Phát triển năng lượng VN cần mục tiêu chiến lược

Phát triển kinh tế luôn gắn liền với nhu cầu tiêu thụ năng lượng, tuy nhiên, việc sử dụng các nguồn năng lượng sao cho hiệu quả đang trở thành vấn đề bức xúc của nhiều nền kinh tế thế giới trong đó có Việt Nam.
Phát triển kinh tế luôn gắn liền với nhu cầu tiêu thụ năng lượng, tuy nhiên, việc sử dụng các nguồn năng lượng sao cho hiệu quả đang trở thành vấn đề bức xúc của nhiều nền kinh tế thế giới trong đó có Việt Nam.

Tại cuộc trao đổi với phóng viên Vietnam+, ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam nhấn mạnh: Phát triển năng lượng của Việt Nam cần phải có mục tiêu và chiến lược cụ thể.

Ông đánh giá như thế nào về việc khai thác và sử dụng các nguồn năng lượng trong nước thời gian qua?

Ông Trần Viết Ngãi: Việc khai thác và sử dụng nhìn chung là tốt, nhưng vẫn còn nhiều nơi, trong từng vùng, từng điểm, từng lĩnh vực còn chưa được tốt. Ví dụ như tiết kiệm điện chẳng hạn, một số địa phương, ngành chưa xây dựng được chương trình hành động về tiết kiệm điện và chưa có những biện pháp tiết kiệm điện hiệu quả.

Đối với các doanh nghiệp, nhất là các nhà máy, giờ sản xuất chủ yếu vào giờ cao điểm, ít tận dụng giờ thấp điểm từ 22 giờ đêm hôm trước đến 5 giờ sáng hôm sau. Bên cạnh đó, công nghệ sản xuất vẫn chưa được thay đổi nên những thiết bị tiêu hao nhiều điện năng vẫn được sử dụng, dẫn đến việc tiêu tốn nhiều năng lượng.

Nhiều chuyên gia cho rằng, tiết kiệm nguồn năng lượng mới là chính, sử dụng tiết kiệm không phải là cốt lõi. Ý kiến của ông về vấn đề này ra sao?

Ông Trần Viết Ngãi: Sản xuất phải tiết kiệm và sử dụng năng lượng cũng phải tiết kiệm, hai cái đó phải đồng bộ với nhau. Ví dụ ngành điện chẳng hạn, trong sản xuất phải giảm tổn thất một cách tối đa, cái đó gây thiệt hại rất lớn, chỉ cần tăng giảm tổn thất điện năng vài phần trăm thôi là có thể tiết kiệm hoặc mất đi hàng trăm tỷ đồng rồi. Do đó, sản xuất càng tiết kiệm chừng nào thì đi đôi với nó là sử dụng cũng phải tiết kiệm ngần ấy, nên sản xuất tiết kiệm mà tiêu dùng không tiết kiệm thì sẽ không có tác dụng.

Điều đáng quan tâm nhất trong dự án Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là gì, thưa ông?

Ông Trần Viết Ngãi: Luật cần nghiêm minh để mọi người, mọi ngành thực hiện, không chung chung được, tránh hô hào theo kiểu khẩu hiệu.

Muốn xây dựng định mức đúng, phù hợp với tình hình thực tế thì phải có các chuyên gia giỏi, thành lập những tổ công tác đi khảo sát cơ sở, từ đó đánh giá xem việc xây dựng định mức đó đã đúng hay chưa.

Tôi lấy ví dụ một nhà máy, trong một tháng chỉ sử dụng hết 200 triệu KWh điện thôi, thì trong 200 triệu KWh đó phải làm sao sử dụng đúng và giảm được tổn thất hiệu quả nhất, nếu sử dụng vượt lên thì phải xử phạt. Luật phải có thưởng, phạt, thậm chí có thể cần cả đến việc truy cứu trách nhiệm cụ thể từng cá nhân, đơn vị nếu để xảy ra sai phạm.

Ông có đồng tình với việc cần phải xây dựng một quỹ tiết kiệm năng lượng, nhằm đảm bảo nguồn tài chính ổn định để thực hiện các dự án sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả?

Ông Trần Viết Ngãi: Quỹ đó nếu được xây dựng thì rất tốt, sẽ có nguồn kinh phí chi dùng để đầu tư cho các cá nhân, tổ chức làm công tác tiết kiệm điện nói riêng, tiết kiệm năng lượng nói chung. Không thể hô hào chung chung trong khi không có một đồng nào cả.

Kinh phí đưa vào quỹ này (nếu có) phải được trích từ nguồn tiền tiết kiệm năng lượng ra, nếu tiết kiệm nhiều thì quỹ đó càng lớn, thậm chí quỹ đó có thể được dùng để tái cơ cấu lại cho các ngành liên quan hoạt động một cách tốt hơn.

Để có thể đảm bảo an ninh năng lượng trong tương lai, theo ông, nên tập trung vào vấn đề nào?

Ông Trần Viết Ngãi: Một mặt, nhà nước phải tiến hành quy hoạch. Trong quy hoạch nên có chiến lược phát triển cụ thể ở từng thời kỳ. Ví dụ, đối với ngành điện thì đến năm 2015 sẽ cần 30.000 MW điện. Trong 30.000 MW đó thì tiết kiệm bao nhiêu đều phải có kế hoạch. Tới năm 2020, Việt Nam sản xuất khoảng 47.000 - 50.000 MW điện và đến năm 2030 sản xuất được 70.000 - 100.000 MW điện… cái đó phải có mục tiêu và xây dựng các kế hoạch để phấn đấu.

Về than, Việt Nam mới chỉ khai thác được 45 - 55 triệu tấn/năm, nếu chỉ dựa vào mỏ than ở Quảng Ninh thôi sẽ rất khó khăn do địa hình khai thác phức tạp nên có tăng công suất cũng khó vượt mức 70 triệu tấn/năm. Do vậy, phải nghiên cứu việc mở bể than sông Hồng thế nào. Mặc dù trữ lượng có thể lớn nhưng việc khai thác thì phải rất cẩn thận, thận trọng, tiến hành từng bước. Cần chọn chỗ nào để khai thác trước, song song với việc áp dụng công nghệ khai thác hiện đại thì mới cho hiệu quả.

Dầu khí cũng vậy, nguồn tài nguyên này ngày càng giảm đi, nên ngoài việc khai thác phục vụ cho tiêu dùng cũng cần nhắm tới việc mở rộng hợp tác với nước ngoài như Nga, Venezuela, Campuchia...

Chúng ta đã có nhà máy lọc dầu rồi, có thể đảm bảo được trên 70% nhu cầu xăng và dầu diesel trong nước nhưng cần phải xây dựng được kế hoạch khai thác và sử dụng một cách toàn diện.

Sau khi quy hoạch thì phải có quá trình thực hiện bằng việc xây dựng các tổng sơ đồ phát triển, trong đó quy định rõ việc đầu tư là bao nhiêu cho thủy điện, bao nhiêu cho điện nguyên tử, bao nhiêu là năng lượng gió, năng lượng mặt trời … Hiện nay, nguồn năng lượng gió và năng lượng mặt trời chúng ta hầu như chưa khai thác, hoặc có thì chỉ nhỏ lẻ.

Cái quan trọng nhất đối với ngành năng lượng không phải là con người mà là vốn, việc huy động vốn cho ngành này sẽ cần hàng chục tỷ đô la Mỹ và cần phải thu hút từ bên ngoài đầu tư vào. Do vậy các chính sách thu hút đầu tư cần phải rõ ràng, cụ thể và hấp dẫn.

Trong việc phát triển điện nguyên tử thì ngay từ bây giờ, cần có chiến lược đào tạo nguồn nhân lực, nhất là phải có lớp người kế cận, đảm nhận được các công việc đặc thù trong tương lai.

Xin trân trọng cảm ơn ông./.

Đức Duy (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục