Phát triển mạng lưới trường đạt chuẩn quốc gia

Phát triển mạng lưới trường lớp đạt chuẩn quốc gia là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong năm học mới của giáo dục trung học.
Phát triển mạng lưới trường lớp, xây dựng trường chuẩn quốc gia và thực hiện phổ cập giáo dục trung học cơ sở, là một trong số những nhiệm vụ quan trọng trong năm học mới của giáo dục trung học.

Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ ban hành văn bản quy định mới về trường đạt chuẩn quốc gia. Trước mắt, Bộ yêu cầu các Sở Giáo dục và Đào tạo cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia và lập kế hoạch xây dựng trường chuẩn quốc gia đến năm 2015; 2020 trình Ủy ban Nhân dân tỉnh, thành phố phê duyệt để tổ chức thực hiện.

Các tỉnh, thành phố tập trung nguồn lực xây dựng cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên và quản lý trường trung học phổ thông chuyên, trường phổ thông dân tộc nội trú. Phấn đấu để mỗi tỉnh, thành phố đều có ít nhất một trường trung học phổ thông chuyên và một trường phổ thông dân tộc nội trú đạt chuẩn quốc gia trong năm học này.

Theo dự kiến sẽ có hơn 22 triệu học sinh, sinh viên bước vào năm học mới. Trong đó, có khoảng hơn 15,9 triệu học sinh phổ thông các cấp. Số học sinh, sinh viên năm nay tăng hơn năm trước gần 150.000 em, đặt ra nhu cầu lớn về trường lớp cũng như chất lượng giảng dạy.

Để đáp ứng nhu cầu trường lớp, không để tình trạng học ca 3 và lớp ghép… trong năm học mới, mạng lưới trường lớp trung học cơ sở, trung học phổ thông sẽ được xây dựng quy hoạch đến năm 2015, tầm nhìn đến 2020.

Thiết bị dạy học sẽ được ưu tiên hiện đại hóa, nhất là thiết bị dạy tin học, ngoại ngữ. Để thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện, cần tăng số trường lớp trung học cơ sở, trung học phổ thông có đủ cơ sở vật chất, giáo viên để dạy học 2 buổi/ngày (trên 6 buổi/tuần).

Mục tiêu trong năm 2010 là tất cả các tỉnh, thành phố đạt chuẩn quốc gia phổ cập giáo dục trung học cơ sở vào năm 2010.

Đối với các tỉnh, thành phố đã được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở, phải củng cố và nâng cao vững chắc chất lượng phổ cập giáo dục, thực hiện việc kiểm tra, đánh giá, công nhận và báo cáo hàng năm.

Hiện nay, trên toàn quốc còn rất nhiều địa phương chưa đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở. Đây là những tỉnh kinh tế-xã hội còn nhiều khó khăn, điều kiện thực hiện và bảo đảm chất lượng phổ cập giáo dục trung học cơ sở còn nhiều hạn chế như: Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Lai Châu, Sóc Trăng, Đắk Nông. Tại tỉnh Quảng Nam, cuối năm 2006 có 12 huyện với 184 xã đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở, tỉ lệ 70% nhưng đa phần là thuộc đồng bằng.

Những tỉnh, thành phố đã đạt chuẩn thì còn có một số nơi chưa thực sự bền vững, hoặc chưa chú trọng đến việc duy trì, củng cố và phát triển kết quả phổ cập nên có nguy cơ bị mất chuẩn.

Các địa phương mới chỉ quan tâm đến mục tiêu trước mắt là phấn đấu đạt chuẩn, chứ chưa quan tâm đúng mức đến việc xây dựng kế hoạch củng cố, duy trì và phát triển kết quả phổ cập giáo dục để đảm bảo tính bền vững.

Đồng thời, mạng lưới trường, lớp chưa đến các điểm dân cư, cơ sở vật chất phục vụ cho giảng dạy, học tập của một số địa phương còn khó khăn, chưa đáp ứng được nhu cầu học tập và đảm bảo chất lượng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục