Phép thử chính sách ngoại giao của Mỹ với châu Á

Chuyến công du châu Á sắp tới của Tổng thống Mỹ được coi là phép thử quan trọng với chính sách ngoại giao mới hướng tới châu lục này. 
Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ thực hiện chuyến thăm châu Á một tuần từ ngày 13/11 với 4 chặng dừng chân gồm Nhật Bản, Singapore, Trung Quốc và Hàn Quốc.

Chuyến công du diễn ra trong bối cảnh tình hình kinh tế Mỹ vẫn chìm trong khó khăn do khủng hoảng kinh tế-tài chính, thâm hụt ngân sách đạt mức kỷ lục, các bước cải cách trong nước cũng như chính sách đối ngoại được triển khai chậm chạp, chiến lược ở Afghanistan còn bế tắc và cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu chưa mang lại hiệu quả.

Trong khi đó, khu vực châu Á đang thay đổi nhanh chóng cùng với sự gia tăng ảnh hưởng mạnh mẽ của Trung Quốc và những dấu hiệu rạn nứt của quan hệ đồng minh Mỹ-Nhật. Chính vì thế, chuyến công du lần này của ông Obama được dư luận xem như một minh chứng về sự coi trọng châu Á, đặc biệt là Đông Á, trong chính sách đối ngoại của Mỹ, cũng như những thay đổi trong cách tiếp cận của Washington đối với khu vực này.

Thực tế cho thấy các chính quyền tiền nhiệm ở Washington thường đặt trọng tâm chính sách ngoại giao vào Trung Đông, châu Âu, cuộc chiến ở Iraq và Afghanistan, rất ít khi quan tâm tới khu vực Đông Á.

Song, từ khi trở thành ông chủ Nhà Trắng, ông Obama đã thay đổi đường lối đối ngoại đơn phương của chính quyền George Bush tiền nhiệm và tìm cách mở rộng hợp tác với các nước châu Á trên những lĩnh vực có chung lợi ích.

Chính sách cơ bản đối với châu Á của chính quyền Obama là ưu tiên củng cố quan hệ với các đồng minh truyền thống, tiếp cận với Trung Quốc, tiếp xúc với Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên, kiên trì chủ trương phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, tích cực tiếp xúc với các nước Đông Nam Á.

Do đó, chuyến công du của ông Obama được coi là phép thử quan trọng đối với chính sách ngoại giao mới hướng tới châu Á.

Trong bài phát biểu về chính sách của Mỹ dự kiến đọc tại Tokyo (Nhật Bản) nhân chuyến thăm này, ông Obama sẽ nhấn mạnh quyết tâm xây dựng một mối quan hệ vững mạnh hơn về kinh tế, chính trị và chiến lược với tất cả các nước trong khu vực.

Những năm gần đây, châu Á đã nổi lên là một khu vực có các nền kinh tế lớn và phát triển năng động nhất thế giới. Mặc dù không tránh được những tác động mạnh mẽ của “bão” tài chính trong hai năm qua, song các nền kinh tế ở đây đã có những nỗ lực vượt bậc và từng bước ra khỏi khủng hoảng.

Trong báo cáo mới nhất về "Triển vọng kinh tế châu Á-Thái Bình Dương", Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nhận định châu lục này đang dẫn đầu thế giới trong nỗ lực thoát khỏi suy thoái kinh tế và phục hồi mạnh mẽ.

IMF dự báo kinh tế châu Á sẽ đạt tốc độ tăng trưởng ấn tượng 5,75% trong năm 2010, so với mức dự kiến 2,75% cho năm nay. Không những thế, theo giới quan sát, châu Á ngày càng khẳng định được vai trò quan trọng của mình trong việc giải quyết các vấn đề khu vực và quốc tế.

Tại chặng dừng chân đầu tiên ở Nhật Bản, mục tiêu chính của ông Obama là củng cố quan hệ đồng minh truyền thống, đặc biệt vào thời điểm mối quan hệ này có dấu hiệu rạn nứt sau khi có sự thay đổi chính quyền ở đất nước Mặt Trời mọc.

Tân Thủ tướng Nhật Bản Yukio Hatoyama đang tìm cách giảm bớt sự phụ thuộc của Nhật Bản vào Mỹ với các bước đi như chấm dứt sứ mệnh tiếp nhiên liệu của Lực lượng phòng vệ trên biển (MSDF) ở Ấn Độ Dương, xem xét lại sự hiện diện của quân đội Mỹ tại Nhật Bản và dự định chuyển căn cứ quân sự Futenma ra khỏi Okinawa, thậm chí ra khỏi Nhật Bản.

Thái độ có phần lạnh nhạt đó của Tokyo đối với Washington đã ảnh hưởng ít nhiều tới sự tin cậy chiến lược giữa đôi bên.

Tại Singapore, Tổng thống Obama sẽ tham dự hai hội nghị quan trọng là hội nghị cấp cao Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) và hội nghị lần đầu tiên giữa các nhà lãnh đạo Mỹ-ASEAN.

Mặc dù đang trong tình trạng khó khăn vào thời điểm hiện tại do bị khủng hoảng kinh tế-tài chính, nhưng Mỹ lại có một quá trình gắn bó lâu dài với APEC.

Washington hiện vẫn là thị trường quan trọng nhất đối với hàng hóa xuất khẩu của các nước châu Á-Thái Bình Dương. Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đã khẳng định vai trò quan trọng và "không thể thiếu" của Mỹ tại châu Á trong các lĩnh vực như kinh tế, chính trị, an ninh...

Và đương nhiên, Mỹ không thể không quan tâm tới một ASEAN ngày càng năng động. Hội nghị các nhà lãnh đạo Mỹ-ASEAN lần đầu tiên này sẽ chứng tỏ Washington ngày càng coi trọng khu vực này.

ASEAN đang đứng trước triển vọng trở thành trung tâm thương mại toàn cầu do khu vực Đông Nam Á ngày càng thu hút sự quan tâm của các nước trên thế giới thông qua việc thúc đẩy hoạt động tự do thương mại trong khu vực.

Theo các nhà phân tích, sau khi ký Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác (TAC) hồi tháng 7 vừa qua, Mỹ sẽ tìm cách tiếp cận gần hơn với ASEAN để thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại.

Mở rộng quan hệ với Trung Quốc là một mục tiêu quan trọng của ông Obama trong chuyến công du lần này. Quan hệ hợp tác Mỹ-Trung lâu nay vẫn là mối quan hệ khá đặc biệt, vừa là đối tác vừa là đối thủ, vừa hợp tác vừa kiềm chế lẫn nhau.

Quan hệ kinh tế giữa Trung Quốc và Mỹ ngày càng quan trọng trong mối quan hệ tổng thể giữa hai nước. Bất chấp cuộc khủng hoảng kinh tế-tài chính toàn cầu, Mỹ vẫn là bạn hàng lớn của Trung Quốc với kim ngạch thương mại song phương trong 9 tháng đầu năm đạt gần 212 tỷ USD, trong khi Trung Quốc vẫn là nước mua trái phiếu của Mỹ nhiều nhất.

Theo đánh giá của giới phân tích, do sự gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc, mối quan hệ Mỹ-Trung đang có những thay đổi mang tính kết cấu, theo đó tính phi đối xứng đang dần được thay bằng một kiểu quan hệ bình đẳng hơn.

Washington càng nhận thức rõ vai trò quan trọng của Trung Quốc trong việc tham gia giải quyết các vấn đề toàn cầu như khủng hoảng kinh tế, biến đổi khí hậu, vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên, chống khủng bố và tội phạm xuyên quốc gia...

Tuy nhiên, để thúc đẩy hợp tác sâu rộng với Trung Quốc, thách thức của Mỹ là giải quyết những vấn đề còn tồn tại, nhất là những tranh chấp thương mại giữa hai bên.

Trong thời gian tới, nhiều khả năng tranh chấp thương mại giữa hai nước sẽ còn gia tăng, song cả Bắc Kinh và Washington đều cam kết không để những bất đồng đó ảnh hưởng đến quan hệ hợp tác song phương.

Tại chặng dừng chân cuối cùng ở Hàn Quốc, Tổng thống Obama sẽ phải đối mặt với những áp lực ngày càng gia tăng nhằm thúc đẩy Hiệp định tự do thương mại Mỹ-Hàn (FTA).

Trong cuộc gặp Tổng thống Lee Myung-bak, ông Obama có thể sẽ thảo luận vấn đề hạt nhân của Triều Tiên, kế hoạch tăng thêm binh sĩ tới chiến trường Afghanistan và việc xây dựng liên minh cũng như hợp tác song phương.

Rõ ràng, chuyến công du của Tổng thống Obama tới một châu Á đang "trỗi dậy" đang thu hút sự chú ý của dư luận.

Chuyến thăm chắc chắn sẽ nâng tầm quan trọng của châu Á trong chính sách kinh tế và an ninh của Mỹ, song các nhà phân tích nói rằng họ không chờ đợi nhiều ở những kết quả cụ thể và ngay lập tức của chuyến đi này.

Bởi lẽ, để có thể đạt được tiến bộ trong việc thực hiện chính sách mới đối với châu Á, Washington cần có thêm nhiều nỗ lực tích cực, kể cả những nhượng bộ cần thiết trong những vấn đề gai góc trong quan hệ giữa Mỹ với châu lục này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục