Phe đối lập Thái Lan kêu gọi chiếm thêm cơ quan chính phủ

Thủ lĩnh biểu tình chống chính phủ Suthep Thuagsuban xuất hiện trong khuôn viên Bộ Tài chính và hô hào người ủng hộ chống chính phủ đến cùng.
Phe đối lập Thái Lan kêu gọi chiếm thêm cơ quan chính phủ ảnh 1 Biểu tình phản đối Chính phủ tại Bangkok. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Tối 26/11, bất chấp việc bị Tòa án Hình sự Thái Lan chấp thuận lệnh bắt giữ và luật an ninh nội địa đã được áp dụng trên toàn thủ đô Bangkok, thủ lĩnh biểu tình chống chính phủ Suthep Thuagsuban vẫn xuất hiện và phát biểu trước đám đông người biểu tình trong khuôn viên Bộ Tài chính và hô hào hàng nghìn người ủng hộ chống đối chính phủ đến cùng.

Cựu nghị sỹ đảng Dân chủ này tuyên bố tất các luật lệ và trật tự do chính phủ hiện nay áp đặt đều không còn giá trị bởi nhà cầm quyền không thể vừa áp dụng luật pháp và lại bác bỏ quyền lực của Tòa án Hiến pháp.

Tòa án Hiến pháp trước đó đã ra phán quyết khẳng định dự luật sửa đổi hiến pháp do Đảng Vì nước Thái đề xướng là vi hiến. Tuy nhiên, liên minh cầm quyền do đảng này dẫn đầu đã bác bỏ phán quyết của tòa án với lý do sửa đổi hiến pháp là quyền của nghị viện.

Quyết định này đã trở thành một bước ngoặt mới trên chính trường Thái Lan, khiến cho hàng nghìn người lại xuống đường biểu tình.

Ông Suthep Thuagsuban kêu gọi những người biểu tình chiếm giữ thêm các cơ quan chính quyền, các bộ và tòa thị chính trên khắp cả nước để công chức và viên chức phải nghỉ việc và chính phủ sẽ ngừng hoạt động.

Ông này khẳng định dù bất kể chuyện gì xảy ra, những người biểu tình sẽ tiếp tục “chiến đấu” để lật đổ hoàn toàn "chế độ Thaksin," ám chỉ chính phủ hiện nay là do cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra điều khiển.

Trong hai ngày qua, các cuộc biểu tình chống chính phủ tại Bangkok bỗng trở nên rầm rộ và được đánh giá là có quy mô nhất kể từ năm 2010 khi Thái Lan bị cuốn vào những cuộc biểu tình bạo lực của phe áo đỏ khiến hơn 90 người chết.

Những người biểu tình đã xông vào chiếm giữ nhiều trụ sở cơ quan nhà nước, cắt điện nước, đồng thời kêu gọi các viên chức, công chức nghỉ việc để làm tê liệt hoàn toàn bộ máy chính quyền.

Cho tới nay, người biểu tình chống chính phủ đã chiếm thêm các Bộ Nông nghiệp và Hợp tác xã, Bộ Thể thao và Du lịch, Bộ Giao thông và đang bao vây Bộ Nội vụ.

Mục tiêu của những hành động này được lực lượng biểu tình khẳng định là để toàn bộ bộ máy chính quyền phải tê liệt, không hoạt động được vì thiếu tài chính và nguồn nhân lực.

Lực lượng này tuyên bố sau đó sẽ thành lập một “chính phủ của nhân dân để thay đổi các luật lệ hiện nay nhằm tiến tới một chính quyền dân chủ thật sự dưới thể chế quân chủ lập hiến."

Phát biểu trước đám đông người biểu tình, ông Suthep Thuagsuban đã đưa ra sáu điểm cải cách “sau khi chế độ hiện nay bị lật đổ,” đó là: Bầu cử tự do và công bằng, bài trừ nạn tham nhũng, thật sự tôn trọng quyền lực của người dân, xây dựng lại lực lượng cảnh sát, thiết lập luật lệ và quy định mới cho các quan chức chính quyền, xây dựng một chương trình quốc gia cho giáo dục, giao thông và y tế.

Bộ Quốc phòng Thái Lan đã có phản ứng lên án hành động chiếm giữ trụ sở cơ quan công quyền của người biểu tình và cho đó là những hành động phạm pháp, ảnh hưởng tới an ninh và hình ảnh của đất nước.

Trong khi đó, lực lượng cảnh sát khẳng định có đủ thẩm quyền để bắt giữ ông Suthep Thuagsuban sau khi đã có sự phê chuẩn của tòa án hình sự nước này./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục