Phẫu thuật tim thành công cho một bệnh nhân nhiễm HIV

Phẫu thuật tim thành công cho một nữ bệnh nhân nhiễm HIV

Các bác sỹ của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã tiến hành can thiệp phẫu thuật tim mạch thành công cho một bệnh nhân nữ (42 tuổi), bị nhiễm HIV.
Phẫu thuật tim thành công cho một nữ bệnh nhân nhiễm HIV ảnh 1Các bác sỹ thực hiện ca phẫu thuật tim mạch cho bệnh nhân. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Ngày 18/5, theo thông tin từ Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, các bác sỹ của bệnh viện đã tiến hành can thiệp phẫu thuật tim mạch thành công cho một bệnh nhân nữ, nhiễm HIV.

Phó giáo sư Nguyễn Hữu Ước - Trưởng khoa phẫu thuật tim mạch và lồng ngực cho hay, bệnh nhân nữ, 42 tuổi mắc hội chứng Marphan. Bệnh nhân phát hiện nhiễm HIV từ năm 2005, điều trị thuốc ARV từ năm 2015.

Bệnh nhân nhập viện ngày 4/5.

[Bé gái sinh non nặng gần 900gr phải phẫu thuật tim đã được xuất viện]

Bệnh nhân với chẩn đoán: Lóc động mạch chủ type A mãn tính/ bệnh nhân phồng gốc động mạch chủ, hở van động mạch chủ, hai lá, phồng hình thoi động mạch chủ bụng dưới thận, hội chúng Marphan, HIV(+).

Theo phó giáo sư Ước, hội chứng Marphan là bệnh lý bẩm sinh, di truyền gây tổn thương mô liên kết, chiếm ~0.5% dân số. Bệnh nhân mắc hội chứng Marphan có nhiều biểu hiện bệnh lý về mắt, cơ xương khớp, tim mạch... Trong đó tổn thương tim mạch thường là phồng, lóc động mạch chủ nhiều vị trí khác nhau, hở van hai lá.

Bệnh nhân lóc động mạch chủ chủ type A là bệnh lý nặng nguy hiểm tính mạng, gặp với tần suất 3-4 bệnh nhân/100.000 dân/năm. Bệnh nhân mắc bệnh trên nếu không được điều trị tỉ lệ sống sau 1 năm dưới 10%.

Ca mổ được tiến hành vào ngày 9/5. Kíp mổ do phó giáo sư Nguyễn Hữu Ước - Trưởng khoa phẫu thuật tim mạch và lồng ngực và tiến sỹ Phùng Duy Hồng Sơn, (Khoa phẫu thuật Tim mạch và lồng ngực) đã tiến hành thay van động mạch chủ, thay động mạch chủ lên, cắm lại hai động mạch vành), sửa van hai lá có vòng van. Đây là ca mổ khó trong phẫu thuật tim mạch, thời gian mổ kéo dài 8 giờ.

Phó giáo sư Ước cho hay, đối với bệnh nhân nhiễm HIV, hệ miễn dịch bị suy giảm, vì thế nguy cơ nhiễm trùng cao. Ca mổ phức tạp, kéo dài, nguy cơ phơi nhiễm của kíp mổ cao.

Sau mổ, bệnh nhân được rút ống nội khí quản sau 6 giờ, hậu phẫu thuận lợi. Bệnh nhân đã được chuyển sang Khoa Phẫu thuật Nhiễm khuẩn điều trị nội khoa sau mổ.

Dự kiến bệnh nhân sẽ xuất viện trong tuần tới./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục