Phát triển đường sắt đô thị: ADB gỡ “nút thắt” vốn

Việc huy động tổng lực nguồn vốn cho dự án đường sắt đô thị sẽ giải quyết các vấn đề đầu tư, cơ sở hạ tầng mạng lưới giao thông.
Bài toán phát triển giao thông đô thị đang là bài toán khó của các cấp quản lý. Tại Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội nhiều giải pháp đã được đưa ra nhằm giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông diễn ra ngày một trầm trọng như: tăng tuyến xe buýt, hạn chế xe ôtô vào nội thành, mở rộng các tuyến đường đã có, xây dựng tuyến đường sắt nội đô…

Theo ông Lê Vinh, Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội: “Hệ thống giao thông công cộng chủ yếu hiện nay là xe buýt nhưng loại phương tiện nay đang quá tải. Vì vậy, cần phải nghĩ đến loại phương tiện khác lớn hơn để đáp ứng nhu cầu đi lại ngày càng tăng. Do đó, giải pháp hướng tới là xây dựng tàu điện ngầm, đường sắt đô thị.”

Tuy nhiên, cái khó của giải pháp này là cần huy động lượng vốn lớn, trong khi nguồn ngân sách thì có hạn. Do đó, việc huy động tổng lực nguồn vốn cho dự án sẽ giải quyết các vấn đề đầu tư, cơ sở hạ tầng đang đặt ra với ngành giao thông.

ADB – “bệ đỡ” cho các dự án đường sắt nội đô

Hiện nay, tính trung bình phương tiện giao thông trong thành phố Hà Nội tăng từ 10-12%/năm, đó là chưa kể lượng xe ngoại tỉnh vào thành phố hàng ngày cũng tăng, trong khi tốc độ mở đường lại tăng không đáng kể.

Thành phố Hồ Chí Minh cũng trong tình trạng tương tự khi cơ sở hạ tầng đường xá đã đạt đến điểm bão hòa. Với dân số ngày càng tăng, ước tính sẽ tăng từ mức hiện tại là 9 triệu người lên 14 triệu người vào năm 2015, giao thông ở Thành phố Hồ Chí minh sẽ tiếp tục trở thành vấn đề bức xúc.

Trong buổi công bố phê duyệt khoản vay 239 triệu USD hỗ trợ dự án đường sắt đô thị tại Hà Nội vào cuối tháng 3 vừa qua, ông Robert Valkovic, chuyên viên chính phụ trách về Giao thông ở Đông Nam Á của Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) đã nhận định: “Nếu Hà Nội không phát triển các hệ thống giao thông công cộng có chất lượng và có khối lượng chuyên chở lớn, sự phát triển của thành phố sẽ từ từ chững lại trong vòng một thập kỷ tới. Hệ thống đường sắt đô thị là một vấn đề cần thiết đối với tương lai của Hà Nội.”

Và điều tương tự cũng xảy ra với Thành phố Hồ Chí Minh khi các phương tiện đi lại từ miền Tây sang miền Đông đều phải đi qua trung tâm thành phố khiến tình trạng tắc nghẽn giao thông gia tăng khiến chi phí của doanh nghiệp tăng cao, góp phần làm chậm quá trình tăng trưởng kinh tế của thành phố.

Chính vì vậy, theo quy hoạch phát triển giao thông vận tải đến năm 2020, hai thành phố Hà Nội và Hồ Chí Minh sẽ có hơn 10 tuyến đường sắt đô thị. Tuy nhiên, các dự án đường sắt nội đô luôn gặp khó khăn do kinh phí xây dựng lớn, hạ tầng chật hẹp, khó cho việc thi công.

Trước tình hình này, ADB đã phê duyệt gói hỗ trợ tài chính trị giá 1,1 tỷ USD cho hai dự án đường sắt cao tốc tại Thành phố Hồ Chí Minh vào cuối năm 2010 và phê duyệt khoản vay 239 triệu USD cho một tuyến trong dự án đường sắt đô thị tại Hà Nội vào cuối tháng 3 vừa qua.

Theo dự kiến, tuyến đường sắt đô thị ở Hà Nội do ADB tài trợ sẽ hoàn thành vào năm 2017 có khoảng 150.000 người sử dụng tuyến đường này mỗi ngày. Dự kiến tới năm 2030, mạng đường sắt đô thị tại Thủ đô Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh sẽ được hoàn thành.

Cần sự chung sức của doanh nghiệp

Hiện nay, các dự án đường sắt đô thị đang được triển khai với nguồn vốn đầu tư chủ yếu của nước ngoài. Thực tế, 80% nguồn vốn ODA đang được sử dụng do các tổ chức như Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Cơ quan Phát triển Pháp, Ngân hàng Tái thiết Đức và Ngân hàng Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JBIC) tài trợ.

Ông Nguyễn Tiến Thịnh, Phòng Kế hoạch đầu tư Cục Đường sắt (Bộ Giao thông Vận tải) cho biết, hiện tại đường sắt đô thị đang ở giai đoạn mới phát triển nên có rất nhiều cơ hội đầu tư. Điều quan trọng là Chính phủ cần kêu gọi mở rộng nguồn tất cả các nguồn vốn, huy động sự chung sức của cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước để có thể đầu tư, duy tu cơ sở hạ tầng nhằm mở rộng mạng lưới.

Ông Tsuno Motonori, Trưởng đại diện Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) ở Việt Nam cho rằng: “Để đáp ứng được nhu cầu xây dựng hạ tầng rất lớn của Việt Nam, bên cạnh nguồn vốn nhà nước và vốn ODA, cần đẩy mạnh việc huy động nguồn vốn tư nhân theo mô hình kết hợp giữa nhà nước và tư nhân (mô hình PPP). Đây là những nhân tố không thể thiếu cho sự phát triển bền vững của Việt Nam, bởi Việt Nam vẫn đang có nhu cầu vốn lớn để đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội.”

Tuy nhiên, để có thể huy động được nguồn vốn của các doanh nghiệp trong và ngoài nước thì cần phải khắc phục những “nút thắt” đầu tư vẫn tồn tại lâu nay như cấp phép phức tạp, thu hồi vốn thấp, vai trò trách nhiệm của Nhà nước cũng như tư nhân còn thiếu rõ ràng…

Đại diện của Cục Đường sắt cho rằng, cần phải giới thiệu cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước về cơ chế, chính sách, chiến lược phát triển của đường sắt đô thị, ảnh hưởng của dự án và chính sách ưu đãi của Chính phủ.

Trong thời gian tới, đối với từng tuyến đường sắt nội đô, Cục sẽ có nghiên cứu cụ thể dựa trên chiến lược quy hoạch của thành phố để từ đó sẽ kêu gọi nguồn vốn đầu tư, tùy theo đặc thù để phân loại đầu tư./.

Xuân Dũng-Mạnh Hùng (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục