Phi công người Anh mắc COVID-19 đã tự ăn uống trên giường bệnh

Hiện sức khỏe bệnh nhân 91 đã cải thiện nhiều, tri giác tỉnh hoàn toàn, sức cơ hồi phục tốt, chỉ còn yếu nhẹ hai chân, phổi cải thiện trên 85%, đã ngưng ôxy, thở khí phòng.
Phi công người Anh mắc COVID-19 đã tự ăn uống trên giường bệnh ảnh 1Các bác sỹ Bệnh viện Chợ Rẫy cạo râu cho bệnh nhân 91. (Ảnh: Bệnh viện Chợ Rẫy)

Chiều 22/6 tại Trung tâm quản lý, điều hành trực tuyến hỗ trợ chuyên môn, chẩn đoán, điều trị COVID-19, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn-Trưởng Tiểu ban Điều trị cùng các thành viên Tiểu ban Điều trị, Hội đồng chuyên môn Bộ Y tế đã hội chẩn tình hình bệnh nhân 91.

Tin vui đặc biệt trong ngày hôm nay đó là bệnh nhân 91 - phi công người Anh đã tự ăn uống trên giường bệnh.

[Bác sỹ Việt Nam với những kỳ tích cứu chữa bệnh nhân COVID-19]

Chỉ chuyển bệnh nhân 91 về nước khi đảm bảo tiêu chuẩn về an toàn

Buổi hội chẩn còn có giáo sư Nguyễn Gia Bình-Tổ trưởng Tổ Hội chẩn chuyên môn chăm sóc, điều trị ca bệnh COVID-19 diễn biến nặng, nguy kịch-Chủ tịch Hội Hồi sức cấp cứu và chống độc Việt Nam.

Ngoài các chuyên gia thuộc lĩnh vực phổi, hô hấp, truyền nhiễm… còn có thêm các chuyên gia phục hồi chức năng.

Tại buổi hội chẩn, bác sỹ Bệnh viện Chợ Rẫy đã báo cáo tình hình BN 91. Hiện sức khỏe bệnh nhân tri giác tỉnh hoàn toàn; sức cơ hồi phục tốt, chỉ còn yếu nhẹ hai chân; phổi cải thiện trên 85%, đã ngưng ôxy, thở khí phòng. Ngày hôm nay bệnh nhân đã tự ăn uống trên giường bệnh.

Theo các chuyên gia, đây là giai đoạn vật lý trị liệu, phục hồi chức năng, chăm sóc vết thương loét và tăng cường dinh dưỡng. Bệnh nhân cần ít nhất 2-3 tuần để phục hồi thể trạng nhằm có thể đi lại an toàn khi di chuyển.

Phát biểu tại buổi hội chẩn, các chuyên gia đề nghị Bệnh viện Chợ Rẫy đo chức năng hô hấp cho bệnh nhân; thực hiện và tăng cường phục hồi chức năng phù hợp; test đi bộ 6 phút, đánh giá mức độ đi lại, phục hồi cho người bệnh. Do bệnh nhân nằm viện lâu ngày, các chuyên gia cũng đề nghị bệnh viện chăm sóc tinh thần cho người bệnh, giảm lo âu và lo lắng cho bệnh nhân; thực hiện các liệu pháp tâm lý, âm nhạc… đối với người bệnh.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn, việc đưa bệnh nhân 91 về nước chỉ thực hiện khi đảm bảo các yêu cầu an toàn đủ sức khỏe ra khỏi phòng hồi sức, an toàn trong quá trình vận chuyển và sự chuẩn bị đón tiếp/tiếp nhận bệnh nhân của bệnh viện phía quê hương đảm bảo an toàn. An toàn trên 3 phương diện: tiếp tục điều trị, phục hồi chức năng; đảo bảo vận chuyển an toàn và liên hệ các cơ sở y tế để tiếp nhận bệnh nhân an toàn và điều trị tốt nhất cho người bệnh.

Đánh giá về tình trạng BN91, theo Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn, hiện giờ bệnh nhân có đủ điều kiện ra khỏi khoa hồi sức tích cực, bệnh nhân có thể hít thở khí trời, phổi bệnh nhân có thể nở ra 85%, tình trạng cơ lực chân tay đã cải thiện đáng kể. Tuy nhiên để đảm bảo điều kiện an toàn tốt nhất cho người bệnh, Tiểu ban điều trị đề nghị Bệnh viện Chợ Rẫy tiếp tục sử dụng các biện pháp hồi sức để nâng cao hơn nữa thể trạng trạng đảm bảo để bệnh nhân có điều tluyện tập hít thở tốt hơn, đảm bảo dinh dưỡng và tăng cường điều trị vết loét tại khoa Hồi sức tích cực.

Phó giáo sư Lương Ngọc Khuê-Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh-Phó Trưởng Tiểu ban Điều trị cho biết bản thân ông đã vào thăm, trò chuyện và động viên bệnh nhân. Nam phi công đã bày tỏ lời cảm ơn đến các y bác sĩ Việt Nam đã tận tình cứu chữa, chăm sóc bệnh nhân.

Theo phó giáo sư Lương Ngọc Khuê, bệnh nhân 91 đã được kết hợp tất các các chuyên khoa chuyên ngành từ nội khoa, ngoại khoa, dinh dưỡng, phục hồi chức năng, y học cổ truyền để giúp phục hồi nhanh nhất cho người bệnh.

Giáo sư Nguyễn Gia Bình chia sẻ: “Trải qua 96 ngày, rất nhiều lần chúng ta hết hy vọng về bệnh nhân nhưng bằng trí tuệ tập thể, đặc biệt là sự cố gắng của đội ngũ điều trị trực tiếp của bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh, Bệnh viện Chợ Rẫy. Thành công đến thời điểm này không chỉ cứu sống bệnh nhân mà đó còn là thể hiện tính nhân văn của chúng ta trong chăm sóc sức khỏe cho bệnh nhân người nước ngoài.”

Cũng tại buổi hội chẩn, phó giáo sư Lương Ngọc Khuê cũng đề nghị Bệnh viện Chợ Rẫy cử 1 đội cơ động phản ứng nhanh xuống Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu hỗ trợ quản lý, điều trị các bệnh nhân dương tính là công dân Việt Nam trở về nước đang điều trị tại đây.

Phi công người Anh mắc COVID-19 đã tự ăn uống trên giường bệnh ảnh 2

Thêm 1 ca được công bố khỏi bệnh

Chiều 22/6, Bộ Y tế thông báo trong ngày không ghi nhận thêm trường hợp mắc mới bệnh COVID-19.

Như vậy, đến nay Việt Nam vẫn ghi nhận 249 trường hợp mắc bệnh COVID-19, trong đó có 328 trường hợp đã khỏi bệnh, chưa có trường hợp nào tử vong. Số ca âm tính lần 1 với SARS-CoV-2: 3 ca. Số ca âm tính lần 2 trở lên với SARS-CoV-2: 3 ca.

Tính từ 6 giờ ngày 16/4 đến 18 giờ ngày 22/6 là 67 ngày Việt Nam không có ca lây nhiễm trong cộng đồng.

Tính đến 18 giờ ngày 22/6, Việt Nam có tổng cộng 209 ca nhiễm nhập cảnh được cách ly ngay.

Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly): 6.519 người, trong đó cách ly tập trung tại bệnh viện: 74 người, cách ly tập trung tại cơ sở khác: 5.653 người, cách ly tại nhà/nơi lưu trú: 792 người.

Về tình hình điều trị: Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, trong ngày có thêm bệnh nhân 329 (Nam, 22 tuổi, quốc tịch Việt Nam) được công bố khỏi bệnh tại Bệnh viện Dã chiến Củ Chi.

Bệnh nhân 329 vào viện ngày 5/6. Quá trình điều trị bệnh nhân đã có 3 lần xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2, lần 1 vào ngày 17/6, lần 2 vào ngày 19/6 và lần 3 vào ngày 21/6.

Trường hợp trên sẽ tiếp tục được cách ly và theo dõi sức khỏe trong 14 ngày tiếp theo./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục