Phát triển sâu rộng quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam-Ấn Độ

Quan hệ hợp tác Việt Nam-Ấn Độ hiện vẫn ở mức thấp so với tiềm năng và kỳ vọng của mỗi bên. Do đó, hai bên mong muốn thúc đẩy hợp tác hơn nữa trên các lĩnh vực theo hướng đi vào chiều sâu, thực chất.
Phát triển sâu rộng quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam-Ấn Độ ảnh 1

Nhận lời mời của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng nước Cộng hòa Ấn Độ Narendra Modi sẽ thăm chính thức Việt Nam từ ngày 2-3/9.

Đây là chuyến thăm đầu tiên của ngài Narendra Modi trên cương vị Thủ tướng Ấn Độ và cũng là chuyến thăm đầu tiên của một Thủ tướng Ấn Độ tới Việt Nam sau 15 năm, kể từ năm 2001.

Không ngừng phát triển quan hệ truyền thống tốt đẹp

Việt Nam và Ấn Độ có quan hệ hữu nghị truyền thống lâu đời. Mối quan hệ giữa hai dân tộc đã được hai vị lãnh đạo tiền bối kiệt xuất của hai nước là Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ tướng Jawaharlal Nehru tạo dựng nền móng, các thế hệ lãnh đạo kế tiếp và nhân dân hai nước dày công vun đắp.

Ấn Độ tích cực ủng hộ Việt Nam trong các cuộc kháng chiến giành độc lập, thống nhất trước đây, cũng như trong sự nghiệp đổi mới và phát triển đất nước hiện nay.

Năm 1954, Ấn Độ mở Tổng Lãnh sự quán tại Hà Nội. Năm 1956, Việt Nam lập Tổng lãnh sự quán tại New Delhi. Ngày 7/1/1972, hai nước nâng quan hệ lên cấp Đại sứ. Năm 2007, hai bên tuyên bố chính thức thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược.

Quan hệ chính trị giữa hai nước phát triển tốt đẹp, hai bên đã trao đổi nhiều đoàn cấp cao sang thăm lẫn nhau. Năm 2003, trong chuyến thăm của Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh, hai bên đã ký “Tuyên bố chung về Khuôn khổ hợp tác toàn diện giữa hai nước bước vào thế kỷ 21.”

Tháng 7/2007, trong chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, hai bên ký Tuyên bố chung chính thức thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam-Ấn Độ. Tiếp đó, quan hệ Đối tác chiến lược giữa hai nước đã được cụ thể hóa, tích cực triển khai vào thực tế thông qua ký kết và thực hiện hàng loạt văn bản, hiệp định hợp tác giữa hai bên.

Trong chuyến thăm Ấn Độ năm 2011 của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, hai bên đã ký bảy thỏa thuận hợp tác song phương. Tháng 4/2012, trong chuyến thăm Ấn Độ của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, hai bên đã ký chín văn kiện hợp tác về nghiên cứu và ứng dụng công nghệ nano, công nghệ sinh học, công nghệ thông tin, hải dương học, biến đổi khí hậu, Ấn Độ học, Việt Nam học, trao đổi sinh viên và giảng viên.

Tháng 11/2013, nhân chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến Ấn Độ, hai nước đã ra Tuyên bố chung và ký kết tám thỏa thuận hợp tác trên nhiều lĩnh vực. Tháng 10/2014, trong chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tới Ấn Độ, hai bên ra Tuyên bố chung, ký kết chín văn kiện hợp tác trong các lĩnh vực văn hóa-giáo dục, năng lượng, giao thông vận tải.

Năm 2017, hai nước sẽ kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (7/1/1972-7/1/2017) và 10 năm thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược (6/7/2007-6/7/2017).

Thúc đẩy hợp tác toàn diện trên các lĩnh cực

Theo Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam Parvathaneni Harish, hiện nay mối quan hệ Đối tác chiến lược của hai nước là toàn diện, bao gồm hợp tác quốc phòng và an ninh, kinh tế, khoa học, công nghệ, phát triển nguồn nhân lực và đào tạo văn hóa. Các nhà lãnh đạo hai nước tin tưởng rằng mối quan hệ đối tác này sẽ đóng góp đáng kể vào việc tăng cường sự ổn định và phát triển ở khu vực.

Trên nền tảng quan hệ chính trị ngoại giao tốt đẹp và tiềm năng hợp tác to lớn về kinh tế, quan hệ hợp tác giữa hai nước trên nhiều lĩnh vực đã phát triển mạnh mẽ. Tăng cường hợp tác kinh tế là một trong những mục tiêu chiến lược của quan hệ song phương Việt Nam-Ấn Độ, hai nền kinh tế năng động đang vươn lên mạnh mẽ ở châu Á. Ấn Độ là một trong 10 đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. Kim ngạch thương mại hai chiều tăng dần qua các năm kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược. Đến nay, hai nước đã trở thành đối tác thương mại quan trọng của nhau, trong đó kim ngạch thương mại song phương năm 2013 đạt 5,23 tỷ USD; năm 2014 đạt 5,6 tỷ USD; năm 2015 đạt 5 tỷ USD; hướng tới mục tiêu 15 tỷ USD vào năm 2020.

Quan hệ đầu tư giữa hai nước đã có những dấu hiệu khởi sắc và dự kiến tăng nhanh trong thời gian tới khi Tập đoàn TATA thực hiện dự án Nhiệt điện Long Phú 2 trị giá 1,8 tỷ USD tại tỉnh Sóc Trăng. Ấn Độ đứng thứ 28 trong số 110 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam, hiện có 118 dự án đầu tư còn hiệu lực với tổng số vốn đăng ký 590 triệu USD.

Bên cạnh đó, hợp tác về khoa học công nghệ, giáo dục, văn hóa, thể thao và du lịch cũng có nhiều tiến bộ. Có thể nói, khoa học-công nghệ là một trong các trụ cột của mối quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam-Ấn Độ. Hai nước có Tiểu ban hỗn hợp về khoa học công nghệ hoạt động thường xuyên và tích cực. Tháng 2/2012, hai bên đã ký biên bản ghi nhớ về nâng cao năng lực tính toán hiệu năng cao tại Việt Nam, theo đó Ấn Độ đã chuyển giao cho Việt Nam siêu máy tính PARAM.

Trong lĩnh vực giáo dục, Ấn Độ đang giúp Việt Nam đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trên nhiều lĩnh vực như công nghệ thông tin, kinh tế, luật, tiếng Anh... thông qua nhiều học bổng ngắn hạn và dài hạn (khoảng 150 suất). Ngoài ra, Ấn Độ đã mở Trung tâm đào tạo tiếng Anh tại thành phố Đà Nẵng.

Hai nước đã gia hạn Chương trình giao lưu văn hóa Việt Nam-Ấn Độ. Bạn nhiệt tình thúc đẩy việc mở Trung tâm Văn hóa Ấn Độ tại Hà Nội, cam kết viện trợ cho Việt Nam thực hiện dự án bảo tồn, tôn tạo các Tháp Chàm tại Mỹ Sơn. Hai bên triển khai nhiều hoạt động thúc đẩy du lịch. Tháng 11/2014, hãng hàng không JetAirways đã mở đường bay thẳng Mumbai-Bangkok-Thành phố Hồ Chí Minh. Hãng hàng không VietjetAir và Vietnam Airlines cũng đang xúc tiến mạnh việc mở đường bay thẳng từ các thành phố lớn của Việt Nam đến các thành phố, trung tâm du lịch của Ấn Độ như Delhi, Mumbai, Bodh Gaya... trong thời gian sớm nhất.

Quan hệ hợp tác an ninh, quốc phòng giữa hai nước tiếp tục phát triển, năm 2003 Bộ Quốc phòng hai nước thiết lập cơ chế Đối thoại Chính sách Quốc phòng, đến nay đã tổ chức chín phiên họp, qua đó hai bên tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực đào tạo, công nghiệp quốc phòng, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm... Ngoài ra, hợp tác trong các lĩnh vực khác như tài chính-tín dụng, dầu khí; hợp tác tại các diễn đàn đa phương cũng mang lại những hiệu quả thiết thực cho cả hai nước.


Đưa quan hệ đối tác chiến lược đi vào chiều sâu

Tuy nhiên, quan hệ hợp tác Việt Nam-Ấn Độ trên một số lĩnh vực trụ cột hiện vẫn ở mức thấp so với tiềm năng và kỳ vọng của mỗi bên. Do đó, hai bên mong muốn thúc đẩy hợp tác hơn nữa trên các lĩnh vực theo hướng đi vào chiều sâu, thực chất, cùng có lợi.

Theo Đại sứ Việt Nam tại Cộng hòa Ấn Độ Tôn Sinh Thành, để nỗ lực thúc đẩy mạnh hơn nữa quan hệ hợp tác kinh tế phát triển tương xứng với tiềm năng, tạo đột phá nâng kim ngạch thương mại đạt mục tiêu 15 tỷ USD vào năm 2020, hai nước cần có những bước đi cụ thể, tạo thuận lợi cho việc trao đổi các mặt hàng tiềm năng giữa hai bên; mở đường bay trực tiếp giữa hai nước để phát triển du lịch; tạo điều kiện cho các nhà đầu tư tham gia vào các dự án lớn tại hai nước.

Trước mắt, hai bên tập trung vào các lĩnh vực có thế mạnh như hợp tác phát triển, đào tạo, hợp tác về năng lượng, thăm dò khai thác dầu khí, cũng như trong các lĩnh vực mới về năng lượng tái tạo, Mặt Trời, điện gió...

Trong lĩnh vực khoa học công nghệ, Việt Nam có thể tranh thủ những thành tựu to lớn mà Ấn Độ đã đạt được về hàng không vũ trụ, hạt nhân, y học, công nghệ sinh học... Đồng thời, quan hệ hợp tác văn hóa, giáo dục, sẽ góp phần tăng cường sự hiểu biết giữa nhân dân hai nước...

Đại sứ Tôn Sinh Thành cho rằng chuyến thăm Việt Nam sắp tới của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi chắc chắn sẽ mở ra một trang mới trong quan hệ hai nước, tiếp tục đà phát triển quan hệ hợp tác tốt đẹp, hiệu quả trên cả bình diện song phương và đa phương./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục