Phát triển vải thiều theo mô hình VietGap nhằm đa dạng hóa thị trường

Xây dựng và phát triển mô hình sản xuất vải theo tiêu chuẩn VietGap để sản phẩm vải Bắc Giang có điều kiện tiếp cận những thị trường tiềm năng, khó tính như Nhật Bản, Châu Âu, Hoa Kỳ...

Tiếp tục xây dựng và phát triển mô hình sản xuất vải theo tiêu chuẩn VietGap để sản phẩm vải Bắc Giang có điều kiện tiếp cận những thị trường tiềm năng, khó tính như Nhật Bản, Châu Âu, Hoa Kỳ…

Đó là ý kiến chỉ đạo của Thứ trưởng Bộ Nông Nghiệp và Phát triển Nông Thôn Lê Quốc Doanh, vừa phát biểu tại cuộc họp liên ngành giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn-Bộ Công thương nhằm đánh giá tình hình sản xuất và tiêu thụ vải thiều năm 2014, vừa diễn ra chiều ngày hôm nay (6/6), tại huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang.

Theo đánh giá của các huyện và các ngành chức năng trong tỉnh Bắc Giang, năm nay, thời tiết không thuận lợi trong thời điểm cây vải ra hoa và kết trái, tuy nhiên với sự hướng dẫn và chỉ đạo sát sao theo dõi tình hình của các ban ngành, sản lượng vải vẫn đạt lớn.

Cụ thể, dự kiến năm 2014, với tổng diện tích trồng vài trên địa bàn toàn tỉnh khoảng 33.400 ha, sản lượng thu hoạch ước đạt trên 140.000 tấn quả tươi; cao hơn so với năm 2013 khoảng 5.000 tấn. Trong số đó, sản lượng vải sớm toàn tỉnh khoảng 19.500 tấn (chiếm 12%), vải chính vụ khoảng 140.500 tấn (chiếm 88%). Diện tích vải sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap khoảng 8.500 ha, sản lượng ước đạt 45.000 tấn.

Theo Phó chủ tịch Dương Văn Thái, với tổng sản lượng này, dự báo sẽ được tiêu thụ nội địa khoảng 60% tương ứng khoảng 84.000 tấn (chủ yếu quả tươi), xuất khẩu khoảng 40% tương ứng 56.000 tấn. Trong đó, tiêu thụ quả tươi dự kiến khoảng 119.000 tấn (chiếm 85%), chế biến (sấy khô và chế biến bóc cùi đông lạnh) khoảng 21.000 tấn (chiếm 15%).

“Dự báo, giá vải năm nay tương đương với năm 2013, giá vải trung bình toàn tỉnh dự báo khoảng 14.000 đồng/kg,” Phó chủ tịch Dương Văn Thái nói.

Phát biển tại cuộc họp, ông Trần Quang Tấn-Chủ tịch huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) cho biết, bên cạnh tiêu thụ ở những thị trường truyền thống như Trung Quốc, năm nay, vải thiều Bắc Giang sẽ hướng đến phát triển xuất khẩu thêm ở các nước như: Châu Âu, Hoa Kỳ.  Do đó, địa phương cần hướng đến xây dựng hệ thống phân phối chuyên nghiệp và hiệu quả, đặc biệt quan tâm đến xây dựng thương hiệu và phát triển vải đạt chất lượng cao để xuất khẩu.

“Đến nay, sản phẩm vải thiều Lục Ngạn và vải sớm Phúc Hòa đã được nhà nước bảo hộ, cấp văn bằng chỉ dẫn địa lý. Qua đó, vải thiều sẽ được đóng gói vào các thùng, túi có nhãn mác, mã vạch và bán rộng rãi trên thị trường. Theo đó, công tác quản lý việc sử dụng nhãn hiệu theo quy chế cần được kiểm soát chặt chẽ từ khâu sản xuất, đóng gói đến khâu tiêu thụ sản phẩm đến tay người tiêu dùng,” ông Trần Quang Tấn nêu rõ.

Nhấn mạnh tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Anh Tuấn khẳng định, việc đa dạng hóa thị trường là xu hướng tất yếu, theo đó để cây vải thiều phát triển bền vững cần quy hoạch vùng trồng vải tập trung đồng thời ý thức được tầm quan trọng của yếu tố vệ sinh an toàn thực phẩm, nâng cao uy tín, chất lượng thương hiệu “vải thiều Lục Ngạn” và “vải sớm Phúc Hòa-Tân Yên” nói riêng và sản phẩm vải Bắc Giang nói chung.

"Ủy ban nhân dân các huyện cần phối hợp với các ngành chức năng có hướng quy hoạch vùng chuyên canh vải thiều. Mở rộng diện tích trồng vải an toàn theo tiêu chuẩn VietGap nhằm chinh phục các thị trường mới bớt sự phụ thuộc các thị trường truyền thống," Thứ Trưởng Trần Anh Tuấn nói./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục