Phê duyệt quy hoạch tổng thể hai tỉnh Bắc Giang và Thái Nguyên

Tại Quyết định số 269, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội tỉnh Bắc Giang đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030.
Phê duyệt quy hoạch tổng thể hai tỉnh Bắc Giang và Thái Nguyên ảnh 1Nhà máy tuyển quặng sắt tại mỏ sắt Tiến Bộ tại xã Linh Sơn, huyện Đồng Hỷ (Thái Nguyên). (Ảnh: Trọng Đạt/TTXVN)

Tại Quyết định số 269/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội tỉnh Bắc Giang đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030.

Theo Quyết định, quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội tỉnh Bắc Giang đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 phải phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế xã hội của cả nước thời kỳ 2011-2020, quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội vùng trung du và miền núi phía Bắc, quy hoạch vùng thủ đô và thống nhất với quy hoạch các ngành, lĩnh vực.

Phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế, nguồn lực của tỉnh, huy động, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực bên ngoài để phát triển nhanh và bền vững; đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, coi chất lượng, năng suất, hiệu quả, sức cạnh tranh là ưu tiên hàng đầu; tập trung tăng trưởng theo chiều sâu, tạo động lực phát triển để sớm thu hẹp khoảng cách với các tỉnh trong khu vực và cả nước.

Tăng trưởng kinh tế phải kết hợp hài hòa với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; nâng cao không ngừng chất lượng cuộc sống của nhân dân. Phát huy yếu tố con người, coi trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; gắn phát triển kinh tế với giải quyết các vấn đề xã hội và bảo vệ môi trường.

Kết hợp giữa phát triển vùng động lực với vùng trung du và miền núi, hướng tới mục tiêu thu hiệp khoảng cách phát triển giữa các khu vực trong tỉnh Bắc Giang. Phát triển sản xuất với trình độ khoa học, công nghệ ngày càng cao; đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến, công nghệ sạch.

Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế-xã hội với bảo đảm quốc phòng, an ninh, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trên cơ sở củng cố cơ sở vật chất và lực lượng khu vực phòng thủ vững chắc, chủ động trong mọi tình huống.

Phấn đấu đến năm 2020, đưa Bắc Giang nằm trong nhóm các tỉnh đứng đầu về chi tiêu GDP/người của vùng trung du và miền núi phía Bắc và bằng 90-95% mức trung bình cả nước.

Tầm nhìn đến năm 2030 phấn đấu Bắc Giang trở thành tỉnh công nghiệp, có trình độ phát triển trên mức trung bình của cả nước. Nền kinh tế đi lên từ công nghiệp và dịch vụ tiên tiến, phát triển công nghiệp xanh, nông nghiệp sạch, đô thị hiện đại và du lịch văn hóa. Tổ chức không gian khoa học, hệ thống đô thị, khu vực nông thôn phát triển hài hòa, tổ chức sản xuất với các khu, cụm công nghiệp tập trung, dịch vụ phát triển, nông nghiệp chất lượng cao; hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ.

Giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, tạo dựng cho người dân có cuộc sống tốt, mức sống cao. An ninh chính trị, quốc phòng và trật tự an toàn xã hội được bảo đảm. Tốc độ tăng trưởng bình quân đạt khoảng 9,5-10% giai đoạn 2021-2030; thu nhập bình quân đầu người đạt 9.300-9.500 USD, cơ cấu chuyển dịch theo hướng tích cực, khu vực công nghiệp, dịch vụ chiếm khoảng 88,5-89%; xuất khẩu đạt trên 6,5 tỷ USD.

Tại Quyết định số 260/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội tỉnh Thái Nguyên đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030.

Quyết định nêu rõ quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội tỉnh Thái Nguyên đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của cả nước, chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, chiến lược phát triển bền vững Việt Nam, quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội vùng trung du và miền núi phía Bắc; thống nhất với quy hoạch các ngành, lĩnh vực của cả nước.

Trước mắt, đến năm 2020 xây dựng Thái Nguyên trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, là trung tâm của vùng trung du và miền núi phía Bắc về phát triển công nghiệp, dịch vụ, nhất là dịch vụ giáo dục-đào tạo; cơ cấu kinh tế hiện đại, tốc độ tăng trưởng, kinh tế ổn định và bền vững với các sản phẩm chủ lực có sức cạnh tranh cao; hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân không ngừng được nâng cao.

Thực hiện tăng trưởng xanh với mức độ phát thải cácbon giảm dần, tiến tới tạo dựng nền kinh tế xanh, thân thiện với môi trường. Là khu vực phòng thủ vững chắc, địa bàn trọng yếu góp phần giữ vững quốc phòng-an ninh cho cả vùng trung du và miền núi phía Bắc. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt 10-11,0%/năm; GDP bình quân đầu người đạt khoảng 80,0-81 triệu đồng, tương đương 3.100 USD (bằng mức trung bình của cả nước)./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục