Phát triển Tam Giang-Cầu Hai trở thành “Công viên đầm phá Quốc gia’’

Thừa Thiên-Huế phát triển hệ đầm phá Tam Giang-Cầu Hai trở thành “Công viên đầm phá quốc gia’’ có vùng đất ngập nước, khu dự trữ môi trường sinh quyển có tầm quan trọng quốc gia và quốc tế.
Phát triển Tam Giang-Cầu Hai trở thành “Công viên đầm phá Quốc gia’’ ảnh 1Làng chài ngư dân trên đầm Phá Tam Giang thuộc khu vực xã Quảng Lợi, huyện Quảng Điền. (Ảnh: Hồ Cầu/TTXVN)

Ngày 28/3, Hội đồng Nhân dân tỉnh Thừa Thiên-Huế khóa VIII, nhiệm kỳ 2021-2026 đã tổ chức Kỳ họp thứ 10 (Kỳ họp chuyên đề) thông qua nhiều nội dung quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh; trong đó có đề án “Phát triển kinh tế-xã hội vùng đầm phá Tam Giang-Cầu Hai, tỉnh Thừa Thiên-Huế đến năm 2030.”

Phạm vi không gian của đề án gồm 44 đơn vị cấp xã thuộc thành phố Huế, huyện Phong Điền, Quảng Điền, Phú Vang và Phú Lộc.

Mục tiêu tổng quát của đề án là xây dựng vùng Tam Giang-Cầu Hai trở thành vùng động lực phát triển cụm ngành kinh tế biển Trung Trung Bộ; đến năm 2030 trở thành một trong những trung tâm kinh tế biển phát triển mạnh của cả nước; tiến tới thành trung tâm kinh tế biển mạnh có tầm quốc tế hàng đầu ở Đông Nam Á; phát triển hệ đầm phá Tam Giang-Cầu Hai trở thành “Công viên đầm phá quốc gia’’ có vùng đất ngập nước, khu dự trữ môi trường sinh quyển có tầm quan trọng quốc gia và quốc tế.

[Thừa Thiên-Huế: Xây dựng hạ tầng phát triển du lịch sông nước]

Trong nội dung đề án, tỉnh Thừa Thiên-Huế đã đưa ra nhiều nhiệm vụ, giải pháp quan trọng như phát triển du lịch thành ngành kinh tế chủ lực của vùng đầm phá Tam Giang-Cầu Hai; phát triển hệ thống cảng biển, đặc biệt Cảng biển Chân Mây, xây dựng Trung tâm logistics tại Khu kinh tế Chân Mây-Lăng Cô; phát triển thủy sản với diện tích nuôi trồng ổn định khoảng 6.000ha; phát triển nền nông nghiệp sinh thái phù hợp với đặc thù của vùng; phát triển công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp tập trung tại các cụm cảng biển, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp đảm bảo điều kiện hạ tầng, xử lý ô nhiễm môi trường không gây tác động tới hệ sinh thái vùng đầm phá.

Tỉnh cũng xác định xây dựng từ 2-5 khu rừng ngập mặn để bảo vệ đa dạng sinh học, tăng nguồn lợi thủy sản, các loại chim, kết hợp du lịch trải nghiệm; thành lập khu bảo tồn sinh vật biển Hải Vân-Sơn Chà; thành lập ban quản lý khu bảo tồn đất ngập nước Tam Giang-Cầu Hai, nâng cấp khu bảo tàng thiên nhiên vùng duyên hải miền Trung.

Bên cạnh đó, tỉnh có nhiều giải pháp nhằm phát triển văn hóa, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại và hợp tác quốc tế ở khu vực này.

Để cụ thể hóa các mục tiêu trong đề án, tỉnh Thừa Thiên-Huế đã đề ra 5 chương trình trọng điểm gồm chương trình xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng, gắn với phòng, chống giảm nhẹ thiên tai; chương trình phát triển thủy sản gắn với bảo tồn gen và bảo vệ môi trường; chương trình phát triển du lịch, dịch vụ vùng đầm phá; chương trình phát triển công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp; chương trình phát triển hạ tầng đô thị và các khu đô thị vùng đầm phá.

Nhu cầu vốn thực hiện đề án trong giai đoạn 2021-2025 từ 50.000-60.000 tỷ đồng, giai đoạn 2026-2030 từ 100.000-110.000 tỷ đồng, với cơ cấu vốn gồm ngân sách Nhà nước, vốn tín dụng, vốn viện trợ, vốn doanh nghiệp và dân cư.

Thừa Thiên-Huế đề xuất Chính phủ cho phép áp dụng nhiều cơ chế, chính sách đặc thù để thực hiện thành công các mục tiêu phát triển vùng đầm phá Tam Giang-Cầu Hai đến năm 2030 như trong đề án đã nêu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục