Phát triển du lịch Tuyên Quang và các tỉnh Đông Bắc

Đây là vùng có tiềm năng du lịch lớn với cảnh quan tươi đẹp, đời sống văn hóa của đồng bào các dân tộc trong vùng rất phong phú, hấp dẫn.
Ngày 28/9, tại Trung tâm hội nghị tỉnh Tuyên Quang, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Ủy ban Nhân dân tỉnh Tuyên Quang tổ chức hội nghị Phát triển du lịch Tuyên Quang và các tỉnh vùng Đông Bắc.

Ông Phạm Minh Huấn, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Tuyên Quang cho biết, đây là dịp để đánh giá tiềm năng, thực trạng về du lịch Tuyên Quang, mối liên kết giữa Tuyên Quang với các tỉnh vùng Đông Bắc và các tỉnh thành cả nước trong phát triển du lịch.

Hội nghị cũng là tiền đề quan trọng để xây dựng chương trình phát triển du lịch tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2012-2015, là cơ sở để đề nghị Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Tổng cục Du lịch đưa chương trình hành động du lịch Tuyên Quang vào chương trình hành động quốc gia về du lịch để thu hút mọi nguồn lực tạo sự đột phá về phát triển ngành du lịch tỉnh Tuyên Quang.

Các đại biểu cho rằng, các tỉnh vùng Đông Bắc đều có tiềm năng du lịch lớn với cảnh quan núi non tươi đẹp, đời sống văn hóa của đồng bào các dân tộc phong phú và hấp dẫn.

Điển hình như Tuyên Quang - thủ đô kháng chiến, với hơn 500 điểm di tích lịch sử, văn hóa, trong đó có 398 điểm di tích lịch sử cách mạng quan trọng gắn với một giai đoạn lịch sử hào hùng của dân tộc và cũng là vùng đất của những truyền thuyết, lễ hội, những điệu dân ca, dân vũ đang được bảo tồn và phát triển. Nhưng hiện nay lượng khách du lịch đến với Tuyên Quang nói riêng và các tỉnh vùng Đông Bắc nói chung chủ yếu là khách du lịch nội địa, thời gian lưu trú ngắn và chi tiêu hạn chế. Nguyên nhân do các hoạt động du lịch trong vùng chưa thật hấp dẫn, đa dạng; cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ khách du lịch còn nhiều hạn chế; công tác quảng bá, xây dựng sản phẩm du lịch còn ít được quan tâm.

Hội nghị đã thống nhất các giải pháp để thúc đẩy phát triển du lịch trong vùng Đông Bắc thời gian tới, như cần đẩy mạnh khai thác tiềm năng thiên nhiên và phải có quy hoạch phát triển du lịch, công tác kiểm tra, giám sát thực hiện quy hoạch phải được tiến hành nghiêm túc, chặt chẽ, thường xuyên. Đồng thời, tăng cường công tác xúc tiến nhằm thu hút các dự án đầu tư xây dựng các khu du lịch nghĩ dưỡng có quy mô thích hợp, có kiến trúc hài hòa với môi trường, cảnh quan thiên nhiên và kiến trúc nhà dân bản địa. Tập trung phát triển các sản phẩm du lịch độc đáo và đa dạng, tăng cường liên kết vùng trong xây dựng các sản phẩm du lịch; có cơ chế thu hút đầu tư xây dựng những khu những khu du lịch nghỉ dưỡng có kiến trúc phù hợp tại những vùng có cảnh quan đẹp và khí hậu mát mẻ. Lựa chọn và hướng dẫn đồng bào dân tộc cải tạo nhà riêng để đón khách theo mô hình homestay; chú trọng đào tạo nhân viên phục vụ tại các cơ sở lưu trú.

Đông Bắc là khu vực có nhiều tiềm năng về du lịch sinh thái, du lịch văn hóa và du lịch biên giới, với những điểm di tích nổi tiếng như: Khu du lịch lịch sử và sinh thái Tân Trào, huyện Sơn Dương (Tuyên Quang) - thủ đô kháng chiến; các di tích thuộc ATK (an toàn khu) Định Hóa (Thái Nguyên)... hay những địa danh như: Suối Lenin, hang Pắc Bó (Cao Bằng)- cội nguồn cách mạng; hồ Ba Bể (Bắc Kạn)- một trong 2 hồ nước ngọt tự nhiên lớn nhất thế giới; Công viên địa chất cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang) - thành viên của mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu.

Ngoài ra, Đông Bắc còn được biết đến là nơi sinh sống của nhiều đồng bào dân tộc thiểu số, với những điệu hát sli của dân tộc Nùng, hát Soọng cô của dân tộc Sán Dìu... ngân nga làm say đắm lòng người./.

Quang Cường (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục