Phát triển nền nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao đã được tiến hành từ lâu, song ở Việt Nam chưa đạt được nhiều kết quả như mong đợi.
Nhiều chuyên gia cho rằng cần có tầm nhìn rộng hơn với những hướng đi mới để phát triển nền nông nghiệp thông minh, nhất là trong bối cảnh cuộc cách mạng 4.0 đã cận kề và đang cho thấy rõ ràng những tác động tích cực tới mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.
Ông Ngô Thế Dân, Chủ tịch Trung ương Hội làm vườn Việt Nam, bày tỏ: "Phát triển nông nghiệp cao là xu hướng tất yếu. Khi đi nước ngoài được tham quan nhiều mô hình sản xuất hiện đại, tôi từng mong nông dân Việt Nam cũng làm được điều này. Giờ đã có nhiều mô hình nông nghiệp công nghệ cao xuất hiện, nhưng chính sách phát triển nông nghiệp công nghệ cao còn nhiều bất cập, cần giải pháp tháo gỡ đồng bộ."
Theo ông Dân, những vướng mắc đó không chỉ cần giải pháp về tín dụng, về khoa học hay chuyển giao công nghệ..., mà còn cả việc tạo cơ chế thuận lợi để khuyến khích việc nghiên cứu, đẩy mạnh hoạt động của các tổ chức trung gian thương mại hóa sáng chế. Đồng thời, thí điểm phát triển một số loại hình chợ công nghệ cho riêng doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ ưu tiên, công nghệ mũi nhọn...
Giáo sư-tiến sỹ Đỗ Kim Chung, Khoa Kinh tế và phát triển nông thôn, Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho rằng một trong những điểm yếu của ngành nông nghiệp hiện nay là chưa có sự kết nối giữa sản xuất và thị trường dẫn đến nhiều nông sản phải kêu gọi cộng đồng giải cứu. Nếu ứng dụng công nghệ thông tin được đưa vào sử dụng phổ biến, thì các nông trang trại có thể dễ dàng tìm kiếm, tiếp cận khách hàng trực tiếp và xây dựng hệ thống bán hàng riêng, chứ không lệ thuộc vào các đơn vị phân phối trung gian.
Ông Đào Ngọc Nam, Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư và Dịch vụ nông nghiệp An Việt cho hay trên thực tế, Việt Nam có nhiều mặt hàng nông sản có thể sản xuất và cung ứng với khối lượng lớn. Nhưng do diện tích trồng trọt manh mún, trình độ canh tác của người nông dân không đồng đều, nên doanh nghiệp muốn kiểm soát được chất lượng và nguồn gốc nông sản, phải bắt tay với nông dân trong canh tác và ứng dụng khoa học công nghệ để hướng dẫn, giám sát và kiểm soát chất lượng nông sản.
[Năm 2020: Việt Nam sẽ có 10 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao]
Câu chuyện được mùa mất giá vốn là đặc tính của ngành nông nghiệp, nhất là đối với những sản phẩm mang tính chất thời vụ. Điều này có nguyên nhân là do hệ thống phân phối hiện còn nhiều bất cập. Người tiêu dùng phải chi trả quá cao so với giá thực tế, trong khi thiếu sự đảm bảo về chất lượng của sản phẩm. Vì thế, “nông nghiệp ứng dụng công nghệ thông tin trong việc truy xuất nguồn gốc của sản phẩm được coi là yếu tố không thể thiếu trong xây dựng các kênh phân phối tiêu thụ nông sản,” ông Nam nhấn mạnh.
Những quan điểm trên đây thêm một lần nữa khẳng định phát triển nền nông nghiệp thông minh-nông nghiệp số thực sự trở thành nhu cầu cấp thiết và cần sự đầu tư thích đáng, kịp thời để ngành nông nghiệp nước nhà có bước chuyển mình nhanh chóng, bắt kịp với xu hướng chung trong hội nhập kinh tế quốc tế.
Ghi nhận những lợi ích khi ứng dụng nền nông nghiệp số, tiến sỹ Trần Anh Quân, Viện Máy và Dụng cụ công nghiệp IMI cho rằng, với sự chuyển dịch của hệ thống máy móc trong sản xuất thì người nông dân, các doanh nghiệp và người tiêu dùng sẽ đều được hưởng lợi. Nông dân sẽ có được các thiết bị nông nghiệp phù hợp hơn cho công việc, đem lại hiệu quả hơn nhằm tăng thời gian hoạt động và giảm thời gian dừng ngoài kế hoạch.
Cùng với đó, việc tăng cường tự động hóa sẽ giúp nông dân có thể tiết giảm chi phí đầu vào. Nông nghiệp số còn giúp cung cấp dữ liệu để tối ưu hóa sâu hơn các quá trình nông học và hậu cần... Các doanh nghiệp cũng có thể nhờ đó mà cải thiện quan hệ tốt hơn và gần gũi với khách hàng bằng việc đảm bảo tiêu chuẩn và chất lượng sản phẩm; quản trị được chi phí sản xuất cũng như các thông số bảo vệ môi trường, thông qua việc kết nối mạng thông minh; tối ưu hóa quy trình cho các hoạt động hỗ trợ và đại lý...
Đánh giá khả năng thích nghi và ứng dụng công nghệ số trong sản xuất nông nghiệp của từng địa phương, giáo sư-tiến sỹ Nguyễn Quang Thạch, Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho hay, ở Việt Nam cũng đã có một số nghiên cứu hoàn thiện cần được nhanh chóng ứng dụng vào thực tiễn.
Tuy nhiên, việc lựa chọn công nghệ ứng dụng lại phụ thuộc vào điều kiện cụ thể của từng vùng, từng địa phương hoặc của từng hộ gia đình. Cơ bản nhất là cần nhận thức rằng, ứng dụng công nghệ thông minh trong sản xuất sẽ giúp đem lại hiệu quả cao hơn, giảm chi phí và rủi ro.
Bên cạnh đó, cần tạo ra môi trường và hệ sinh thái tốt để thúc đẩy sự phát triển của các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ số, công nghệ thông minh. Có như vậy, khi nhân rộng mới thực sự dễ dàng, thuận lợi và đem lại hiệu quả.
Dẫn chứng cho việc tạo hệ sinh thái nông nghiệp công nghệ cao ứng dụng công nghệ 4.0, tiến sỹ Dương Trọng Hải, Viện Khoa học và Công nghệ Industry 4.0, Đại học Nguyễn Tất Thành cho biết nhằm xây dựng thương hiệu cho sản phẩm nông nghiệp và đảm bảo chất lượng theo những tiêu chuẩn và thương mại hóa sản phẩm, hệ sinh thái nông nghiệp công nghệ cao 4.0 sẽ gồm 1 chuỗi cung ứng nông nghiệp-công nghệ cao; trong đó, có việc quản lý quá trình canh tác dựa trên chuẩn VietGab. Đi kèm với đó là công nghệ quan trắc yếu tố môi trường nông nghiệp phục vụ canh tác tự động và điều khiển từ xa. Cùng với đó, truy xuất nguồn gốc sản phẩm dựa trên mã QR để biết quá trình canh tác, phân phối sản phẩm đến tay người tiêu dùng để đảm bảo sản phẩm có nguồn gốc và tránh giả mạo.
Ngoài ra, bên cạnh việc cần tối ưu quá trình vận chuyển và giao hàng trong chuỗi cung ứng, quản lý chuỗi cung ứng, ngành nông nghiệp cần hướng tới phát triển nền nông nghiệp công nghệ cao ứng dụng 4.0 vào sản xuất và quản trị quá trình sản xuất; trong đó, tập trung vào phần truy xuất nguồn gốc, logistics, thương mại điện tử và cá nhân hóa chế biến thực phẩm...
Có thể thấy, việc ứng dụng công nghệ 4.0 trong sản xuất nông nghiệp thực sự trở thành xu hướng và đem lại hiệu quả. Khi tổ chức được chu trình khép kín trong sản xuất, lưu thông, phân phối ra thị trường; những giá trị đem lại từ công nghệ số sẽ cải thiện được những điểm yếu của ngành nông nghiệp; trong đó, không chỉ giúp giải phóng sức lao động cho nông dân; mà còn đảm bảo chất lượng sản phẩm, giảm thiểu chi phí và rủi ro hư hỏng. Chắc chắn, đó là điều mà toàn ngành nông nghiệp mong đợi để chờ đón những cơ hội mới, vận hội mới trong cuộc cách mạng công nghệ 4.0 như hiện nay./.