Phát triển Vĩnh Yên thành đô thị trung tâm của tỉnh Vĩnh Phúc

Ngân hàng Phát triển châu Á đã chọn thành phố Vĩnh Yên là một trong những địa điểm để thực hiện dự án "Thành phố xanh: Tương lai đô thị bền vững của khu vực Đông Nam Á."
Phát triển Vĩnh Yên thành đô thị trung tâm của tỉnh Vĩnh Phúc ảnh 1Quang cảnh hội thảo. (Ảnh: Nguyễn Trọng Lịch/Vietnam+)

Ngày 1/8, Ủy ban Nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc phối hợp với Ngân hàng Phát triển châu Á tổ chức Hội thảo tham vấn về Kế hoạch hành động Thành phố xanh - Thành phố Vĩnh Yên, trong khuôn khổ Dự án "Thành phố xanh: Tương lai đô thị bền vững của khu vực Đông Nam Á" của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB).

Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc Hà Hòa Bình cho biết Ngân hàng Phát triển châu Á đã chọn thành phố Vĩnh Yên là một trong những địa điểm để thực hiện dự án này.

Theo định hướng phát triển, thành phố Vĩnh Yên sẽ trở thành đô thị trung tâm của tỉnh. Để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững của thành phố, tỉnh Vĩnh Phúc không chỉ quan tâm đến các dự án đầu tư hạ tầng, bảo vệ môi trường, bảo tồn, phát triển hệ thống cây xanh, không gian mặt nước hiện có mà còn quan tâm tới công tác định hướng về chính sách, năng lực thể chế, giám sát và quản lý nhằm đáp ứng yêu cầu của sự phát triển.

Qua quá trình nghiên cứu, khảo sát, nhóm chuyên gia TA Group của ADB đã xây dựng kế hoạch hành động nhằm tiếp cận thành phố xanh theo cách mới, hoàn toàn khác biệt, thông qua phương pháp thực hiện đồng thời, cùng lúc các chương trình hệ thống thu gom và xử lý nước mưa, nước thải; quy hoạch, cải tạo khu vực ven hồ; thu gom chất thải rắn; kiểm soát chất lượng nước hồ để cải thiện điều kiện sống, tăng giá trị đất đai, phát triển du lịch cho thành phố.

Nhóm chuyên gia đã đưa ra bốn sáng kiến cải tạo môi trường mang lại lợi ích thiết thực cho phát triển kinh tế-xã hội. Đó là thúc đẩy nền kinh tế xanh trong phát triển công nghiệp-dịch vụ; cải thiện môi trường đô thị, trong đó có cải tạo và quản lý Đầm Vạc; thúc đẩy du lịch sinh thái khu vực; phát triển khu đô thị Đại học.

Các ý kiến tại hội thảo cũng đề cập tới các vấn đề bố trí, phân bố lại không gian tổng thể của thành phố theo hướng hài hòa, hợp lý hơn, trong đó chú ý đến nâng cấp hệ thống giao thông, cải tạo và nạo vét hệ thống đầm hồ; tập trung thu gom xử lý tốt chất thải rắn, nước thải, khí thải để nâng cao chất lượng môi trường nói chung; chú trọng tới phát triển cây xanh đô thị.

Ông Nguyễn Xuân Trường, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Vĩnh Phúc, cho rằng đô thị sạch thì cần có nông nghiệp sạch, các sản phẩm nông nghiệp cả chăn nuôi và trồng trọt phục vụ nhu cầu người dân đô thị phải được quy hoạch và sản xuất an toàn hơn, đảm bảo sạch mới làm hài lòng người dân./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục