Phát triển quan hệ đối tác Australia-ASEAN

Phát triển quan hệ đối tác thịnh vượng Australia-ASEAN

Bộ trưởng Ngoại giao Australia khẳng định nước này coi trọng quan hệ hợp tác với ASEAN và đặt mối quan hệ này trong sự phát triển của nước này.
Phát triển quan hệ đối tác thịnh vượng Australia-ASEAN ảnh 1Tổng Thư ký ASEAN Lê Lương Minh gặp Ngoại trưởng Australia Julie Bishop ở Canberra, ngày 19/3. (Nguồn: Đại sứ quán Australia)

Nhân kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ Australia-ASEAN, Bộ trưởng Ngoại giao Australia Julie Bishop đã có bài viết về những kết quả đã đạt được và triển vọng quan hệ hợp tác giữa hai bên.

Vietnam+ xin trân trọng giới thiệu toàn văn bài viết của Bộ trưởng:

Chuyến thăm gần đây tới khu vực Đông Nam Á đã nhắc tôi về sức mạnh của mối quan hệ đối tác giữa Australia và các các quốc gia ASEAN.

Tại Malaysia, tôi đã có dịp gặp mặt một số thành viên trong số 300.000 cựu sinh viên của các trường đại học Australia, rất nhiều trong số họ hiện đang đảm nhiệm những vị trí chủ chốt trong chính phủ và các doanh nghiệp nước này.

Tại Philippines, tôi đã được tận mắt chứng kiến những nỗ lực cứu trợ chung của Australia và Philippines sau sự tàn phá của cơn bão Hải Yến đồng thời đã cùng hàng trăm học sinh Philippines chào đón một sáng kiến mới trị giá 150 triệu đôla của Australia nhằm hỗ trợ những nhu cầu giáo dục cơ bản của Philippines.

Tại Việt Nam, tôi được nghe về các dự án hợp tác giữa hai nước trong đó có dự án xây dựng cầu Cao Lãnh. Dự án được đồng tài trợ bởi Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) và Australia này sẽ kết nối các cộng đồng dân cư của nền kinh tế với trên 90 triệu người của Việt Nam.

Theo một báo cáo mới đây của Ngân hàng Thế giới, 10 quốc gia ASEAN có tiềm năng tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ, nhờ đó sẽ giúp nâng cao đáng kể mức sống trong khu vực Đông Nam Á.

Chẳng hạn, báo cáo đã chỉ ra những nghiên cứu cho thấy các quốc gia ASEAN có thể nâng mức phúc lợi xã hội lên 5.3% (tương đương với 69 tỷ USD) và gia tăng tăng trưởng kinh tế tới 1% thông qua việc hội nhập kinh tế sâu hơn.

Australia sẵn sàng và có thể trở thành một đối tác trong chương trình nghị sự kinh tế của khu vực và gia tăng hơn nữa các mối quan hệ hợp tác kinh tế vốn đã sâu sắc giữa hai bên. Trên thực tế, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Australia và các nước ASEAN đã tăng từ 45 tỷ đôla Australia lên tới 92 tỷ đôla Australia trong một thập kỷ qua.

Chính phủ mới của Australia đã thông qua chính sách “Ngoại giao kinh tế” và coi đó như là một nền tảng quan trọng trong chính sách đối ngoại của chúng tôi để đảm bảo gia tăng lợi ích và hiệu quả của mối quan hệ thương mại và đầu tư gần gũi hơn trong khu vực. Nếu như ngoại giao truyền thống nhằm vào mục tiêu đảm bảo hòa bình, ngoại giao kinh tế hướng tới mục tiêu gia tăng sự thịnh vượng.

Tháng Tư này đánh dấu kỷ niệm 40 năm ngày thiết lập quan hệ đối tác giữa Australia và ASEAN và đây chính là dịp thích hợp để chúng ta nhìn lại mối quan hệ giữa hai bên.

Australia đã và đang nỗ lực hợp tác với các quốc gia thành viên ASEAN để hiện thực hóa khá vọng chung của chúng ta, đó là: “Được sống trong một khu vực có nền hòa bình, an ninh, ổn định lâu dài, tăng trưởng kinh tế bền vững gắn liền với tiến bộ xã hội và thịnh vượng chung.”

Các nước ASEAN đã đạt được những bước đi quan trọng trong việc hướng tới mục tiêu này và đang cùng nhau nỗ lực hiện thực hóa mục tiêu xây dựng Cộng đồng ASEAN vào cuối năm 2015 - một mục tiêu quan trọng và đã được trông đợi từ lâu.

Tốc độ tăng trưởng của các quốc gia ASEAN trong những năm gần đây cao gấp đôi so với tốc độ tăng trưởng kinh tế thế giới, nhờ đó đã tăng gấp đôi thị phần của họ trong tổng sản phẩm GDP toàn cầu và giảm đáng kể tỉ lệ nghèo. Trong một số trường hợp, tỉ lệ nghèo đã giảm tới một nửa.

Các quốc gia ASEAN đã dẫn dắt việc xây dựng kiến trúc an ninh khu vực nhờ đó nâng cao tính hợp tác trong khu vực, nơi mà các quốc gia thành viên hành xử một cách nhất quán trên cơ sở tuân thủ luật pháp quốc tế, tận hưởng tự do hàng hải và hàng không và không bị ép buộc và đe dọa.

Và họ đang tăng cường năng lực đối phó với thảm họa thiên tai, thông qua sự phối hợp tốt hơn các nỗ lực cứu trợ của các quốc gia thành viên và của các đối tác như Australia.

Tôi khẳng định Ausralia sẽ gia tăng hợp tác với các quốc gia trong khu vực.

Chính phủ Australia vừa cho đưa ra Chương trình Colombo Mới (New Colombo Plan) để hỗ trợ thanh niên Ausralia học tập và thực tập trong khu vực. Tôi sẽ mời tất cả các nước ASEAN tham gia chương trình này từ năm 2015, dựa trên nền tảng thực hiện tại hai địa bàn thí điểm năm nay là Singapore và Indonesia, để bổ sung cho chương trình giáo dục mở rộng của Australia với khu vực.

Tôi cũng muốn làm việc với ASEAN để tăng cường hợp tác khu vực, đặc biệt thông qua Hội nghị Cấp cao Đông Á. Hội nghị này có vai trò và cơ cấu thành viên phù hợp để giúp cho khu vực đối phó với các vấn đề chiến lược - như các vấn đề an ninh, thương mại hay tài chính.

Và là một đối tác của Trung tâm Điều phối ASEAN về Hỗ trợ nhân đạo, Australia sẽ tiếp tục hợp tác với ASEAN để đảm bảo ứng phó kịp thời và hiệu quả với thiên tai trong khu vực.

Cá nhân tôi rất coi trọng mối quan hệ của Australia với ASEAN và các quốc gia thành viên. Vì vậy, tôi sẽ đến thăm cả mười nước ASEAN trước khi các nhà lãnh đạo của chúng ta gặp nhau tại Hội nghị Thượng đỉnh kỷ niệm 40 năm quan hệ tại Nay Pyi Taw vào cuối năm nay.

Tương lai của Australia nằm trong chính khu vực này - địa lý của chúng ta là vận mệnh của chúng ta./.

Tin cùng chuyên mục