Phe Dân chủ trình dự luật ngăn chặn ông Trump đánh phủ đầu Triều Tiên

Dự luật này, nghiêm cấm mở cuộc tấn công nhằm vào Triều Tiên mà không có sự đồng ý của Quốc hội, do Hạ nghị sỹ John Conyers và Thượng nghị sỹ Ed Markey, đều của đảng Dân chủ, đệ trình.
Phe Dân chủ trình dự luật ngăn chặn ông Trump đánh phủ đầu Triều Tiên ảnh 1Toàn cảnh phiên họp Quốc hội Mỹ ở Washington DC. (Nguồn: Washington Examiner/TTXVN)

Ngày 26/10, các nghị sỹ thuộc đảng Dân chủ trong Quốc hội Mỹ đã đưa ra dự luật nhằm ngăn chặn Tổng thống Donald Trump phát động cuộc tấn công phủ đầu Triều Tiên trong bối cảnh ngày càng có những quan ngại về việc Chính quyền Mỹ không thăm dò khả năng đàm phán với Bình Nhưỡng.

Dự luật trên, nghiêm cấm mở cuộc tấn công nhằm vào Triều Tiên mà không có sự đồng ý của Quốc hội, do Hạ nghị sỹ John Conyers và Thượng nghị sỹ Ed Markey, đều của đảng Dân chủ, đệ trình.

Dự luật này được 61 hạ nghị sỹ ủng hộ, trong đó có 2 người thuộc phe Cộng hòa, nhưng chưa có thượng nghị sỹ Cộng hòa nào lên tiếng ủng hộ.

Hạ nghị sỹ Conyers nhấn mạnh: "Với tư cách là một cựu chiến binh chiến tranh Triều Tiên, tôi lấy làm hổ thẹn rằng vị tổng tư lệnh của chúng ta đang hành xử một cách khinh suất, gây nguy hiểm cho các binh sỹ Mỹ đang đồn trú tại Hàn Quốc và các đồng minh của chúng ta trong khu vực."

[Mỹ trừng phạt các cá nhân, thực thể Triều Tiên do "vi phạm nhân quyền"]

Về phần mình, Thượng nghị sỹ Markey nói: "Giọng điệu khiêu khích và leo thang của Tổng thống Trump, với những lời đe dọa trút 'lửa giận dữ' và 'hủy diệt hoàn toàn' Triều Tiên, không được phép biến thành hiện thực."

"Chừng nào Tổng thống Trump vẫn còn một tài khoản Twitter, chúng ta phải đảm bảo rằng ông ấy không thể khơi mào một cuộc chiến hoặc khởi động một cuộc tấn công hạt nhân trước mà không có sự cho phép rõ ràng của Quốc hội."

Đây là dự luật thứ 2 nhằm ngăn cản Tổng thống Trump đơn phương phát động một cuộc chiến tranh.

Đầu năm nay, một dự luật tương tự được đưa ra nhằm ngăn Tổng thống ra lệnh triển khai đòn tấn công hạt nhân trước nhằm vào một kẻ thù bên ngoài mà không có tuyên bố chiến tranh của Quốc hội, giữa lúc có những quan ngại về ngôn ngữ hiếu chiến, hành vi thất thường và những đe dọa thường xuyên trên Twitter của ông Trump nhằm vào các nước khác./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục