Phe đối lập Syria "lộn xộn" là lợi thế của ông Assad

Việc phe đối lập tại Syria từ chối đối thoại với chính phủ cùng sự lộn xộn trong nội bộ sẽ đem lại lợi thế cho chính quyền của Tổng thống al-Assad.

Theo các nhà phân tích địa phương, việc phe đối lập tại Syria từ chối đối thoại với chính phủ Damascus, bên cạnh đó là sự lộn xộn trong nội bộ của lực lượng này, sẽ đem lại lợi thế cho chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad.

 

Sau cuộc họp kéo dài một tuần tại Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ), Liên minh Dân tộc Syria (SNC) - tổ chức đối lập chính tại Syria hiện đang lưu vong - đã từ chối tham dự hội nghị quốc tế sẽ được tổ chức tại Geneva nhằm mục đích tìm kiếm một giải pháp chính trị để chấm dứt cuộc xung đột kéo dài 26 tháng qua tại Syria, với lý do là quân đội chính phủ Syria đã tấn công không thương tiếc thành phố miền Trung al-Qussair.

 

Các nhà phân tích địa phương cho rằng cái cớ mà SNC đưa ra không phải là lý do chính, mà thực tế việc SNC từ chối tham gia hội nghị bắt nguồn từ chính những bất đồng trong nội bộ. Theo họ, hội nghị này chắc chắn sẽ diễn ra bởi các quan chức từ Nga, Mỹ và Liên hợp quốc (LHQ) sẽ gặp nhau tại Geneva vào ngày 5/6 để thảo luận về việc chuẩn bị cho hội nghị sắp tới. Tuy nhiên, hội nghị bị trì hoãn càng lâu thì tình hình sẽ càng tiến triển theo hướng có lợi cho chính quyền Syria.

 

Kể từ tháng 4/2013, quân đội Syria đã bắt đầu tiến hành một cuộc tấn công toàn lực nhằm vào các "thành trì" của phe nổi dậy. Cuộc chiến đấu này chủ yếu tập trung vào thành phố miền Trung chiến lược al-Qussair, nơi các binh lính của chính phủ Syria - có tin là được các tay súng của phong trào Hồi giáo vũ trang Hezbollah tại Lebanon hỗ trợ - đang giành nhiều chiến thắng liên tiếp trước phe nổi dậy.

 

Các cuộc giao tranh tại al-Qussair có thể sẽ mang tính quyết định và đóng vai trò quan trọng đối với quân đội Syria bởi nó có thể lấy đi của phe nổi dậy con đường vận chuyển then chốt từ quốc gia láng giềng Libăng.

 

Maher Morhej - một chuyên gia chính trị và hiện là người đứng đầu Đảng Thanh niên đối lập - nói với Tân Hoa Xã rằng chính quyền Syria chẳng có vấn đề gì khi phải chờ đợi hội nghị được tổ chức bởi quân đội của chính phủ đang giành được nhiều thành tựu to lớn. Ông nói thêm rằng "người được lợi duy nhất từ việc trì hoãn tổ chức hội nghị này là chính phủ Syria chứ không phải lực lượng nổi dậy."

 

Kể từ khi cuộc khủng hoảng tại Syria nổ ra, phe đối lập luôn trong tình trạng nội bộ bị chia rẽ và tồn tại nhiều khác biệt. Trong khi SNC lưu vong luôn ủng hộ việc nước ngoài can thiệp vào Syria và trang bị vũ khí cho phe nổi dậy, các tổ chức hoạt động bên trong lãnh thổ Syria lại cho rằng phong trào chống ông Assad nên duy trì biện pháp phi bạo lực nhằm thiết lập một quốc gia dân sự dân chủ mới chứ không cần sự can thiệp của nước ngoài.

 

Quân nổi dậy ngày càng trở nên có tổ chức hơn dưới sự dẫn dắt của Mặt trận Nursa vốn có mối quan hệ với tổ chức khủng bố al-Qaeda và những nhóm Hồi giáo khác không tin vào nền dân chủ và tự do mà lại nuôi tham vọng xây dựng một đế chế Hồi giáo. Hơn nữa, các phiến quân Hồi giáo đã công khai nói rằng tổ chức đối lập chính trị SNC không phải là tổ chức đại diện của mình.

 

Các nhà phân tích vẫn đặt câu hỏi về nhân vật đủ tầm ảnh hưởng đối với các nhóm cực đoan để buộc lực lượng này tuân thủ các quyết định được đưa ra sau đàm phán trong trường hợp phe đối lập có thể tổ chức một cuộc đối thoại chính trị.

 

Chuyên gia chính trị Bassam Abdullah - giám đốc một trung tâm nghiên cứu tại Damascus - nói rằng SNC đã từ chối tham dự hội nghị hòa bình quốc tế là do "họ không có chương trình chính trị cụ thể". Ông khẳng định rằng phe đối lập lưu vong luôn đặt cược vào khả năng nước ngoài tiến hành can thiệp quân sự để lật đổ chế độ Assad./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục