Phiên chợ “mua may, bán rủi” đầu năm độc đáo nhất vùng Bắc Bộ

Chợ Viềng Nam Định - phiên chợ “mua may, bán rủi” đầu năm độc đáo được tổ chức định kỳ vào đêm mùng 7 rạng sáng mùng 8 tháng Giêng âm lịch luôn tấp nập du khách thập phương.
Phiên chợ “mua may, bán rủi” đầu năm độc đáo nhất vùng Bắc Bộ ảnh 1Người mua chọn cây cảnh tại chợ Viềng Nam Định. (Ảnh: Minh Đức/TTXVN)

Cứ vào đêm mùng 7 rạng sáng mùng 8 tháng Giêng hàng năm, người dân khắp nơi lại nô nức rủ nhau về Nam Định đi chợ Viềng.

Phiên chợ đầu năm này như một cách khai mở cho những chuyến du Xuân ở miền đất của những lễ hội bởi từ lâu trong tâm thức của nhiều người, đi chơi chợ Viềng chính là đi hội, đi “ mua may , bán rủi ” cầu lành, mua “lộc.”

Phiên chợ “mua may-bán rủi” duy nhất ở vùng Bắc Bộ

Không giống với sự xô bồ của những phiên chợ thông thường, chợ Viềng là phiên chợ “thiêng.” Dù là kẻ mua hay người bán, ai ai đặt chân đến chợ đều không đặt nặng lời lãi mà chỉ mong “mua may, bán rủi” để cho năm mới được thuận lợi, bình an.

Chợ bán những mặt hàng đặc trưng như cây cảnh, đồ cổ, đồ cũ, công cụ nhà nông.

Tại vùng đồng bằng Bắc Bộ, đại đa số người dân làm ruộng hay buôn bán đầu năm đều cố gắng đi chợ Viềng.

Không chỉ người Nam Định mà du khách từ khắp nơi đều đổ về chợ Viềng. Các hộ làm nghề buôn bán thì mong cầu mua may, bán may. Các hộ nông dân thuần túy thì mua cây giống, con giống, cầu cho mưa thuận gió hòa, nuôi trồng phát đạt...

Nam Định có nhiều chợ Viềng, trong đó chợ Viềng Nam Giang, hay còn gọi là chợ Viềng Chùa (thuộc thị trấn Nam Giang, huyện Nam Trực) là nơi có chùa Đại Bi thờ Thiền sư Từ Đạo Hạnh; chợ Viềng Kim Thái với tên khác là chợ Viềng Phủ (thuộc xã Trung Thành, huyện Vụ Bản) gắn liền với quần thể Di tích Phủ Dầy thờ Thánh mẫu Liễu Hạnh.

Ở Nam Định, dân gian vẫn lưu truyền câu ca “Hai mươi phát tấu chùa Bi/Trai đi được vợ, gái đi được chồng.” Người người tới chùa Bi để cầu duyên, cầu phúc, cầu bình an không chỉ riêng đầu Năm mới.

Ở chùa Bi mỗi dịp hội Xuân còn có trò hát rối đầu gỗ hầu thánh, là một hình thức sinh hoạt văn hóa tâm linh độc đáo, vừa mang yếu tố tín ngưỡng vừa mang tính giáo dục về đạo đức lối sống cho mọi người.

Cùng có những mặt hàng như nhau, nhưng chợ Viềng Phủ lại gắn với quần thể Di tích Phủ Dầy với hơn 20 đền, phủ, chùa, lăng trải đều trong một không gian đẹp với cảnh quan thiên nhiên phong phú.

Phiên chợ “mua may, bán rủi” đầu năm độc đáo nhất vùng Bắc Bộ ảnh 2Du khách mua nông cụ tại chợ Viềng. (Ảnh: Văn Đạt/TTXVN)

Nơi đây nổi tiếng khắp cả nước là một trung tâm tiêu biểu của tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ, Tứ phủ của người Việt với vị thần chủ là Thánh Mẫu Liễu Hạnh, đặc trưng tín ngưỡng thể hiện ý thức nhân sinh, cội nguồn dân tộc đồng thời hướng tới lòng từ bi, bác ái.

Đến với chợ Viềng Phủ, mọi người không chỉ đi chơi chợ mà còn có cơ hội sống trong không gian thiêng của Phủ Dầy, được thưởng ngoạn nghi lễ chầu văn-một phần của tín ngưỡng thờ Mẫu, với sự kết hợp nhiều yếu tố văn hoá truyền thống như trang phục, âm nhạc, múa thiêng kết hợp một cách nghệ thuật được trình diễn tại chốn thờ tự của đạo Mẫu.

Trái ngược với sự trang nghiêm, thành kính trong chốn thờ tự, bước chân ra ngoài không gian chợ sau khi vào lễ chùa, lễ phủ, du khách sẽ cảm nhận được ngay vẻ tấp nập, huyên náo và rộn ràng của một trong những phiên chợ đặc biệt nhất Việt Nam.

Người đi chợ Viềng không ai muốn ra về tay không, bởi thế mọi người đều cố gắng lựa chọn lấy một món đồ ưng ý trong vô số các mặt hàng đủ các chủng loại tại chợ. Trong quan niệm của nhiều người, đây chính là một cách đơn giản để mua “lộc,” rước “lộc” về nhà.

Các loại cây cảnh, cây giống là những mặt hàng hút khách nhất ở chợ Viềng. Đó có thể là những cây cảnh được uốn tỉa tạo dáng cầu kỳ như sanh, si hay là những chậu hoa đỗ quyên, đồng tiền... nhỏ xinh, mang lại những màu sắc tươi tắn và dễ trưng bày.

Anh Nguyễn Thanh Hải, một chủ hàng bán cây giống ở chợ Viềng Nam Giang cho biết, đã từ Thái Bình sang Nam Định từ sáng mùng 6 Tết Nguyên đán để chuẩn bị cho việc bán hàng. Cây giống của chủ yếu là cây ăn quả có chất lượng tốt, sức sống cao được lựa chọn từ những vườn ươm uy tín. Giá mỗi cây tùy chủng loại , giao động từ vài chục đến vài trăm ngàn đồng.

Bưng trên tay một chậu địa lan, chị Phùng Thị Hương, một du khách đến từ Hải Phòng hồ hởi: "Cây hoa nhài tôi mua năm ngoái ở chợ Viềng đến nay vẫn nở nhiều bông rất đẹp. Năm nay, tôi quyết định mua thêm khóm lan này về bổ sung cho vườn hoa nhỏ sau nhà cũng là mua 'lộc' lấy may."

Phiên chợ “mua may, bán rủi” đầu năm độc đáo nhất vùng Bắc Bộ ảnh 3Thịt bò là mặt hàng bán đắt khách ở chợ Viềng. (Ảnh: Văn Đạt/TTXVN)

Tiễn những điều không may mắn trong năm cũ, rước về nhà niềm hạnh phúc và an bình chính là những niềm tin mà phiên chợ Viềng đem lại cho những khách du Xuân, để mỗi dịp đầu Năm mới, chợ Viềng Nam Định lại chào đón hàng vạn khách hành hương.

Phiên chợ Viềng năm Bính Thân đã thu hút khoảng 5-7 vạn người từ khắp nơi tham dự.

Tràn lan các dịch vụ "chặt chém" du khách

Tuy nhiên bên cạnh ý nghĩa văn hóa tâm linh độc đáo của phiên chợ, vẫn còn xuất hiện không ít các biểu hiện lợi dụng thời điểm đông người, các dịch vụ ăn theo cũng tranh thủ "chặt chém" du khách.

Ngay từ đêm 14/2, các ngả đường dẫn về chợ Viềng huyện Vụ Bản đã hết sức đông đúc. Các loại xe ôtô không thể di chuyển mà buộc phải vào các bãi đỗ xe hoặc dừng, đỗ ngoài đường cách khu vực chợ khá xa. Đây là cơ hội thuận lợi để cánh xe ôm hoạt động.

Khi thấy khách đi bộ dọc đường hay các đoàn khách xuống xe ôtô, ngay lập tức có từ 3-4 xe ôm chạy theo chào mời. Du khách thường phải trả từ 30.000-100.000 đồng cho quãng đường 5-10km để tới được chợ Viềng.

Các chủ xe ôm tiết lộ, mỗi người có thể có thu nhập tới hơn 1.000.000 đồng trong dịp chợ Viềng, đó là lý do vào dịp này trong năm, có hàng trăm người tham gia dịch vụ xe ôm.

Cùng với đó, dịch vụ trông giữ xe cũng khá nhộn nhịp. Dọc Quốc lộ 10 đoạn qua thị trấn Gôi xuống đến xã Trung Thành (huyện Vụ Bản) mọc lên vô số các điểm trông giữ xe tự phát.

Người dân nơi đây đã tận dụng tối đa các khoảng trống trong nhà, ngoài sân để làm điểm giữ xe. Trên vé không ghi giá nhưng phí gửi xe máy dao động từ 20.000-30.000 đồng/xe, ôtô từ 50.000-100.000 đồng/xe.

Anh Lê Ngọc Lâm ở huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình cho biết do lượng người và phương tiện quá đông nên buộc phải gửi xe bên ngoài để đi bộ vào, nhưng sau khi gửi xe thực sự không yên tâm vì trên vé không thấy ghi đơn vị chủ quản cũng không ghi rõ giá trông xe.

Dù chính quyền địa phương đã nỗ lực hạn chế tình trạng ăn xin tại các lễ hội vì để lại hình ảnh phản cảm trong lòng du khách gần xa. Tuy nhiên, tranh thủ thời điểm đông người, tại khu vực chùa Tiên Hương, Phủ Dầy, chợ Viềng vẫn xuất hiện nạn ăn xin gồm cả các cụ già, trẻ nhỏ ngồi vật vạ dọc đường để xin tiền gây phiền hà cho mọi người.

Chị Đỗ Thị Nga du khách đến từ tỉnh Thanh Hóa cho rằng, dù cho những người ăn xin có nghèo khó thật đi chăng nữa nhưng giữa thời tiết lạnh giá mà đưa cả trẻ con đi xin là không thể chấp nhận được.

Do lượng người, phương tiện đổ về chợ Viềng tăng đột biến từ chiều 14-15/2 gây ảnh hưởng không nhỏ đến giao thông trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ trên địa bàn tỉnh nên Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ-đường sắt Công an tỉnh Nam Định phối hợp với công an các huyện, thành phố đã huy động tối đa lực lượng tham gia điều tiết giao thông; thành lập 12 chốt kiểm soát tại các ngã ba, ngã tư để phân luồng phương tiện và 8 tổ tuần tra cơ động trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ để đảm bảo trật tự an toàn giao thông trong dịp lễ hội.

Năm nay, với sự nỗ lực của lực lượng chức năng tỉnh Nam Định, đến hơn 23 giờ ngày 14/2 dù lượng người và phương tiện vẫn tiếp tục kéo về chợ Viềng song giao thông trên Quốc lộ 10 và các khu vực xung quanh chợ vẫn được đảm bảo./. 

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục