Phát triển kinh tế thủy sản kết hợp giữ chủ quyền biển đảo

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, cần gắn kết giữa phát triển du lịch với phát triển thủy sản, kết hợp giữa khai thác thủy sản với bảo vệ chủ quyền biển đảo.
Phát triển kinh tế thủy sản kết hợp giữ chủ quyền biển đảo ảnh 1Ngư dân huyện đảo Lý Sơn được mùa cá cơm than. (Ảnh: Thanh Long/TTXVN)

Duyên hải miền Trung là vùng có ngư trường khai thác thủy sản rộng lớn, đặc biệt là ngư trường ở Hoàng Sa và Trường Sa với nguồn thủy sản phong phú, đa dạng, giá trị kinh tế cao.

Tuy nhiên, ngành thủy sản khu vực cũng đang bộc lộ một số khó khăn, đặc biệt là các tỉnh vẫn chưa khai thác hết tiềm năng.

Để phát triển kinh tế thủy sản; đặc biệt là khu vực duyên hải miền Trung, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Vũ Văn Tám nhấn mạnh, Chính phủ cần có những chính sách gắn kết giữa phát triển du lịch với phát triển thủy sản để nâng cao giá trị; đồng thời phải kết hợp giữa khai thác thủy sản với bảo vệ chủ quyền biển đảo.

Lợi thế vùng

Vùng Duyên hải miền Trung gồm 9 tỉnh, từ Thừa Thiên-Huế đến Bình Thuận, với chiều dài bờ biển hơn 1.400km, chiếm gần một nửa tổng chiều dài bờ biển của cả nước.

Với thế mạnh về kinh tế biển cùng hệ thống sông ngòi, đầm phá, đặc biệt là 2 ngư trường lớn Hoàng Sa và Trường Sa, hàng năm cung cấp nguồn hải sản phong phú, đa dạng. Hàng thủy sản của Việt Nam đã có mặt trên 165 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới.

Năm 2013, kim ngạch xuất khẩu ngành thủy sản đạt 6,7 tỷ USD, chiếm 24,8% tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản và chiếm 5,07% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam; đồng thời cũng đã có nhiều đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế- xã hội, giải quyết công ăn việc làm cho hơn 4 triệu lao động trong cả nước.

Tính riêng khu vực Duyên hải miền Trung, giá trị sản xuất toàn ngành của vùng năm 2012 đạt 27.337 tỷ đồng chiếm 34% giá trị sản xuất ngành nông, lâm, thủy sản và chiếm gần 5% giá trị xuất khẩu chung của Vùng; trong đó giá trị thủy sản khai thác đạt 2.384,56 tỷ đồng.

Hiện, các địa phương vùng Duyên hải miền Trung đã thành lập 50 hợp tác xã nghề cá và 13 nghiệp đoàn nghề cá, trên 1.400 tổ, đội đoàn kết, sản xuất trên biển.

Tuy nhiên, phương thức tổ chức đánh bắt của hơn 200.000 lao động nghề cá trong vùng thực hiện theo đánh bắt thủ công truyền thống… nên hiệu quả đánh bắt còn thấp.

Bên cạnh đó, vùng Duyên hải miền Trung cũng đã có 132 doanh nghiệp chế biến thủy sản nhưng giá trị sản phẩm làm ra chưa cao.

Các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thủy sản cho rằng, nguyên nhân chính là do hầu hết tàu thuyền khai thác xa bờ đều bảo quản sản phẩm sau thu hoạch bằng phương pháp truyền thống là sử dụng đá xay với thời gian ngắn, còn lại chỉ một số ít tàu câu mực sử dụng phương thức phơi khô và một số ít tàu lưới vây cá cơm sử dụng muối để bảo quản cá theo đơn đặt hàng của các chủ nậu, vựa.

Ông Võ Thiên Lăng, Chủ tịch Hội Nghề cá Khánh Hòa, chỉ ra hiện nay, tồn tại lớn nhất trong khai thác xa bờ là công nghệ bảo quản sau thu hoạch trên tàu vỏ gỗ của ngư dân quá thô sơ. Tuy đã có nhiều nghiên cứu cải tiến cách bảo quản nhưng đến nay vẫn chưa mang lại kết quả khả thi do không thể thay đổi kết cấu các hầm chứa trên tàu vỏ gỗ.

Tuy nhiên, bên cạnh đó, cũng có nhiều chủ tàu không có nhu cầu cải tiến hầm bảo quản. Bởi, họ cho rằng chất lượng sản phẩm tăng lên, đồng nghĩa với chi phí tăng trong khi giá sản phẩm không tăng. Thậm chí sẽ còn rơi vào tình trạng được mùa, rớt giá và đó là một trong những nguyên nhân không khuyến khích đầu tư.

Bên cạnh đó, từ trước đến nay, hầu hết các tàu thuyền khai thác đều theo truyền thống truyền nghề theo hướng “Cha truyền con nối.”

Tuy nhiên, tiến sỹ Trần Du Lịch nhấn mạnh, nếu không được đào tạo bài bản thì số lao động trong ngành nghề này chắc chắn sẽ có nhiều hạn chế, yếu kém.


Cần có chiến lược lâu dài

Từ thực trạng của ngành thủy sản khu vực Duyên hải miền Trung, theo phó giáo sư, tiến sỹ Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, miền Trung có tiềm năng thủy sản lớn, giải pháp đặt ra là phải hướng cho du khách, doanh nghiệp trong và ngoài nước một cái nhìn rõ nét, cụ thể về tiềm năng thủy sản ở miền Trung.

Bên cạnh đó, cần có chiến lược lâu dài, tạo điều kiện cho ngư dân đánh bắt vươn xa hơn; đồng thời, thay đổi cách nuôi trồng thủy sản theo hướng chế biến thành đặc sản để thu hút, tạo đột phá phát triển. Ngoài chính sách hỗ trợ của Đảng và Nhà nước, cần đưa các tập đoàn, doanh nghiệp lớn vào đầu tư cả trong lĩnh vực du lịch và thủy sản.

Để phát triển đội tàu vươn khơi, nhiều địa phương như Phú Yên, Khánh Hòa cũng kiến nghị về gói tín dụng hỗ trợ ngư dân đóng mới cải hoán tàu thuyền, xúc tiến xây dựng trung tâm hậu cần nghề cá, nâng cao năng lực chế biến và công tác xúc tiến thương mại, quảng bá thủy sản Việt Nam.

Tiến sỹ Trần Du Lịch, Trưởng nhóm Tư vấn Phát triển Vùng Duyên hải miền Trung, cho rằng nguồn tín dụng cấp cho ngư dân chiếm tỷ lệ rất nhỏ so với việc họ tự vay mượn để đóng các phương tiện.

Nhiều địa phương cũng cho rằng, chính sách hỗ trợ ngư dân, nhất là hỗ trợ trong đóng mới tàu thuyền để vươn khơi bám biển hiện nay chưa đáp ứng đúng với nhu cầu và nguyện vọng.

Vì thế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cần tham mưu với Chính phủ có giải pháp hỗ trợ cho ngư dân tương tự như chính sách hỗ trợ gói 3.000 tỷ đồng trong lĩnh vực bất động sản để giúp ngư dân đóng mới tàu thuyền cả về thời hạn vay, lãi suất và thế chấp chính tài sản làm ra đó (tàu thuyền đóng mới) trong tương lai.

Đối với hệ thống hậu cần nghề cá, hiện, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đang trình Chính phủ cho phép xây mới năm trung tâm hậu cần nghề cá hiện đại cho ngư dân.

Theo tiến sỹ Trần Du Lịch, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn nên trình xin Chính phủ cho đầu tư trước một Trung tâm hậu cần nghề cá tại miền Trung, bao gồm tổng thể các hoạt động như khu neo đậu, nhà máy chế biến thủy sản, khu thương mại, đào tạo, huấn luyện nghề đánh bắt thủy sản…

Ngoài ra, công tác xúc tiến thương mại, tiến trình xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm có thế mạnh của Vùng như: tôm hùm, cá ngừ đại dương, sản phẩm thủy sản khô… cũng cần được tiếp tục nâng cao nhằm tạo ra các sản phẩm thủy sản giá trị cao hơn để đáp ứng thị trường trong nước và xuất khẩu.

Cùng với đó là tiếp tục đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại thông qua các Tham tán thương mại Việt Nam tại nước ngoài để thiết lập và cung cấp thông tin đầy đủ và cập nhật về các sản phẩm thủy hải sản xuất khẩu của Vùng.

Đồng thời, tiếp tục cập nhật thông tin về các thị trường nhập khẩu sản phẩm thủy sản trọng điểm của Việt Nam nói chung và Duyên hải miền Trung nói riêng trên Cổng thông tin điện tử của Vùng và từng tỉnh, thành trong Vùng.

Đặc biệt để phát triển bền vững ngành Thủy sản Việt Nam nói chung và thủy sản Vùng duyên hải miền Trung nói riêng, toàn ngành cần tổ chức quản lý và thực hiện chặt chẽ theo Quy hoạch tổng thể phát triển thủy sản đến năm 2020, tầm nhìn 2030 và Đề án tái cơ cấu ngành thủy sản theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững đã được phê duyệt, Thứ trưởng Vũ Văn Tám nhấn mạnh./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục