Phát triển du lịch bền vững: Khi người dân được trao quyền...

Các nhà quản lý, quy hoạch và những chuyên gia du lịch đang đau đầu trước bài toán làm thế nào để phát triển bền vững ngành du lịch trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng nghiêm trọng...
Phát triển du lịch bền vững: Khi người dân được trao quyền... ảnh 1Biển xâm lấn đất liền ở Kiên Giang. (Nguồn ảnh: Dự án EU)

“Nước biển dâng làm một số bãi biển có thể bị biến mất, những bãi biển khác bị xói lở sâu vào đất liền, ảnh hưởng đến tài nguyên thiên nhiên ở vùng đất thấp ven biển, làm hư hại các di sản văn hóa, các khu bảo tồn, các khu du lịch sinh thái… Nhiều cơ sở hạ tầng du lịch có thể bị ngập, buộc phải di chuyển hoặc bị đình trệ kinh doanh, làm tăng chi phí cho việc cải tạo, di chuyển và bảo trì.”

Bà Đặng Thị Bích Liên, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch bày tỏ quan ngại như vậy khi nói về vấn đề biến đổi khí hậu đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới ngành du lịch.

Và, thực trạng đó có thể dễ nhận được thấy bằng mắt thường khi đi dọc các vùng ven biển, ở miền Bắc có Cát Hải (Hải Phòng) và Hải Hậu (Nam Định) là hai nơi bị sạt lở nghiêm trọng. Còn miền Trung, bờ biển Thừa Thiên Huế, Quảng Ngãi, Phú Yên, Bình Thuận… cũng bị sạt lở và xâm lấn đất liền rất nhiều.

Thực tế trên khiến các nhà quản lý, quy hoạch và những chuyên gia du lịch đau đầu trước bài toán làm thế nào để phát triển bền vững ngành du lịch trong bối cảnh biến đổi khí hậu.


Trao quyền cho người dân

Mặc dù trong nhiều năm, du lịch Việt Nam luôn duy trì tốc độ phát triển tương đối nhanh nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều thách thức, đặc biệt là năng lực cạnh tranh của điểm đến và tính bền vững của phát triển du lịch khi phải đối mặt với biến đổi khí hậu.

Chúng ta vẫn đang chứng kiến hằng ngày hiện tượng tăng nhiệt độ trung bình của Trái Đất, thay đổi lượng mưa và mực nước biển dâng, kèm theo đó là các thảm tự nhiên diễn ra ngày càng thường xuyên… tác động tiêu cực lên hầu hết các lĩnh vực của đời sống, trong đó có du lịch.

“Thực tiễn phát triển du lịch trong giai đoạn vừa qua cho thấy cần có sự phối hợp liên ngành, liên vùng. Mặt khác, hoạt động du lịch có khả năng thu hút và cần có sự tham gia rộng rãi của cộng đồng dân cư. Ngành du lịch đang chủ trương thực hiện chính sách phát triển bền vững, trong đó coi phát triển du lịch có trách nhiệm là con đường dẫn đến sự thành công,” Thứ trưởng Bích Liên khẳng định.

Theo đó, toàn ngành sẽ phát triển hướng tới mục tiêu cung cấp những kinh nghiệm tích cực cho du khách và cộng đồng dân cư địa phương, nâng cao nhận thức về tôn trọng môi trường và văn hóa, giảm thiểu các tác động tiêu cực từ phát triển du lịch, hướng sự tập trung tới người nghèo, trao quyền cho người dân địa phương, thông qua du lịch để tối đa hóa thu nhập và việc làm cho họ…

Sự quan tâm đặc biệt đến vấn đề bảo vệ môi trường; duy trì và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc; đề cao các giá trị đạo đức và trách nhiệm xã hội cũng đang được tích cực bổ sung vào các chính sách, quy hoạch phát triển du lịch và công tác quản lý du lịch.

Phát triển du lịch bền vững: Khi người dân được trao quyền... ảnh 2Biến đổi khí hậu đã làm thay đổi diện mạo khu vực Hòn Phụ Tử, tỉnh Kiên Giang. (Nguồn ảnh: Dự án EU)

Phát triển cộng đồng trước khi phát triển du lịch

Vậy, bảo vệ môi trường cách nào để phát triển du lịch trong điều kiện biến đổi khí hậu?

Theo bà Nguyễn Thị Huyền, Điều phối dự án quốc gia, Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), không chỉ cần sự tham gia của quan hệ ba bên giữa nhà nước, doanh nghiệp và cộng đồng, mà đã đến lúc cần quan tâm tới phát triển cộng đồng trước khi phát triển du lịch.

“Rất nhiều doanh nghiệp vẫn nghĩ một số cộng đồng nghèo, lạc hậu, thiếu hiểu biết, nên khi đến với cộng đồng họ thường đóng vai trò là những nhà hoạt động nhân đạo, tặng quà, trao học bổng cho học sinh nghèo địa phương ở một điểm đến nào đó. Điều này cũng tốt thôi, nhưng chúng tôi muốn nhấn mạnh rằng chúng ta hãy nhìn lại, để cộng đồng có thể chính là đối tác, là đơn vị cung cấp các dịch vụ, là nguồn lao động của chúng ta. Hãy coi họ là chủ nhân thực sự của điểm đến chứ không phải chỉ có những doanh nghiệp mới làm chủ,” bà Huyền nhấn mạnh.

Khi được coi là “chủ nhân,” cộng đồng sẽ ứng xử thế nào với những cơ quan nhà nước, với doanh nghiệp? Hay đơn thuần họ chỉ coi doanh nghiệp là nơi có thể kiếm việc làm cho con cái, nơi có thu nhập từ sự đầu tư, thậm chí dễ có cái nhìn tiêu cực.

Đại diện Tổ chức Lao động Quốc tế cho rằng, khi chúng ta đặt cộng đồng ở vị trí quan trọng để phát triển du lịch, chúng ta cần họ tham gia thực sự. Rất nhiều nơi mới chỉ quan tâm tới phát triển du lịch trước và hy vọng phát triển du lịch sẽ kéo theo phát triển cộng đồng. Điều này sẽ làm nảy sinh nhiều hệ lụy, tạo ra một số rãnh nứt và khó khăn nếu muốn tiếp tục làm việc lâu dài, thậm chí gây những tác động tiêu cực cho cộng đồng.

Và bà Huyền đã kể câu chuyện mà tổ chức của bà thực hiện ở Quảng Nam trong những năm vừa qua, để nói lên vai trò quan trọng của cộng đồng cũng như vai trò đi kèm của doanh nghiệp, nhà nước là không thể thiếu.

Làng du lịch cộng đồng Dhrôồng (Tà Lu, Đông Giang, Quảng Nam) có nghề dệt thổ cẩm truyền thống nhưng ngày càng èo uột và đứng trên bờ vực thất truyền như nhiều làng nghề khác trên cả nước. Với mong muốn hồi sinh làng nghề cho bà con dân tộc, giúp làng có cơ hội làm du lịch cộng đồng từ vốn tự có này, ILO đã hỗ trợ bà con thiết kế lại mô hình làng nghề, đào tạo kỹ năng cho người dân.

Phát triển du lịch bền vững: Khi người dân được trao quyền... ảnh 3Bà con dân tộc dệt thổ cẩm ở tỉnh Quảng Nam. (Nguồn ảnh: Cổng thông tin điện tử huyện Nam Giang)

Còn lại, chính Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch địa phương đã kết hợp cùng với các cơ quan chức năng nhà nước giúp địa phương tổ chức những lớp tập huấn may, mua máy khâu, máy cuốn chỉ (nhà nước góp 50% vốn), sửa chữa lại nhà Gươl và nhà cộng đồng…

Doanh nghiệp cũng được kêu gọi tham gia dự án này và nhận được đảm bảo từ phía chính quyền để mạnh dạn đầu tư hơn, góp phần tạo động lực trực tiếp cho người dân. Vì người dân nhìn thấy đây chính là những người cung cấp khách du lịch cho mình (đảm bảo thị trường và đầu ra cho các loại sản phẩm).

Nhà nước có thể hỗ trợ người dân rất nhiều nhưng rõ ràng không thể hỗ trợ được thị trường. Đặc biệt, trong dự án này, doanh nghiệp đã đầu tư 2 tỷ đồng để khôi phục các ngôi nhà truyền thống của đồng bào Cơ tu (village stay) và được độc quyền khai thác.

Tới nay Dhrôồng đã trở thành điểm đến quen thuộc, thu hút rất đông du khách trong và ngoài nước. Thực tế này cho thấy, sự tham gia của doanh nghiệp là cần thiết, nhưng để tạo tính bền vững cho du lịch địa phương thì người dân ở đó phải trực tiếp tham gia vào phát triển cộng đồng./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục