Phát triển nông nghiệp bền vững tránh khủng hoảng

Các quốc gia đều cho rằng cần đầu tư phát triển nông nghiệp bền vững để tránh các cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu trong tương lai.
Tại cuộc thảo luận ở Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 64, đại diện các nước, các khu vực và tổ chức quốc tế đều nhất trí rằng cần đầu tư phát triển nông nghiệp bền vững để tránh các cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu trong tương lai.

Nhiều diễn giả lo ngại khủng hoảng lương thực sẽ trầm trọng hơn do biến đổi khí hậu và nguy cơ có thêm từ 100 - 400 triệu người trên toàn cầu, trong đó có 300 triệu người ở châu Phi bị thiếu lương thực trầm trọng và suy dinh dưỡng vào năm 2020 nếu thế giới không hành động ngay để chống hiện tượng biến đổi khí hậu.

Cộng đồng quốc tế cần tăng đầu tư cho nông nghiệp và dành những ưu đãi đặc biệt trong buôn bán đối với hàng nông sản của các nước đang phát triển cũng như mở rộng quyền tiếp cận của những hàng nông sản này vào thị trường thế giới.

Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng lương thực cũng mở ra cơ hội để cải tổ để hệ thống tài chính toàn cầu, đặc biệt là các thể chế Bretton Woods đã được định hình từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai. Nhu cầu đầu tư phát triển nông nghiệp rất lớn và các nước giàu cần loại bỏ các trợ cấp mà nông dân nước họ đang hưởng để đảm bảo sự công bằng giữa nông dân các nước phát triển và đang phát triển.

Để vượt qua cuộc khủng hoảng lương thực luôn đe dọa, các nước cần có kế hoạch toàn diện để khắc phục nhiều thập kỷ thiếu đầu tư vào nông nghiệp cùng với giá nhiên liệu cao và biến đổi khí hậu. Nhiều nước có nền nông nghiệp phát triển đã kêu gọi hợp tác toàn cầu để phát triển các kỹ thuật nông nghiệp bền vững.

Đại diện nhiều nước châu Phi đã cảnh báo khủng hoảng lương thực đang gây mất ổn định chính trị và kinh tế ở các nước nghèo, cản trở tiến trình thực hiện các Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ.

Các quốc đảo ở Thái Bình Dương kêu gọi cộng đồng quốc tế hỗ trợ để chống lại tác động rất lớn của thời tiết ngày càng khắc nghiệt đến các quốc đảo có nguy cơ biến mất trong vài thập kỷ tới này.

Đại diện các quốc đảo cũng kêu gọi sự hiện diện nhiều hơn nữa của Liên hợp quốc trong khu vực để giúp các nước này vượt qua những yếu kém về năng lực vươn ra thị trường thế giới và nhận được trợ giúp phát triển ODA. Họ nhấn mạnh thành công của Hội nghị cấp cao Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu ở Copenhagen, Đan Mạch, vào cuối năm nay sẽ là tin tốt lành cho các quốc đảo trên toàn cầu.

Đại diện các nước đang phát triển ở Nam Mỹ kêu gọi các nước phát triển nhanh chóng thực hiện các cam kết tài chính và các nước nghèo chủ động và sử dụng hiệu quả hơn các nguồn tài chính hỗ trợ phát triển.

Đại diện cấp cao của Liên hợp quốc và giám đốc Văn phòng Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), Jane Stewart cho biết các thị trường đều có dấu hiệu phục hồi nhưng thu nhập, việc làm và lao động vẫn là vấn đề lớn. Số người thất nghiệp trên toàn cầu có thể lên tới 219 - 241 triệu người trong tương lai gần.

Cuộc khủng hoảng lương thực, kinh tế-tài chính, khủng hoảng khí hậu… đã làm nổi bật vai trò của Liên hợp quốc và các tổ chức quốc tế khác trong việc hoạch định các chiến lược bảo vệ xã hội đồng thời cũng mở ra cơ hội giải quyết sự mất cân bằng kinh tế-xã hội giữa các nước và đẩy nhanh quá trình chuyển tiếp đến các nền kinh tế có khí thải thấp, tạo được nhiều việc làm và giảm được đói nghèo./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục