Phê chuẩn danh sách 21 thành viên Hội đồng bầu cử quốc gia

Hội đồng Bầu cử Quốc gia đã được Quốc hội thành lập với 21 thành viên, Chủ tịch Hội đồng là ông Nguyễn Sinh Hùng, Chủ tịch Quốc hội khóa XIII.
Phê chuẩn danh sách 21 thành viên Hội đồng bầu cử quốc gia ảnh 1Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trình bày dự thảo về Ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Sáng 25/11, với 395/465 tổng số đại biểu có mặt tại hội trường tán thành, ông Nguyễn Hạnh Phúc, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng Đoàn thư ký Kỳ họp, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội trở thành Tổng thư ký Quốc hội khóa XIII.

Theo Luật Tổ chức Quốc hội (sửa đổi năm 2014), quy định: “Tổng thư ký Quốc hội do Quốc hội bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm. Tổng thư ký Quốc hội có trách nhiệm tham mưu, phục vụ hoạt động của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, đại biểu Quốc hội.”

Tổng thư ký Quốc hội cũng là người phát ngôn của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội; tổ chức các nghiệp vụ thư ký tại kỳ họp Quốc hội, phiên họp Ủy ban thường vụ Quốc hội; tập hợp, tổng hợp các ý kiến của đại biểu Quốc hội; ký biên bản kỳ họp, biên bản phiên họp.

Cũng trong sáng 25/11, Quốc hội đã phê chuẩn danh sách bốn Phó chủ tịch và 16 Ủy viên Hội đồng bầu cử quốc gia được trình một ngày trước đó.

Như vậy, Hội đồng Bầu cử Quốc gia đã được Quốc hội thành lập với 21 thành viên. Chủ tịch Hội đồng là ông Nguyễn Sinh Hùng, Chủ tịch Quốc hội khóa XIII. Bốn Phó Chủ tịch Hội đồng gồm Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân.

​Các Ủy viên Hội đồng Bầu cử Quốc gia gồm bà Nguyễn Thị Kim Ngân - Phó Chủ tịch Quốc hội; ông Huỳnh Ngọc Sơn - Phó Chủ tịch Quốc hội; ông Uông Chu Lưu - Phó Chủ tịch Quốc hội; ông Tô Huy Rứa - Trưởng Ban Tổ chức Trung ương; ông Ngô Văn Dụ - Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương; ông Phùng Quang Thanh - Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; ông Trần Đại Quang - Bộ trưởng Bộ Công an.

Ngoài ra còn có bà Nguyễn Thị Nương - Trưởng Ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội; ông Nguyễn Hạnh Phúc - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội; ông Nguyễn Thái Bình - Bộ trưởng Bộ Nội vụ; ông Nguyễn Bắc Son - Bộ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông; bà Nguyễn Thị Thanh Hòa - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam; ông Đặng Ngọc Tùng - Chủ tịch Tổng Lao động Lao động Việt Nam; ông Nguyễn Quốc Cường - Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam; ông Nguyễn Văn Được - Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Việt Nam và ông Nguyễn Đắc Vinh - Bí thư Thứ nhất Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh.

Quốc hội cũng đã thông qua Nghị quyết về Ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021, thành lập Hội đồng Bầu cử Quốc gia và Nghị quyết bầu Tổng thư ký Quốc hội. Theo đó, ngày bầu cử là ngày Chủ nhật, 22/5/2016. Quốc hội giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội công bố ngày bầu cử trước 115 ngày đúng theo luật định.

Thay mặt Hội đồng Bầu cử Quốc gia, Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng cảm ơn sự tín nhiệm của Quốc hội giao trọng trách to lớn là hướng dẫn, chỉ đạo công tác bầu cử Quốc hội khoá XIV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng hứa sẽ làm hết sức mình, tuân thủ nghiêm túc Hiến pháp và pháp luật để cuộc bầu cử được thực hiện theo đúng Hiến pháp và pháp luật; đồng thời mong muốn các vị đại biểu, đồng bào và cử tri cả nước ủng hộ, giám sát, giúp đỡ để tổ chức thành công cuộc bầu cử vào 22/5/2016.

Về ý kiến đề nghị làm rõ những người trong Hội đồng trong thời gian tới nếu không còn giữ chức vụ như hiện nay thì có còn là thành viên Hội đồng hay không, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cho biết việc giới thiệu thành viên Hội đồng tuân theo quy định của pháp luật và thực tiễn công tác cán bộ hiện nay. Từ nay đến khi bầu cử Quốc hội khóa XIV và Hội đồng nhân dân các cấp, nếu có thay đổi chức vụ và xét thấy cần thiết thì Hội đồng trình Quốc hội xem xét quyết định./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục