Phe cánh hữu theo chủ nghĩa dân tộc thất bại trong cuộc đấu Brexit

Các nhân vật cánh hữu theo chủ nghĩa dân tộc của đảng Bảo thủ đã nhiều lần tìm cách loại bỏ thỏa thuận Brexit và gây áp lực với bà May nhưng cuối cùng, họ đã thất bại.

Theo trang mạng theguardian.com, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk ngày 11/4 tuyên bố rằng các nhà lãnh đạo của 27 nước thành viên ở lại Liên minh châu Âu (EU) đã nhất trí gia hạn Brexit.

Thủ tướng Anh Theresa May cũng đồng ý với đề nghị của EU gia hạn Brexit thêm 6 tháng, tới ngày 31/10.

Đến nay đã gần 5 tháng kể từ khi bà May ký thỏa thuận Anh-EU về Brexit. Kể từ đó, các nhân vật cánh hữu theo chủ nghĩa dân tộc của đảng Bảo thủ đã nhiều lần tìm cách loại bỏ thỏa thuận này và lật đổ bà May.

Họ đã chi phối truyền thông và giành được một vài thắng lợi, nhưng cuối cùng, họ đã thua cuộc hoàn toàn.

Đối với phe cánh hữu, mục tiêu ở đây là buộc đảng Bảo thủ làm theo ý chí của họ. Họ đã không làm được điều này.

Thay vào đó, họ đã làm phá hoại chính đảng của mình. Họ cũng nhằm mục tiêu đưa Anh rời khỏi EU mà không đi kèm thỏa thuận như bà May ký kết hay bất kỳ thỏa thuận đảm bảo kinh tế nào như Công đảng và các đảng đối lập yêu cầu.

Điều đó giờ đây sẽ không xảy ra. Những gì được nhất trí hôm 10/4 ở Brussels đã cho thấy rõ.

Bà May và thỏa thuận của bà đã trải qua cuộc “vật lộn” khó khăn. Tuy nhiên, cả hai đều “sống sót.”

Những người theo chủ nghĩa dân tộc cánh hữu phản ứng như thể đó chỉ là tiểu tiết. Họ nói chuyện như thể họ sẽ giành được quyền lãnh đạo đảng vào bữa sáng, viết lại thỏa thuận Brexit vào bữa trưa, loại bỏ “chốt chặn cuối” Bắc Ireland vào buổi trà chiều và chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử dựa trên nền tảng chủ nghĩa dân túy vào buổi tối.

Tất cả chỉ là điều viễn tưởng. Họ đã thất bại. Chiến lược của họ đã đổ bể.

[Vấn đề Brexit: Các cuộc thương lượng liên đảng tại Anh tiến triển]

Quyết định của bà May về việc đối thoại với Công đảng là bước ngoặt quan trọng. Mục tiêu của việc bà đối thoại với phía Công đảng đó là để tìm kiếm một Brexit được tiết chế hơn mà Công đảng và các đảng khác có thể ủng hộ.

Bà May từ chối bàn về việc xóa bỏ các giới hạn đỏ, nhưng điều đó sẽ phải xảy ra - và thực sự nó đang diễn ra.

Hiện gần như không có nghi ngờ về việc 2 chính đảng lớn đang gần như nhất trí về một hình thức liên minh hải quan với EU. EU cũng nói rằng họ sẽ chấp nhận điều đó.

Một điểm quan trọng khác là việc cần phải ngăn chặn bất kỳ nhà lãnh đạo mới theo quan điểm ủng hộ Brexit của đảng Bảo thủ trong tương lai phá vỡ sự nhất trí giữa 2 đảng.

Vấn đề này đang gây ra trở ngại trong các cuộc đối thoại. Câu trả lời đơn giản nhất đó là đảng Bảo thủ không nên bỏ phiếu cho một lãnh đạo nào như vậy, hoặc để các cử tri loại bỏ ứng cử viên đó trong cuộc tổng tuyển cử.

Một biện pháp khác là đưa thỏa thuận Brexit trở thành một hiệp ước với EU. Tuy nhiên, tại sao chúng ta không đòi hỏi sự thay đổi lớn trong chính sách để giành được sự ủng hộ của cả 4 bộ phận cấu thành Vương quốc Anh, trước khi chính sách đó được thực thi?

Không một người nào theo chủ nghĩa hợp nhất có thể phản đối điều này. Thậm chí đảng Dân tộc Scotland (SNP) sẽ ủng hộ điều đó.

Việc bà May bắt tay với Công đảng cũng mở ra những khả năng mà bà vẫn phản đối kịch liệt.

Điều quan trọng nhất đó là bà đã mở ra khả năng tổ chức cuộc trưng cầu ý dân lần 2 - mà ở đó Anh có thể bỏ phiếu “ở lại EU” - lần đầu tiên kể từ năm 2016.

Ông Jeremy Corbyn cũng không muốn Anh ở lại EU. Tuy nhiên, đa số thành viên trong đảng của ông muốn vậy, và ngày càng nhiều người dân ủng hộ xu hướng này. Một cuộc bỏ phiếu lần 2 là công cụ khả thi duy nhất để đạt được kết quả đó.

Công đảng phải “giữ chân” các cử tri ủng hộ Brexit “mềm” và cả những cử tri phản đối Brexit. Bởi vậy bất kỳ thỏa thuận nào giữa đảng Bảo thủ và Công đảng phải giải quyết vấn đề “cuộc trưng cầu ý dân lần 2.”

Hội đồng châu Âu về Quan hệ Đối ngoại, có trụ sở tại Berlin, vừa công bố nghiên cứu cho thấy cái nhìn của người dân Anh về EU đã trở nên tích cực hơn trong thập kỷ qua.

Anh chỉ đứng thứ 2 sau Phần Lan về “cảm nhận” ngày càng tăng là công dân châu Âu. Cuộc trưng cầu ý dân năm 2016 dường như đã thúc đẩy cảm nhận “thuộc về châu Âu” của người dân hơn.

Điểm tích cực trong 5 tháng qua là các cử tri Anh đã trở nên hiểu rõ hơn về châu Âu và suy nghĩ sâu sắc hơn về các vấn đề này.

Cuộc tuần hành và các kiến nghị lên Quốc hội trong tháng qua cho thấy tác động đó, cũng như chất lượng của các cuộc tranh luận tại Hạ viện.

Hiện gần như không có nghi ngờ gì về sự thay đổi của dư luận. Các cuộc bầu cử châu Âu có thể phản ánh điều đó.

Đã đến lúc có thể tin tưởng hơn vào vị trí của Anh ở châu Âu, và giờ là thời điểm để đạt được điều này./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục