Phát triển mạng lưới trợ giúp xã hội để đáp ứng yêu cầu của người già

Phát triển mạng lưới trợ giúp xã hội để đáp ứng yêu cầu người cao tuổi

Dự kiến đến năm 2030, số người cao tuổi tại Việt Nam có nhu cầu vào chăm sóc tại các cơ sở khoảng 20.000 người, trong đó đối tượng thuộc diện bảo trợ xã hội khoảng 5.000 người.
Chăm sóc sức khoẻ cho người cao tuổi. (Ảnh: TTXVN)
Chăm sóc sức khoẻ cho người cao tuổi. (Ảnh: TTXVN)

Tốc độ già hoá dân số nhanh nhất châu Á và số lượng người cao tuổi cao sẽ là những thách thức rất lớn đối với hệ thống trợ cấp xã hội, an sinh xã hội của Việt Nam.

Do đó, những chính sách hỗ trợ người cao tuổi cần được triển khai ngay để đón đầu, giải quyết những thách thức về già hoá dân số trong tương lai.

Áp lực từ già hoá dân số

Theo đại diện Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, tới nay, các mục tiêu của Chương trình hành động quốc gia về người cao tuổi giai đoạn 2012-2020 đã cơ bản hoàn thành, phát huy được vai trò của người cao tuổi trong hoạt động kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội. Bên cạnh đó, việc chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi được cải thiện rõ rệt; đời sống vật chất của đại bộ phận người cao tuổi được nâng cao; đời sống văn hóa, tinh thần được cải thiện, tuổi thọ nâng lên.

Tuy nhiên, tỷ lệ người cao tuổi thuộc hộ nghèo còn cao, một bộ phận người cao tuổi khi ốm đau, tai nạn thương tích chưa được tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe kịp thời...

Ông Nguyễn Văn Hồi, Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) cho biết nhóm người cao tuổi là nhóm được ưu tiên nhất trong số các nhóm dân cư. Quốc hội đã ban hành Luật Người cao tuổi với mục tiêu lớn nhất là không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân, đặc biệt là cải thiện, bảo đảm mức sống tối thiểu của người dân, trong đó có người cao tuổi. Đến nay, tỷ lệ người cao tuổi có thẻ bảo hiểm y tế đã đạt 95%.

Các chính sách trợ cấp xã hội, an sinh xã hội cho người cao tuổi đang được thực hiện tốt. Tất cả đối tượng người cao tuổi từ 80 tuổi trở lên đều được hưởng trợ cấp người cao tuổi theo quy định của Luật Người cao tuổi; người già cô đơn không nơi nương tựa được quan tâm giải quyết trợ cấp; người cao tuổi khuyết tật nặng và đặc biệt nặng được giải quyết trợ cấp theo quy định.

[Phát huy vai trò của người cao tuổi Việt Nam trong giai đoạn mới]

Ngoài ra, còn hàng chục nghìn người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn được đưa vào chăm sóc, nuôi dưỡng tại các cơ sở bảo trợ xã hội. Đây là sự quan tâm rất lớn của Đảng, Nhà nước, các cấp hội người cao tuổi, Uỷ ban nhân dân các cấp.

Giai đoạn 2016-2020, Nhà nước đã quan tâm đầu tư thực hiện quy hoạch phát triển mạng lưới các cơ sở trợ giúp xã hội. Đến nay, đã hình thành được 425 cơ sở trợ giúp xã hội, trong đó, có khoảng 100 cơ sở trợ giúp xã hội có chăm sóc, điều dưỡng người cao tuổi, công suất phục vụ khoảng 10.000 giường chăm sóc cao tuổi.

Trong thời gian tới, công tác chăm sóc người cao tuổi sẽ gặp nhiều thách thức khi mà Việt Nam là một trong những nước có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất châu Á, với thời gian chuyển sang dân số già là 17-20 năm, so với Pháp là 115 năm, Thụy Điển cần 85 năm, Mỹ cần 69 năm, Nhật Bản và Trung Quốc cần 26 năm.

Phát triển mạng lưới trợ giúp xã hội để đáp ứng yêu cầu người cao tuổi ảnh 1Số lượng người cao tuổi ở Việt Nam rất cao. (Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN)

Không chỉ có tốc độ già hoá dân số nhanh mà số lượng người cao tuổi là rất cao, khoảng 11.313.200 người cao tuổi (chiếm khoảng 11,95% dân số). Dự báo đến năm 2035, tỷ lệ người cao tuổi của Việt Nam sẽ vào khoảng 20% và năm 2050 là 30% dân số. Do đó, Việt Nam sẽ chịu áp lực lớn trong việc chăm sóc, trợ giúp xã hội đối với người cao tuổi.

100% người cao tuổi khó khăn sẽ được trợ giúp

Dự kiến đến năm 2030 số người cao tuổi có nhu cầu vào chăm sóc tại các cơ sở khoảng 20.000 người, trong đó đối tượng thuộc diện bảo trợ xã hội khoảng 5.000 người; các cơ sở ngoài công lập cung ứng khoảng 5.000 giường điều dưỡng. Do đó, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đang phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư để xây dựng quy hoạch phát triển mạng lưới các cơ sở trợ giúp xã hội đáp ứng yêu cầu của người cao tuổi.

Theo Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Lê Tấn Dũng, Bộ đang tập trung quan tâm phát triển hệ thống cơ sở chăm sóc các đối tượng người cao tuổi. Theo đó, nghiên cứu, hoàn thiện khuôn khổ luật pháp, cơ chế, chính sách phát triển hệ thống chăm sóc, trợ giúp người cao tuổi, trong đó chú trọng cơ chế chính sách hợp tác công tư trong chăm sóc người cao tuổi; đa dạng hóa các mô hình chăm sóc người cao tuổi; nâng cao năng lực cán bộ quản lý và phát triển nguồn nhân lực chăm sóc người cao tuổi.

Đại diện Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cho rằng thời gian tới cần phát triển mạng lưới cơ sở cung cấp dịch vụ chăm sóc, điều dưỡng người cao tuổi thế gắn với chăm sóc tại gia đình, cộng đồng. Bên cạnh đó, phải tăng cường giám sát, đánh giá công tác chăm sóc người cao tuổi.

Trong giai đoạn 2021-2025, Việt Nam không những cần huy động nguồn lực để đáp ứng nhu cầu đầu tư để giải quyết vấn đề già hóa dân số và chăm sóc, mà còn cần hỗ trợ kỹ thuật để xây dựng một hệ thống chăm sóc, trợ giúp người cao tuổi bền vững và hiệu quả. Do đó, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đề xuất Dự án “Tăng cường cung cấp dịch vụ chăm sóc người cao tuổi và người yếu thế chất lượng cao.”

Dự án này sẽ tập trung nguồn lực để nâng cao năng lực quản trị hệ thống chăm sóc người cao tuổi và đối tượng yếu thế; mở rộng và tăng cường năng lực cung cấp dịch vụ chăm sóc, trợ giúp người cao tuổi, đối tượng yếu thế ở cả khu vực công và tư nhân.

Song song với việc trình Chính phủ dự án, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cũng đang xây dựng dự thảo Chương trình hành động quốc gia về người cao tuổi giai đoạn 2021-2030. Chương trình đặt ra mục đích tổng quát sẽ tăng cường khả năng tiếp cận với cảc dịch vụ xã hội cơ bản, bảo đảm quyền an sinh xã hội của người co tuổi về chăm sóc xã hội, chăm sóc y tế, đẩy mạnh xã hội hoá các hoạt động chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội của đất nước, từng bước hoàn thiện khung khổ luật pháp, chính sách thích ứng với quá trình già hóa dân số và dân số già...

Chương trình cũng đặt ra mục tiêu phấn đầu đến năm 2025 giảm tỷ lệ người cao tuổi nghèo xuống ngang bằng với tỷ lệ nghèo chung của cả nước; mở rộng độ bao phủ người cao tuổi được hưởng chính sách trợ cấp xã hội (lương hưu xã hội) lên 1,5-2%/năm; 100% người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn không có người phụng dưỡng được trợ giúp chăm sóc tại cộng đồng hoặc nuôi dưỡng trong các cơ sở chăm sóc người cao tuổi, trong đó ít nhất 80% người cao tuổi được chăm sóc tại cộng đồng; ít nhất 90% tổng số xã, phường, thị trấn có quỹ chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi.

Theo ông Nguyễn Văn Hồi, trong giai đoạn 2021-2030, chính sách người cao tuổi cần tập trung vào các vấn đề như: Chăm sóc, phát huy vai trò của người cao tuổi; Thực hiện phương châm của Liên hợp quốc "Nghỉ hưu nhưng không nghỉ làm việc;" Xây dựng môi trường phát huy vai trò của người cao tuổi./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục