Phát triển kinh tế xã hội gắn với bảo vệ môi trường

Ông Niê Thuật, đại biểu Đắk Lắk có tham luận về tăng đoàn kết các dân tộc, tập trung phát triển kinh tế-xã hội gắn với bảo vệ môi trường.
Tại phiên họp sáng 14/1 Đại hội XI của Đảng, ông Niê Thuật, Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk đã tham luận nội dung “Tăng cường đoàn kết các dân tộc, tập trung phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội gắn với bảo vệ tài nguyên và môi trường.” Báo VietnamPlus xin trích giới thiệu bài tham luận trên.

…Đắk Lắk có diện tích tự nhiên hơn 13.125km2, gồm 15 đơn vị hành chính: 13 huyện, 1 thị xã và 1 thành phố; có 184 xã, phường, thị trấn; 2.434 buôn, thôn, tổ dân phố, trong đó có 606 buôn đồng bào đân tộc thiếu số tại chỗ; đồng bào theo các tôn giáo chiếm khoảng 25% dân số.

Đắk Lắk có 73km đường biên giới giáp tỉnh Mondunkiri - Vương quốc Campuchia, dân số hơn 1,75 triệu người, gồm 41 dân tộc, trong đó dân tộc thiểu số chiếm 33,3% dân số.

Thực hiện chủ trương của Ðảng, Đắk Lắk đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, xác định đại đoàn kết dân tộc là vô cùng quan trọng, có nghĩa sống còn đối với cách mạng Việt Nam nói chung, đối với Tây Nguyên và Đắk Lắk nói riêng.

Những năm qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Ðảng bộ, chính quyền, các tổ chức chính trị, xã hội, nhiều vùng đồng bào dân tộc thiếu số đã có bước phát triền nhanh, nhất là về xây dụng kết cấu hạ tầng: giao thông, điện, thủy lợi, trường học, trạm y tế, thông tin liên lạc...

Ðược tạo điều kiện về đất sản xuất, nhà ở, vốn, hướng dẫn kỹ thuật, đại bộ phận đồng bào đã yên tâm sản xuất, tỷ lệ hộ nghèo giảm rõ rệt, một số hộ đã vươn lên làm giàu chính đáng. Ðối với những vùng có khó khăn về đất sản xuất, một số doanh nghiệp cà phê, cao su, cơ sở sản xuất tiếu thủ công nghiệp đã đưa lao động là người đồng bào dân tộc thiểu số vào làm công nhân tạo thu nhập ổn định, cải thiện đời sống.

Ðến nay, Đắk Lắk đã hoàn thành 4 mục tiêu của Chương trình 132, 134 về giải quyết đất sản xuất, đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt cho đồng bào dân tộc thiếu số tại chỗ; triển khai xây dựng gần 13 ngàn căn nhà cho hộ nghèo theo Quyết định 167/2008/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, đạt trên 90% kế hoạch.

Vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể trong tập hợp, đoàn kết, giáo dục các tầng lớp nhân dân ngày càng được chú trọng, có hiệu quả thiết thực. Thực hiện tốt chủ trương kết nghĩa giữa cơ quan, doanh nghiệp nhà nước, một số địa phương người Kinh với thôn, buôn đồng bào dân tộc thiểu số, qua đó tăng cường đoàn kết tạo sự gần gũi, thân thiện, hỗ trợ giúp đỡ lẫn nhau.

Đắk Lắk có trên 25% đồng bào theo các tôn giáo, nhìn chung các chức sắc tôn giáo, tín đồ các tôn giáo đều có lòng yêu nước, tự hào, tự tôn dân tộc, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, quản lý điều hành của chính quyền. Đảng bộ Đắc Lắc luôn nhận thức sâu sắc rằng mọi chủ trương, chính sách, nhiệm vụ cũng như trong tổ chức thực hiện ở các cấp ủy, chính quyền phải luôn xuất phát từ lợi ích của nhân dân, thực sự tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân theo đúng pháp luật; chống thái độ phân biệt, định kiến.

... Trong thời đại ngày nay, phát triển kinh tế phải đi đôi với giữ gìn sự lành mạnh về xã hội và sự trong sạch về môi trường. Bảo vệ môi trường đã trở thành một vấn đề trọng yếu của toàn cầu và đang được nhiều quốc gia trên thế giới đặt thành quốc sách. Bảo vệ môi trường đã trở thành một nội dung quan trọng của các chiến lược và kế hoạch phát triển nền kinh tế- xã hội của mỗi quốc gia. Nếu không đặt trúng vị trí của bảo vệ môi trường thì không thể đạt được mục tiêu phát triển bền vững và từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân.

Nhận thức được vấn đề này, trong lãnh đạo, chỉ đạo quá trình đầu tư, xây dựng phát triển kinh tế, văn hóa xã hội ở Đắk Lắk, Đảng bộ, các cấp ủy, chính quyền luôn chú trọng đến công tác bảo vệ tài nguyên, môi trường và giữ gìn những giá trị truyền thống văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc. Nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các tổ chức, cá nhân về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc giữ gìn, bảo vệ môi trường được nâng lên.

Trong các chủ trương, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của các cấp, các ngành đều có tính đến việc bảo vệ môi trường, sự tác động môi trường và sự phát triển bền vững…. Đắk Lắk đã hình thành bộ máy quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường từ tỉnh đến cấp huyện, thị xã và đã đi vào hoạt động ổn định. Hoạt động giám sát, quan trắc và cảnh báo về ô nhiễm môi trường; kiểm tra giải quyết đơn thư, khiếu nại về môi trường được thực hiện thường xuyên và khá kịp thời.

Công tác thông tin truyền thông, nâng cao nhận thức về môi trường, các hoạt động phong trào về môi trường thường xuyên được tổ chức, được các cấp, các ngành quan tâm, đông đảo các tầng lớp nhân dân hưởng ứng, qua đó tình hình vệ sinh, môi trường trên địa bàn tỉnh dần dần được cải thiện.

Từ thực tiễn lãnh đạo, chỉ đạo chủ trương tăng cường đoàn kết các dân tộc, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội gắn với bảo vệ tài nguyên và môi trường, tôi xin đề xuất một số giải pháp thực hiện như sau:

Trước hết cần phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, tổ chức đa dạng, linh hoạt, phong phú, đổi mới nội dung, hình thức, biện pháp thông tin tuyên truyền, giáo dục để cho cán bộ, đảng viên, nhân dân thấy rõ truyền thống vẻ vang của Đảng, của dân tộc, nhằm củng cố vững chắc lòng tin tuyệt đối vào Đảng, vào chế độ. Không mơ hồ, mất cảnh giác, chủ động đấu tranh và tự đề kháng với mọi âm mưu, thủ đoạn, lừa phỉnh, xuyên tạc của kẻ thù, giữ vững sự ổn định chính trị, lấy ổn định chính trị làm điểm tựa vững chắc phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội.

Thứ hai, đầu tư có hiệu quả chương trình giảm nghèo với các giải pháp đồng bộ. Tiếp tục thực hiện tốt chính sách dân tộc, chính sách tôn giáo, thực hiện bình đẳng và đoàn kết lương giáo. Thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với đồng bào dân tộc thiểu số, quan tâm đào tạo đội ngũ trí thức người dân tộc thiểu số, mở rộng quy mô trường dân tộc nội trú tỉnh.

Thứ ba tăng cường tuyên truyền để nâng cao nhận thức cho nhân dân về bảo vệ môi trường, từ đó tích cực tham gia ngăn ngừa, hạn chế sự gia tăng ô nhiễm môi trường; khuyến khích nông dân sản suất tạo ra sản phẩm sạch hơn, hạn chế dùng thuốc trừ sâu phân hóa học, khuyến khích sử dụng các chế phẩm sinh học, vật liệu không làm ảnh hưởng đến môi trường; khai thác và sử dụng bền vững nguồn tài nguyên thiên nhiên. Quy hoạch, xây dựng đô thị xanh, sạch, đẹp, gắn kết chặt chẽ giữa việc phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh với bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh. Vận động nhân dân trồng cây phân tán, cây xanh đường phố để cải thiện môi trường sống.

Thứ tư, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và văn hóa của nông dân, phát triển kinh tế hài hòa giữa các vùng, tạo chuyển biến nhanh hơn ở các vùng còn nhiều khó khăn. Tiếp tục xác định xây dựng nông nghiệp, nông dân, nông thôn là nhiệm vụ hàng đầu trong quá trình phát triển. Xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững, sản xuất hàng hóa lớn, có năng suất, chất lượng hiệu quả, khả năng cạnh tranh cao và sự bền vững của các nguồn nước, đồng thời thích ứng với các tác động có hại của biến đổi khí hậu và giảm thiểu phát thải khí nhà kính trong sản xuất nông nghiệp, đảm bảo vững chắc an ninh lương thực trên địa bàn tỉnh trước mắt và lâu dài.

Từng bước xây dựng nông thôn mới có kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội hiện đại; cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn nông nghiệp với phát triển nhanh công nghiệp, dịch vụ, đô thị theo quy hoạch; xã hội nông thôn ổn định, giàu bản sắc văn hóa dân tộc; dân trí được nâng cao, môi trường sinh thái được bảo vệ. Các chương trình nâng cao nhận thức cho người dân về biến đổi khí hậu và xây dựng các thói quen hướng tới một xã hội thân thiện với môi trường; lồng ghép các chiến lược giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu vào các chiến lược và chính sách quốc gia phù hợp với mục tiêu phát triển bền vững./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục