lịch cần  xác định và tổ chức thực hiện phù hợp với từng khu vực, địa phương.

Chẳng hạn như địa bàn vùng cửa sông Tiền từ Tiền Giang đến Kiên Giang thì phát triển du lịch sinh thái kết hợp với tắm biển, Vùng Đồng Tháp Mười cũng phát triển du lịch sinh thái kết hợp với tham quan cảnh quan và di tích văn hóa lịch sử, Vùng Bảy Núi của An Giang-Kiên Giang có du lịch hành hương tín ngưỡng và du lịch tham quan danh thắng, hệ thống đảo ven bờ và trung tâm Phú Quốc nên phát triển du lịch nghỉ dưỡng biễn kết hợp du lịch sinh thái.

Ngoài ra, để vực dậy tiềm năng du lịch sẵn có của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, nhiều đại biểu cho rằng phải trên cơ sở thấy rõ những đặc điểm riêng của vùng để xây dựng các sản phẩm du lịch đặc thù, đồng thời tăng cường sự liên kết, hợp tác giữa các tỉnh trong vùng, chú trọng bảo vệ môi trường./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục