Phát triển nguồn nhân lực và việc làm bền vững cho lao động di cư

Việt Nam đăng cai tổ chức Hội nghị Bộ trưởng và Hội nghị quan chức cấp cao về lao động CLMVT với chủ đề “Thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực và việc làm bền vững cho người lao động di cư."
Phát triển nguồn nhân lực và việc làm bền vững cho lao động di cư ảnh 1Quang cảnh Hội nghị. (Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN)

Thực hiện nghĩa vụ thành viên cũng như hướng tới mở rộng hội nhập và kết nối kinh tế nhằm đảm bảo thịnh vượng bền vững chung, Việt Nam đăng cai tổ chức Hội nghị Bộ trưởng và Hội nghị quan chức cấp cao về lao động CLMVT (Campuchia, Lào, Myanmar, Việt Nam và Thái Lan) từ ngày 1-2/8 tại thành phố Đà Nẵng, với chủ đề “Thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực và việc làm bền vững cho người lao động di cư."

Ngày 2/8, phiên khai mạc Hội nghị Bộ trưởng về hợp tác lao động trong CLMVT  lần thứ 2 với chủ đề "Thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực và việc làm bền vững cho người lao động di cư" đã diễn ra.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam dự và phát biểu tại phiên khai mạc.

Tham dự hội nghị có lãnh đạo các bộ, ngành liên quan của Việt Nam; đoàn đại biểu cấp Bộ trưởng các nước Campuchia, Lào, Myanmar và Thái Lan; đại diện các tổ chức quốc tế; đại diện một số trường dạy nghề, doanh nghiệp xuất khẩu lao động tại Đà Nẵng và một số tỉnh lân cận...

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết sau hơn 50 năm hình thành và phát triển (1967-2017), ASEAN đã trở thành tổ chức năng động, phát triển toàn diện. Trong ASEAN, hợp tác 5 nước không ngừng mở rộng góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế, xã hội, tăng cường tình hữu nghị giữa các nước.

Với quy mô dân số khoảng 230 triệu người, 5 quốc gia Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam không chỉ là thành viên của Cộng đồng ASEAN mà còn được kết nối bởi dòng sông Mekong nên có sự gần gũi về địa lý và nhiều nét tương đồng về văn hóa.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh trên toàn thế giới di cư đang là một xu hướng tất yếu. Di cư lao động là động lực quan trọng giải quyết vấn đề nguồn nhân lực, góp phần tăng cường hợp tác phát triển kinh tế toàn diện.

Bên cạnh đó, nếu không giải quyết tốt thì tình trạng di cư sẽ là một trong những nguyên nhân để những lao động di cư bất hợp pháp, đối tượng dễ bị lợi dụng của tội phạm bóc lột và buôn bán người...

Cũng theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, thế giới đang bước vào cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, xu hướng về lao động trên thế giới có nhiều thay đổi, nhiều nghề, nhiều loại hình lao động mới sẽ thay thế cho các ngành nghề với phương thức lao động cũ.

Để kiểm soát và bảo vệ lao động di cư, đồng thời hạn chế được những tiêu cực, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng cần tăng cường hợp tác hơn nữa trong giáo dục đào tạo, phát triển kinh tế nói chung, giao lưu thương mại, đầu tư khoa học công nghệ của 5 nước. Bên cạnh đó, tăng cường chia sẻ thông tin về lao động, tình hình lao động, thay đổi về chính sách lao động…

[Xây dựng Cộng đồng ASEAN đoàn kết và đóng vai trò trung tâm]

Theo Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, lao động di cư là động lực quan trọng cho phát triển của cả nước phái cử và tiếp nhận. Tuy vậy, vấn đề cần quan tâm là tác động kinh tế-xã hội của di cư không chính thức. Đây chính là lý do các nước cần hợp tác chặt chẽ hơn nữa để bảo vệ người lao động di cư, đảm bảo di cư lao động an toàn và phát triển việc làm bền vững cho lao động di cư...

Tại hội nghị, các Bộ trưởng đều cho rằng giải quyết các thách thức và cơ hội trong vấn đề quản lý di cư lao động đòi hỏi những cách tiếp cận nhất quán cùng với nỗ lực chung không chỉ ở cấp quốc gia mà cả cấp khu vực và quốc tế, đặc biệt giữa các nước công nghệ kém, đang phát triển và những nước công nghệ cao phát triển hơn.

Các Bộ trưởng cũng nhấn mạnh vai trò của các bên liên quan, bao gồm cả quan chức nhà nước, các nhà lập pháp, nhà nghiên cứu, nhà giáo dục, người thực hiện pháp luật, các trường đại học, doanh nghiệp, tổ chức quốc tế và khu vực nhằm giải quyết những thách thức đó.

Phát triển nguồn nhân lực và việc làm bền vững cho lao động di cư ảnh 2Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Việt Nam Đào Ngọc Dung phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN)

Từ năm 2015, nhằm quản lý lao động di cư, đặc biệt lao động di cư xuyên biên giới giữa các nước Campuchia, Lào, Myanmar, Việt Nam và Thái Lan (gọi tắt là CLMVT), Chính phủ Thái Lan đã có sáng kiến tổ chức Hội nghị Bộ trưởng và Hội nghị quan chức cao cấp về hợp tác lao động CLMVT lần thứ nhất vào tháng 9/2015 với chủ đề “Tăng cường hợp tác lao động về di cư tạo việc làm giữa các nước CLMVT." Kể từ đó, sự kiện này được coi là một hoạt động cấp cao chính thức được tổ chức 2 năm/lần.

Tại hội nghị, các Bộ trưởng đã thông qua Tuyên bố chung về Di cư lao động an toàn do Hội nghị Quan chức Cấp cao CLMVT về Hợp tác lao động ngày 1/8/2017 đệ trình.

Tuyên bố chung khẳng định rằng hợp tác giữa các nước CLMVT để thúc đẩy di cư an toàn được thực hiện tương thích với tiêu chuẩn lao động quốc tế và luật pháp quốc gia của mỗi nước thông qua những hoạt động cụ thể về di cư an toàn, bảo vệ quyền của lao động di cư, quy định rõ trách nhiệm của nước phái cử và nước tiếp nhận.

Với tuyên bố này, các Bộ trưởng cam kết tiếp tục thúc đẩy hợp tác khu vực nhằm quản lý di cư lao động tốt hơn thông qua một số các lĩnh vực ưu tiên cho giai đoạn 2018-2020 gồm khả năng dịch chuyển của an sinh xã hội; đào tạo trước khi đi và khả năng dịch chuyển của công nhận kỹ năng; tuyển dụng công bằng và hướng dẫn của ILO; hợp đồng lao động chuẩn và Quỹ phúc lợi.

Trong các phiên họp chính thức của hội nghị, các cuộc trao đổi cập nhật các chính sách, kinh nghiệm trong lĩnh vực quản lý lao động di cư giữa các nước CLMVT đã diễn ra; cập nhật tình hình lao động di cư (người lao động đi làm việc tại nước ngoài, người nước ngoài vào làm việc) tại các nước CLMVT; xác định các tác động của tương lai việc làm đối với người lao động di cư; việc làm bền vững và an sinh xã hội đối với người lao động di cư.

Bên cạnh đó, các đại biểu đánh giá một số kết quả đạt được trong việc triển khai các hoạt động hợp tác lao động giữa các nước CLMVT, đặc biệt trong lĩnh vực lao động di cư qua biên giới và các dự án về dạy nghề, phòng chống mua bán người; đề xuất một số giải pháp nhằm hỗ trợ tốt hơn người lao động di cư qua biên giới giữa các nước CLMVT./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục