Phát triển phim tài liệu Việt: Khó tìm đội ngũ kế cận

Tuần phim tài liệu quốc tế lần 3 đang "hút" khán giả nội. Nhân đây, lại gợi câu chuyện làm sao để phim tài liệu Việt phát triển.
Với 7 nước châu Âu và nước chủ nhà Việt Nam tham gia, Tuần phim Tài liệu quốc tế lần thứ ba đã qua ba ngày công chiếu và thu được phản hồi khá tốt từ phía công chúng. Bằng chứng là các suất chiếu hàng ngày đều kín khán giả với đủ mọi lứa tuổi, từ các cụ già 80 tuổi đến học sinh, sinh viên…

Điều đó cho thấy sự kiện này ngày càng có sức lan tỏa mạnh. Phóng viên VietnamPlus đã có cuộc trao đổi với Giám đốc Hãng Phim tài liệu và Khoa học Trung ương Phạm Thị Tuyết - người đứng đầu đơn vị đồng tổ chức sự kiện về những vấn đề xung quanh Tuần phim và việc làm phim tài liệu ở Việt Nam.
 
Tuần phim tạo cơ hội hợp tác

- Hãng Phim tài liệu và Khoa học Trung ương Việt Nam đã học hỏi được gì từ hai Tuần lễ Phim tài liệu quốc tế trước để tiếp tục tổ chức lần thứ ba này, thưa bà?

Bà Phạm Thị Tuyết:
Hiệu quả đầu tiên mà hai Tuần lễ phim Tài liệu trước mang lại là cơ hội cho các nước thành viên, cho các tác giả và đặc biệt là cho khán giả được thưởng thức phim tài liệu làm theo các phong cách khác nhau của các nước khác nhau.

Có thể cùng một mảng đề tài nhưng mỗi phim là một cách tiếp cận hiện thực, cách biểu đạt khác nhau. Thông qua đó nó phản ánh nền văn hóa của mỗi quốc gia, là cầu nối giúp các nước xích lại gần nhau hơn…

Là đơn vị làm phim tài liệu khoa học trung ương, Tuần lễ phim tài liệu là cơ hội cho các nghệ sĩ của Hãng được tiếp xúc với các tác phẩm điện ảnh tài liệu của châu Âu. Thông qua đó, học hỏi được cách làm phim, cách thể hiện tác phẩm… từ phía bạn để nâng cao chất lượng tác phẩm của chính họ. Chỉ có nâng cao chất lượng tác phẩm gần với thế giới thì ta mới có cơ hội đưa phim ra với thế giới.

Đặc biệt, việc tổ chức này tạo ra những cơ hội hợp tác, như việc phái đoàn Wallonie-Bruxelles, Bỉ đã giúp Hãng Phim tài liệu và Khoa học Trung ương có những lớp học đào tạo công tác làm phim tài liệu. Họ hỗ trợ về kinh phí đào tạo, giảng viên giảng dạy...

Tôi nghĩ, có thể coi tháng sáu hàng năm là điểm hẹn của hoạt động điện ảnh tài liệu châu Âu tại Việt Nam, cụ thể hơn là tại Hãng phim tài liệu và Khoa học Trung ương-cái nôi của điện ảnh tài liệu Việt Nam.

- Trong quá trình hợp tác như vậy đã bộc lộ những khó khăn gì của nền điện ảnh trong nước, mà đại diện ở đây là Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương?

Bà Phạm Thị Tuyết: Khó khăn của Hãng mà chắc chắn là của cả nền điện ảnh tài liệu Việt Nam cũng đang gặp phải chính là đội ngũ kế cận. Bởi sau năm 1980 Nhà nước xóa bỏ cơ chế bao cấp, nên phải thực hiện bài toán không nhận người để giảm quỹ lương trong 10 năm liên tục, đó là giải pháp tình thế. Dần dần, lực lượng này đến tuổi về hưu.

Hậu quả của việc làm này đến bây giờ đã và đang vấp phải là không có thế hệ kế cận, nếu tính 10-15 năm là một thế hệ. Rõ ràng sự hẫng hụt thế hệ là rất nguy hiểm.

Thêm vào đó làm sao để đảm bảo đời sống cho cán bộ. Bởi, phim tài liệu rất khác với các sản phẩm khác, phim hay cũng không thể mang ra chợ bán để thu tiền được, vì đây là sản phẩm chính trị phục vụ xã hội. Vậy thì bài toán cơ chế tài chính này lại liên quan tới quy mô của Nhà nước.

Phim Việt: “Nhiều mẹ một con”

- Trong bối cảnh khó xây dựng đội ngũ trẻ cán bộ kế cận hiện nay như bà nói, liệu đã có gương mặt triển vọng nào có thể đảm nhiệm được cùng lúc các vai trò khảo sát, xây dựng kịch bản, đạo diễn, quay phim, làm nhạc…?


Bà Phạm Thị Tuyết: Thực sự đến giờ phút này thì Hãng chưa có người nào có được năng lực ấy. Bởi trước hết ở Việt Nam vấn đề đào tạo con người rất khác với các nước châu Âu.

Tuy nhiên, vài năm gần đây nổi lên một thế hệ trẻ mới với những năng lực mới như có thể đảm nhiệm hai vai trò trong một bộ phim là tự viết được kịch bản và kiêm đạo diễn. Đây cũng là những tín hiệu đáng mừng. Vì trước đây kịch bản thường tách rời đạo diễn.

Tôi nghĩ rằng, trong xu thế phát triển của điện ảnh tài liệu thì một người đảm trách nhiều khâu trong phim sẽ dần tăng lên, tất nhiên nó còn phụ thuộc vào quy mô đào tạo.

Phim của các nước bạn tham gia Tuần phim tài liệu là họ tự lo từ A đến Z, từ khâu kịch bản cho đến đạo diễn, thậm chí còn tự đi xin tài trợ, sau đó bán phim và thu được tiền để bù đắp lại những kinh phí sản xuất. Rõ ràng, các tác giả nước ngoài họ chịu trách nhiệm với “con đẻ” của mình từ đầu tới cuối. Nó vừa là sức ép nhưng cũng là để nâng cao chất lượng tác phẩm.

Còn đạo diễn Việt Nam không phải lo tài chính, được cấp tiền thì làm. Thêm vào đó, Hãng cũng chỉ có chức năng sản xuất, chứ không được giao chức năng phát hành và phổ biến.

- Vậy rõ ràng, tồn tại lớn nhất của nền điện ảnh tài liệu Việt Nam vẫn là vấn đề cơ chế. Ở nước ngoài, sản xuất phim tài liệu là “một mẹ một con”, còn ở Việt Nam thì “nhiều mẹ một con”…

Bà Phạm Thị Tuyết: Vấn đề này cũng đã bàn nhiều rồi, nhưng đứng ở góc độ quản lý, trong các văn bản quy chế nếu Hãng làm đúng thì chỉ có chức năng sản xuất và giao sản phẩm. Đó là theo luật điện ảnh. Nhưng rõ ràng phải có thêm chức năng để người sản xuất gần hơn với sản phẩm cuối cùng của mình.

Chúng tôi cũng muốn ngoài chức năng sản xuất thì biết được phổ biến tác phẩm ra làm sao, xem khán giả đến với phim tài liệu họ thích gì, phản hồi thế nào… Để thông qua đó giúp các tác giả điều chỉnh đề tài, kịch bản cho phù hợp với yêu cầu cuộc sống.

- Điện ảnh tài liệu là thứ vừa mang tính lịch sử vừa mang tính đương đại, vậy theo bà trong bối cảnh hiện nay các nhà làm phim nên khai thác đề tài nào?


Bà Phạm Thị Tuyết:
Có thể nói, đề tài phim tài liệu trong giai đoạn xã hội Việt Nam đang chuyển mình mạnh mẽ như này thì các mảng đề tài rất phong phú và đa dạng, được khán giả quan tâm như đề tài về pháp luật, di cư, quy hoạch đô thị, hậu chiến tranh, người cao tuổi... Các đề tài này bản thân nó đã phản ánh nhu cầu của xã hội.

- Theo bà, cần những yếu tố nào để điện ảnh tài liệu Việt Nam có thể sớm ra với “biển lớn”?

Bà Phạm Thị Tuyết:
Trước mắt cần cố gắng làm sao để phim tài liệu đến được với khán giả trong nước. Muốn vậy phải có cơ chế như chiếu phim tài liệu ở rạp, phải có giờ phim tài liệu trên truyền hình…

Rồi dần dần là mục tiêu đưa phim tài liệu ra ngoài biên giới Việt Nam. Nhưng bằng con đường nào, hình thức gì, phổ biến ra sao… vấn đề lại là ở chủ trương chính sách, kể cả về mặt quản lý tác phẩm, nội dung cũng như vấn đề tài chính cho nó hoạt động.

Song, yếu tố quan trọng nhất để bước được ra thế giới là phim tài liệu Việt Nam cần phải có chất lượng và nâng dần thời lượng phim. Điều này do năng lực con người quyết định, vấn đề đào tạo để có được những đạo diễn giỏi./.

Xin cảm ơn bà về cuộc trò chuyện./.

ChiLê (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục