Phí trông xe ở Hà Nội: Phép vua có thua… lệ làng

Tình trạng "loạn thu phí" trông, giữ xe ở Hà Nội vẫn chưa có dấu hiệu lắng xuống mà phức tạp hơn, trở thành bức xúc trong dư luận.
Để xiết chặt và chấn chỉnh việc tự ý nâng phí trông, giữ xe trên địa bàn thành phố, thời gian qua, Hà Nội đã tiến hành nhiều biện pháp cũng như ban hành hàng loạt quyết định về phí và lệ phí đối với loại hình kinh doanh này.

Thế nhưng, tình trạng "loạn thu phí" vẫn chưa có dấu hiệu lắng xuống mà phức tạp hơn, trở thành bức xúc trong dư luận...

“Té nước theo mưa”

Quá nửa trong tổng số 64 điểm trông giữ xe đạp, xe máy tại các danh lam thắng cảnh, chợ, bệnh viện, trường học trên địa bàn Hà Nội qua kiểm tra đã phát hiện vi phạm như: sử dụng chứng từ tự chế, thu phí cao hơn mức quy định; chưa niêm yết giá thu phí hoặc đã tiến hành niêm yết nhưng chưa đúng quy định; không sử dụng vé trông giữ do cơ quan thuế phát hành.

Đoàn kiểm tra đã nhắc nhở 17 điểm giữ xe và xử phạt vi phạm hành chính 47 tổ chức, cá nhân với tổng số tiền lên tới gần 260 triệu đồng. Nhưng theo báo cáo mới nhất vào quý 2/2011 của Sở Tài chính thành phố Hà Nội về công tác kiểm tra việc chấp hành pháp lệnh phí và lệ phí trên địa bàn Thủ đô, nhiều điểm trông giữ xe bị xử phạt vi phạm hành chính nhiều lần vẫn tiếp tục tái phạm.

Điển hình trong các đối tượng “phớt” luật là các điểm trông giữ xe tại các bệnh viện và chung quanh khu vực này như Bệnh viện Phụ sản Trung ương, Bệnh viện Việt-Đức, Bệnh viện hữu nghị Việt Nam-Cuba, Bệnh viện răng hàm mặt Trung ương… với mức thu cao gấp đôi, gấp ba so với mức phí quy định. Vi phạm cũng diễn ra ở cả các bãi trông giữ xe theo hình thức khoán quản - mô hình kiểu mẫu được Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội triển khai thí điểm vào năm 2009 - với phí cao hơn quy định cả chục lần.

Báo cáo từ Sở Tài chính Hà Nội cũng “khớp” với phản ánh của dư luận là hiện nay, tình trạng “loạn thu phí” diễn ra phổ biến ở hầu hết các điểm trông giữ xe trên địa bàn thành phố. Thậm chí, một số cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp nhà nước cũng tự ý thu phí trông giữ xe và nâng phí cao hơn so với quy định như Chi cục thuế quận Cầu Giấy, Ủy ban Nhân dân phường Bạch Mai, Ủy ban nhân dân phường Tương Mai… vốn là những nơi mà "Quy chế văn hóa công sở tại các cơ quan hành chính Nhà nước" do Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 2/8/2007 đã quy định rõ: "Cơ quan có trách nhiệm bố trí khu vực để phương tiện giao thông của cán bộ, công chức, viên chức và của người đến giao dịch, làm việc. Không thu phí gửi phương tiện giao thông của người đến giao dịch, làm việc."

Đáng nói hơn là tại thời điểm này Sở Tài chính Hà Nội cũng rục rịch “té nước theo mưa” khi “đòi” tăng phí với lý do “đề nghị Ủy ban Nhân dân thành phố báo cáo Bộ Tài chính xin được điều chỉnh mức thu phí trông giữ xe hiện nay vì mức phí này quá thấp không còn phù hợp với tình hình giá cả hiện nay.

Nhận diện vi phạm

Tiến hành khảo sát hàng loạt các điểm, bãi gửi xe ở địa bàn Hà Nội mới thấy, không quá khó để nhận diện nguyên nhân dẫn đến việc bất chấp quy định, ngang nhiên vi phạm của các chủ bãi trông, giữ xe ở Thủ đô.

Hiện nay, nhu cầu mặt bằng sử dụng cho hoạt động trông giữ xe đạp, xe máy trên địa bàn Hà Nội, nhất là một số quận, huyện như Tây Hồ, Hoàn Kiếm, Hà Đông... rất lớn và ngày một gia tăng nhưng hạ tầng kỹ thuật lại không được đầu tư thêm. Hơn nữa, đây là loại hình kinh doanh đòi hỏi ít vốn đầu tư nhưng đem lại “siêu lợi nhuận” nên vài năm gần đây, giá thầu liên tục tăng cao như tại Bệnh viện Đa khoa Hà Đông năm 2009 là 52 triệu đồng/tháng; năm 2010, giá trúng thầu lên tới 150 triệu đồng/tháng. “Nước lên thuyền lên,” người trúng thầu buộc phải tự điều chỉnh mức phí cao hơn so với quy định của Nhà nước.

Vi phạm ngang nhiên như vậy nhưng chế tài xử phạt cho các vi phạm lại quá nhẹ, chưa đủ sức răn đe khi người vi phạm chỉ bị phạt 750.000đ đối với trường hợp vi phạm lần 1, phạt 1 triệu đồng nếu tái phạm.

Việc buông lỏng quản lý của liên ngành Giao thông vận tải, Sở Tài chính, Chi Cục thuế, các đơn vị xã, phường và các công ty quản lý bãi trông giữ xe cũng khiến tình trạng "nhờn luật" trở nên phổ biến.

Trao đổi với phóng viên, Phó Giám đốc Sở Tài chính Phùng Thị Hồng Hà thẳng thắn thừa nhận, thực tế hiện nay, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về việc trông giữ xe còn khá nhiều hạn chế, nên vẫn tồn tại các sai phạm trên địa bàn mà chưa bị xử lý kịp thời. Trong khi đó, sự im lặng không phản ứng của người dân cũng phần nào tiếp tay cho cá nhân, tổ chức tự ý nâng giá.

“Qua mỗi đợt kiểm tra của chúng tôi tình hình có giảm nhưng không nhiều. Đoàn của Sở đi kiểm tra phát hiện sai phạm, lập biên bản xử phạt, chủ bãi chấp thuận nộp tiền nhưng ngay sáng hôm sau quay lại vẫn tiếp tục tái phạm. Để xảy ra tình trạng các bãi xe thu quá giá quy định, nguyên nhân chủ yếu là do chính quyền địa phương chưa thật sự quan tâm và làm chưa nghiêm. Bên cạnh đó, mức xử phạt vẫn còn nhẹ, do vậy chủ bãi gửi xe sẵn sàng chấp nhận nộp phạt vi phạm, bởi lẽ chỉ sau vài ngày thu phí cao hơn so với quy định là họ bù lại được số tiền nộp phạt cho nhà nước,” bà Hà cho biết.

Trị "bệnh" tận gốc!


Trước tình trạng vi phạm về việc thu phí, lệ phí và niêm yết giá trông giữ xe diễn ra phổ biến, gây bức xúc dư luận, mới đây Sở Tài chính Hà Nội đã kiến nghị thành phố một số giải pháp chấn chỉnh mạnh tay, triệt để. Theo đó, yêu cầu cấp quận, huyện tăng cường công tác thanh, kiểm tra một cách thường xuyên hơn nữa, thực hiện kiểm tra đột xuất theo chỉ đạo của Ủy ban Nhân dân thành phố, xử lý vi phạm theo thẩm quyền, thu hồi giấy phép sử dụng hè đường để trông giữ xe đối với tổ chức, cá nhân vi phạm nhiều lần.

Đối với các địa bàn có điểm trông giữ xe nhiều lần vi phạm, Chủ tịch ủy ban quận, huyện, thị xã, phường, xã, thị trấn phải chịu trách nhiệm trước thành phố về những vi phạm đó.

Với các đối tượng “phớt” luật là các điểm trông giữ xe tại Bệnh viện mắt, Bệnh viện Phụ sản Trung ương, Bệnh viện E, Bệnh viện tai mũi họng Trung ương và các trường đại học như Đại học Công đoàn, Đại học Nông nghiệp, Học viện Bưu chính viễn thông, phải kiểm điểm trách nhiệm, tăng cường quản lý hơn nữa trong việc để xảy ra vi phạm tại các điểm trông giữ xe thuộc thẩm quyền.

Cùng với sự mạnh tay của Sở Tài chính, Cục thuế thành phố Hà Nội cũng khẩn trương chỉ đạo toàn bộ 29 chi cục thuế các quận, huyện, thị xã tổ chức rà soát, kiểm tra các tổ chức, cá nhân sử dụng vé theo đúng quy định.

Giữa tháng 5, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm kinh tế Công an thành phố Hà Nội cũng đã ra quân kiểm tra, xử lý các điểm trông xe thu phí trái với quy định trên địa bàn Hà Nội theo Quyết định 25/UBND ngày 9/1/2009 quy định về giá trông giữ xe đạp, xe máy và ôtô.

Phối hợp với các ngành trên, Sở Giao thông Vận tải cũng kiểm tra các điều kiện để chấp thuận cho cấp quận, huyện được cấp phép trông giữ xe, rà soát lại các điểm trông giữ xe theo thẩm quyền, các trường hợp vi phạm đến lần thứ 3 sẽ bị thu hồi giấy phép./.

Anh Tùng (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục