Phát triển nghề nuôi yến tại Việt Nam: Còn nhiều thách thức

Thách thức lớn nhất của ngành yến Việt Nam là việc nuôi chim yến chỉ phát triển mang tính tự phát, thiếu tính liên kết, chưa xây dựng thương hiệu, chủ yếu xuất thô nên giá trị thu về chưa tương xứng.
 Phát triển nghề nuôi yến tại Việt Nam: Còn nhiều thách thức ảnh 1Sản phẩm Yến huyết quý hiếm và giá trị cao của Công ty TNHH Nhà nước Một thành viên Yến Sào Khánh Hòa. (Ảnh: Nguyễn Dũng/TTXVN)

Nghề nuôi yến tại Việt Nam đang phát triển mạnh trong những năm gần đây, thị trường xuất khẩu Trung Quốc cũng đã chính thức mở cửa, tuy nhiên công tác quy hoạch, quản lý vùng nuôi, chất lượng tổ yến phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu vẫn còn nhiều thách thức.

Đây là nhận định của các đại biểu tại Hội nghị đánh giá tình hình chăn nuôi chim yến và xây dựng dữ liệu nhà nuôi chim yến phục vụ xuất khẩu do Cục Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 16/2.

Phát triển tự phát

Báo cáo của Cục Chăn nuôi cho thấy nghề nuôi yến với mục đích thương mại là một hoạt động sản xuất mới xuất hiện từ năm 2004 ở một số tỉnh Nam Bộ. Tuy nhiên, trong khoảng 10 năm trở lại đây, nghề này đã phát triển nhanh với nhiều loại hình và quy mô khác nhau.

Hiện nay cả nước có 42/63 tỉnh có nuôi chim yến. Số lượng nhà yến tăng rõ rệt trong những năm qua, tính đến năm 2022, cả nước có 23. 665 nhà yến.

Địa phương có số lượng nhà yến tăng nhanh nhất và nhiều nhất hiện nay là Kiên Giang với khoảng 3.000 nhà yến, tiếp đến là Khánh Hòa, Lâm Đồng… Sản lượng tổ yến (yến sào) của Việt Nam đạt khoảng 130-150 tấn/năm.

Thị trường xuất khẩu chính tổ yến của nước ta là Trung Quốc, cộng đồng người Hoa ở các nước Mỹ, Australia, New Zealand.

[Kiên Giang: Liên kết theo chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ tổ yến]

Ông Dương Tất Thắng, Cục trưởng Cục Chăn nuôi, cho biết các nghiên cứu, khảo sát cho thấy thực tế tiềm năng và triển vọng phát triển nghề nuôi chim yến của nước ta rất lớn, là ngành cho sản phẩm có giá trị rất cao.

Nhiều tỉnh, thành có lợi thế về tự nhiên để phát triển nghề nuôi chim yến, tạo việc làm và nguồn thu đáng kể cho địa phương và bảo vệ môi trường sinh thái.

Tuy nhiên, không phải địa phương nào, vùng nào cũng có thể phát triển nghề nuôi chim yến.

 Phát triển nghề nuôi yến tại Việt Nam: Còn nhiều thách thức ảnh 2Ông Dương Tất Thắng, Cục trưởng Cục Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: Xuân Anh/TTXVN)

Thêm vào đó, dù cánh cửa xuất khẩu chính ngạch đi Trung Quốc (thị trường tiêu thụ 80% sản lượng yến sào thế giới) đã chính thức mở ra nhưng nội tại của chuỗi giá trị yến Việt Nam hiện còn rất nhiều tồn tại xuất phát từ việc sản xuất tự phát, thiếu giám sát, quản lý bài bản ngay từ đầu.

Thực trạng cơ sở nuôi chim yến nằm xen lẫn trong khu dân cư chiếm hơn 90%, nhà nuôi yến được xây dựng trên nhà ở của người dân.

Một số tỉnh người dân đầu tư xây dựng nhà yến rất kiên cố ngay trong khu vực đông dân cư với chi phí rất cao, đặc biệt cuối năm 2019 việc xây mới nhà nuôi yến, cơi nới trên nhà ở phát triển tràn lan, tự phát, việc xây nhà ở sau đó chuyển thành nhà nuôi yến khiến chính quyền địa phương và cơ quan chuyên môn khó kiểm soát làm ảnh hưởng đến kinh tế-xã hội và an ninh, trật tự, vệ sinh môi trường.

Cùng nhận định, ông Vũ Cường, Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng ngành yến sào Việt Nam đang có nhiều cơ hội phát triển khi thị trường tiêu thụ ngày càng mở rộng.

Thị trường yến sào thế giới ước tính trị giá trên 5 tỷ USD với tổng sản lượng khoảng 2.800 tấn. Trong đó, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu yến sào lớn nhất thế giới, mỗi năm nhập khẩu trên 2.000 tấn.

Việt Nam là một trong 4 quốc gia được xuất khẩu chính ngạch yến sào vào Trung Quốc nhưng thị phần còn rất thấp so với nhu cầu.

Tuy nhiên, thách thức lớn nhất của ngành yến Việt Nam là việc nuôi chim yến chỉ phát triển mang tính tự phát là chủ yếu, chưa xây dựng kế hoạch sản xuất theo ngành hàng; thiếu tính liên kết do đó chưa xây dựng được thương hiệu cho sản phẩm chủ yếu xuất thô và tiểu ngạch nên giá trị thu về chưa tương xứng.

Trong khi đó, yêu cầu của người tiêu dùng, đặc biệt tại đặc biệt là Trung Quốc ngày càng cao cả về chất lượng và các yếu tố bền vững như truy xuất nguồn gốc, bảo vệ môi trường.

Quy hoạch quản lý hiệu quả

Đại diện Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Kiên Giang chia sẻ Kiên Giang là địa phương có nhiều tiềm năng phát triển nghề nuôi chim yến, cũng là tỉnh có số lượng nhà yến nhiều nhất cả nước.

 Phát triển nghề nuôi yến tại Việt Nam: Còn nhiều thách thức ảnh 3Ông Lê Thắng, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Khánh Hoà chia sẻ thông tin tình hình phát triển nghề yến địa phương tại hội nghị. (Ảnh: Xuân Anh/TTXVN)

Tuy nhiên, hoạt động này chủ yếu phát triển tự phát, thiếu quy hoạch; từ nuôi, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm chưa hình thành chuỗi giá trị để nâng cao giá trị yến sào và sản phẩm từ tổ yến, chưa được truy xuất nguồn gốc.

Hiện nay, không ít nhà yến không có chim vào làm tổ hoặc có nhưng sản lượng thu hoạch rất thấp; nhiều nhà yến nằm trong khu vực nội thành, khu dân cư tập trung; gần 1/2 nhà yến sử dụng không đúng công năng, được cải tạo, cơi nới từ nhà ở thành nhà nuôi chim yến.

Bên cạnh những lợi ích kinh tế từ việc khai thác sản phẩm từ chim yến, việc phát triển nuôi chim yến một cách ồ ạt cũng phát sinh nhiều vấn đề cần phải xem xét, cân nhắc và điều chỉnh như ô nhiễm tiếng ồn từ việc phát loa dẫn dụ và tiếng kêu của chim yến đã ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt và đời sống của người dân ở khu dân cư; công tác quản lý xây dựng, môi trường, dịch bệnh, cảnh quan đô thị...chưa chặt chẽ.

Ông Thái Quốc Hiếu, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Tiền Giang, cũng cho biết việc quản lý hoạt động nuôi chim yến hiện nay gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân là do chưa có quy định về xử phạt đối với việc xây dựng nhà yến không thuộc vùng nuôi chim yến.

Các cơ quan quản lý chưa có hướng dẫn về đăng ký mã số nhà yến; chưa có các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật trong xây dựng và vận hành nhà yến nên việc phát triển và hiệu quả kinh tế trong đầu tư nuôi yến chưa phát huy hết tiềm năng sẵn có.

Số lượng nhà yến quá nhiều tại các khu vực có điều kiện phát triển, dẫn đến nguồn thức ăn của chim yến bị khan hiếm, quần đàn tăng chậm, sản lượng giảm. Sản phẩm tổ yến có giá trị rất cao nhưng chưa quản lý được chất lượng và truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Theo ông Thái Quốc Hiếu, để phát triển sản xuất phục vụ xuất khẩu sản phẩm yến sào, tỉnh Tiền Giang đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp từ tuyên truyền đến quản lý trong hoạt động dẫn dụ và gây nuôi. Xây dựng và quảng bá thương hiệu yến, sản phẩm từ yến trên địa bàn tỉnh thành sản phẩm có thế mạnh, có tính cạnh tranh cao về chất lượng, uy tín, trở thành dòng sản phẩm yến sào chủ lực của tỉnh.

Song song đó, tỉnh cũng phát triển sản xuất theo chuỗi sản phẩm, gắn kết các khâu từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm, trong đó các doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ sản phẩm giữ vai trò định hướng đặt hàng, tiêu chuẩn nguyên liệu, hỗ trợ sản xuất, nhằm phát huy thế mạnh liên kết làm tiền đề thúc đẩy tốc độ phát triển nhanh và hiệu quả ngành nghề nuôi chim yến.

Để phát triển nghề nuôi chim yến lâu dài, nhiều địa phương kiến nghị Cục Chăn nuôi cần sớm ban hành hướng dẫn đăng ký và cấp mã số nhà yến; phối hợp Cục Thú y tham mưu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành quy trình chung, sổ tay hướng dẫn thực hiện xuất khẩu tổ yến Việt Nam sang Trung Quốc theo Nghị định thư để địa phương tổ chức triển khai đồng bộ, thống nhất trong phạm vi cả nước.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng cần ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật trong xây dựng và vận hành nhà yến; đề xuất Chính phủ ban hành quy định về xử phạt đối với việc xây dựng nhà yến không thuộc vùng nuôi chim yến nhằm quản lý quy hoạch vùng nuôi một cách hiệu quả./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục