Phiên đàm phán thứ tư EVFTA - Đề ra lộ trình cụ thể

Việt Nam-Liên minh châu Âu khẳng định quyết tâm đẩy nhanh tiến độ đàm phán để đạt được kết quả tích cực, đáp ứng kỳ vọng của 2 bên.
Chiều 5/7, phiên đàm phán thứ tư Hiệp định tự do thương mại Việt Nam-Liên minh châu Âu (EVFTA) - diễn ra từ ngày 1-5/7 tại Brussels, Bỉ, đã kết thúc.

Tại phiên đàm phán lần này, hai bên đã thúc đẩy thảo luận trong tất cả các lĩnh vực và đạt tiến bộ tích cực trên cơ sở cân bằng lợi ích của cả Liên minh châu Âu (EU) và Việt Nam.

Đoàn Việt Nam do Thứ trưởng Bộ Công Thương, Trưởng đoàn Đàm phán Chính phủ về kinh tế và thương mại quốc tế, Trần Quốc Khánh dẫn đầu cùng đại diện các Bộ, ngành liên quan đã tham dự phiên đàm phán.

Phái đoàn phía EU do Vụ trưởng vụ Đông Âu, châu Á và châu Đại dương thuộc Tổng vụ Thương mại, nhà đàm phán FTA chính của EU Mauro Petriccone, dẫn đầu.

Phiên đàm phán diễn ra ở cấp Trưởng đoàn, Phó đoàn và 12 nhóm đàm phán, gồm thương mại hàng hóa, thương mại dịch vụ, đầu tư, hợp tác hải quan, SPS, TBT, cạnh tranh, phát triển bền vững, pháp lý-thể chế..., trong không khí thẳng thắn, cởi mở và hợp tác.

Hai Trưởng đoàn đánh giá cả Việt Nam và EU đều đã có sự chuẩn bị tốt cho phiên đàm phán thứ tư này, coi đây là cơ sở để đẩy nhanh đàm phán, đặc biệt trong các lĩnh vực quan trọng như thương mại hàng hóa, thương mại dịch vụ, đầu tư, sở hữu trí tuệ, mua sắm chính phủ.

Trên cơ sở dự thảo lời văn tổng hợp đã thống nhất tại các phiên trước, hầu hết các nhóm tiếp tục thảo luận chi tiết nhằm hướng tới thống nhất các lời văn này.

Các chuyên gia đàm phán của Việt Nam và EU tiếp tục trao đổi, làm rõ hơn quan điểm, cách tiếp cận của mình trong các lĩnh vực cụ thể, đồng thời giới thiệu chi tiết hơn nữa hệ thống chính sách, quy định liên quan của mỗi bên để giải thích các đề xuất, văn bản của mình.

Bên cạnh đó, hai bên đã tiếp tục thảo luận các nội dung về bản chào mở cửa thị trường trong một số lĩnh vực.

Kết thúc phiên đàm phán này, hai bên đã đạt được hiểu biết sâu sắc về quan điểm, cách tiếp cận, mức độ mong muốn của đối tác, tạo tiền đề vững chắc cho việc tìm kiếm giải pháp nhằm giảm thiểu tối đa khác biệt, hướng tới thống nhất các nội dung phức tạp phù hợp với thực tiễn, năng lực của mỗi bên. Đây cũng là cơ sở quan trọng để hai bên tiếp tục tham vấn trong nước, tiến tới đàm phán sâu và chi tiết hơn nữa trong phiên tiếp theo.

Trước đó, tại phiên khai mạc, Trưởng đoàn đàm phán Việt Nam và EU đã cùng tái khẳng định tầm quan trọng của Hiệp định EVFTA đối với cả hai phía và khẳng định quyết tâm đẩy nhanh tiến độ đàm phán để đạt được kết quả tích cực, đáp ứng kỳ vọng của cả hai bên.

Đánh giá về phiên đàm phán thứ tư tại Brussels, ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ chính sách thương mại đa phương, Bộ Công Thương, cho biết: "Đây là phiên đàm phán rất quan trọng nhằm tìm hiểu sự khác biệt cơ bản về lợi ích của hai bên là ở những điểm nào và, trên cơ sở đó, hai bên có thể đề ra một lộ trình làm việc cụ thể để tiến tới đáp ứng và hài hòa được lợi ích cơ bản của nhau.”

Ông nhấn mạnh hai bên đã tích cực xác định những vấn đề chủ chốt cần giải quyết trong quá trình đàm phán, và quan trọng hơn là tìm ra hướng đi cho lộ trình để hai bên giải quyết những vấn đề được đặt ra, đồng thời ông cho biết có những vấn đề đàm phán hết sức khó khăn, song cũng có những vấn đề có thể giải quyết nhanh hơn, do đó việc đề ra lộ trình là rất quan trọng.

Về kế hoạch chuẩn bị cho phiên đàm phán sắp tới tại Hà Nội, ông Thái cho biết hai bên đã cùng nhau xác định được lộ trình cơ bản, hay nói cách khác là những bước cần thực hiện đối với nhóm các nội dung quan trọng nhất mà hai bên cần phải giải quyết trong quá trình đàm phán Hiệp định.

Ông nói: "Phiên đàm phán tới sẽ là phiên đầu tiên để xem xét lộ trình hay những bước đi mà hai bên đề ra có hợp lý hay không, từ đó có sự cân đối và điều chỉnh để đạt được tiến bộ tối đa trong quá trình đàm phán. Đối với một số nhóm nội dung quan trọng nhất, hai bên đã xác định được những công việc cần chuẩn bị từ nay cho đến phiên đàm phán tới, thậm chí có thể cấp chuyên gia hai bên sẽ gặp nhau trước khi đàm phán để giải quyết sơ bộ một số vấn đề trước khi chính thức đi vào đàm phán.”

Ông Thái nhấn mạnh: "Do các vấn đề đàm phán đã đi vào thực chất, ngoài quá trình đàm phán ở cấp kỹ thuật sẽ có một quá trình tham vấn rộng hơn. Khi phía EU tới Hà Nội làm việc, chúng tôi sẽ bố trí để họ gặp gỡ đầy đủ các cơ quan hữu quan của Việt Nam để phía EU hiểu được phía Việt Nam rõ hơn. Chúng tôi cũng sẽ xác định nhóm nào cần đàm phán trực tiếp ở cấp trưởng nhóm và hy vọng phiên tới sẽ xác định được lộ trình được đặt ra có khả thi hay không và từ kết quả cụ thể đó hai bên cùng điều chỉnh tiến độ trong đàm phán cho phù hợp nhất, tìm ra cách tiếp cận chung để hướng tới xác định lợi ích chung rộng nhất giữa hai bên khi giải quyết các vấn đề trong đàm phán."

Hai bên dự kiến phiên đàm phán lần tới sẽ được tổ chức vào tháng 11/2013 tại Hà Nội, và nếu thấy cần thiết một số nhóm chuyên gia sẽ gặp nhau trước vào tháng Chín.

EU hiện là đối tác thương mại lớn thứ hai của Việt Nam và là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Đặc điểm nổi bật trong cơ cấu xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và EU là tính bổ sung rất lớn, ít mang tính cạnh tranh đối đầu trực tiếp.

Năm 2012, tổng kim ngạch hai chiều giữa Việt Nam và EU đạt 29,1 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu sang EU đạt 20,3 tỷ USD và nhập khẩu từ EU đạt 8,8 tỷ USD.

Các nhóm hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang EU là giày dép, hàng dệt may, càphê, đồ gỗ, hải sản. EU cũng là nhà đầu tư lớn vào Việt Nam, tính đến hết tháng 1/2013, EU có 1810 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam với tổng vốn đăng ký khoảng 34,28 tỷ USD.

Các nhà đầu tư EU đã có mặt tại hầu hết các nghành kinh tế quan trọng của Việt Nam, tập trung nhiều nhất vào công nghiệp, xây dựng và một số ngành dịch vụ./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục