Phiên điều trần về chất độc da cam tại VN thành công

Phiên điều trần sẽ giúp nghị sĩ Mỹ có thêm thông tin để giải quyết các vấn đề về nạn nhân chất độc da cam/dioxin tại Việt Nam.
Hạ nghị sĩ Mỹ Eni F. H. Faleomaveaga nhận định rằng phiên điều trần về chất độc da cam/dioxin tại Việt Nam do Tiểu ban châu Á-Thái Bình Dương và Các vấn đề về môi trường toàn cầu thuộc Ủy ban Đối ngoại của Hạ viện Mỹ tổ chức tại thủ đô Washington ngày 15/7 đã thành công.

Trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN tại Mỹ về đánh giá kết quả phiên điều trần, Hạ nghị sĩ Faleomaveaga, Chủ tịch tiểu ban trên, nêu rõ những bài phát biểu cũng như những câu trả lời mà ông Matthew Palmer, quyền Phó Trợ lý Ngoại trưởng phụ trách các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ, và tiến sĩ John Wilson, Giám đốc Văn phòng Hỗ trợ kỹ thuật của Bộ phận phụ trách các vấn đề châu Á và Trung Đông thuộc Cơ quan Phát triển quốc tế của Mỹ, đưa ra tại phiên điều trần sẽ giúp nghị sĩ Mỹ có thêm thông tin về sự hợp tác giữa hai nước trong việc giải quyết các vấn đề liên quan tới nạn nhân chất độc da cam/dioxin tại Việt Nam để qua đó, các nhà lập pháp Mỹ có thể nghiên cứu việc tài trợ liên quan.

Hạ nghị sĩ Faleomaveaga, người đề xuất và điều hành cả ba phiên điều trần của Quốc hội Mỹ về vấn đề da cam/dioxin của Việt Nam (lần thứ nhất vào tháng 5/2008 và lần thứ hai vào tháng 6/2009), khẳng định bài phát biểu của bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng, Phó Chủ tịch Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin của Việt Nam, tại phiên điều trần đã cung cấp rất nhiều thông tin khoa học.

Tại phiên điều trần, chị Trần Thị Hoan, nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam, đã cung cấp những thông tin về cuộc sống hiện tại của các nạn nhân chất độc này tại Việt Nam cũng như nhu cầu của họ đối với cộng đồng quốc tế; qua đó sẽ khiến người dân Mỹ nói chung và các nghị sĩ Mỹ nói riêng quan tâm hơn tới tác hại của chất độc da cam/dioxin.

Trong phiên điều trần, quyền Phó Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ, ông Palmer nhấn mạnh: "Trong những năm qua, Mỹ đã làm việc cùng Việt Nam để đảm bảo rằng các hoạt động của Mỹ về chất độc da cam/dioxin thống nhất với các mục tiêu của Việt Nam về môi trường và sức khỏe. Sự hợp tác này đã đưa hai nước lại gần nhau hơn trong việc loại bỏ hoàn toàn chất độc da cam/dioxin tại sân bay Đà Nẵng và đã cho phép Mỹ cung cấp sự trợ giúp thiết thực tới những người bị tổn thương."

Theo ông Palmer, chất độc da cam/dioxin lâu nay là một chủ đề tế nhị trong quan hệ Mỹ-Việt và trước đây có một số rào cản để đạt được sự nhất trí giữa hai nước trong việc hợp tác như thế nào và hợp tác trên lĩnh vực nào. Tuy nhiên, ông khẳng định giờ đây hai nước đang chuyển từ đối thoại tới những cải thiện thực chất về môi trường và sức khỏe của người dân Việt Nam.

Quyền Phó Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ khẳng định: "Chính phủ Mỹ đã thể hiện cam kết vững chắc trong việc hợp tác để tìm được một giải pháp cho những quan ngại kéo dài này và để đảm bảo tiếp tục cải thiện mối quan hệ Mỹ-Việt."

Văn bản của Cơ quan Nghiên cứu Quốc hội gửi Tiểu ban châu Á-Thái Bình Dương và Các vấn đề về môi trường toàn cầu nhân phiên điều trần lần thứ ba này viết rằng kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao với Mỹ từ 15 năm trước, Chính phủ Việt Nam đã đề nghị Mỹ cung cấp viện trợ liên quan tới chất độc da cam/dioxin. Tuy nhiên, ban đầu Washington đã chối bỏ mọi trách nhiệm pháp lý trong việc viện trợ và yêu cầu Việt Nam phải khẳng định mức độ của các vấn đề sức khỏe và môi trường liên quan tới chất độc da cam/dioxin.

Theo cơ quan này, quan điểm trên của Washington đã khiến quan hệ Mỹ-Việt căng thẳng, mặc dù chưa đến mức ảnh hưởng lớn tới việc mở rộng quan hệ ngoại giao, kinh tế và quân sự.

Phát biểu tại phiên điều trần, tiến sĩ John Wilson, Giám đốc Văn phòng Hỗ trợ kỹ thuật của Bộ phận phụ trách các vấn đề châu Á và Trung Đông thuộc Cơ quan Phát triển quốc tế của Mỹ, nêu rõ: "Dù đạt tăng trưởng mạnh trong những năm qua, nhưng Việt Nam vẫn phải đối mặt với các thách thức lớn về môi trường và phát triển, kể cả vấn đề ô nhiễm dioxin" và "trong lúc hai nước đang kỷ niệm 15 năm thiết lập và phát triển quan hệ song phương, Mỹ cần phải thừa nhận rằng mình có thể làm được nhiều hơn nữa, kể cả giải quyết các vấn đề liên quan tới chất độc da cam/dioxin và điều này sẽ mang lại lợi ích lớn cho quan hệ giữa hai nước."

Ông Wilson kêu gọi Quốc hội Mỹ tiếp tục cam kết giải quyết vấn đề da cam/dioxin tại Việt Nam, đồng thời kêu gọi nước Mỹ "hãy là nhà lãnh đạo trong vấn đề này và tạo ra những thay đổi lớn trong cuộc sống của nhiều người dân Việt Nam."

Phó Chủ tịch Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin của Việt Nam, bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng kêu gọi Quốc hội Mỹ cùng với các nhóm cựu chiến binh và tổ chức phi chính phủ của Mỹ hỗ trợ hơn 3 triệu nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam bằng cách cung cấp các nguồn lực cho dịch vụ y tế toàn diện, công tác phục hồi cũng như các cơ sở giáo dục cho nạn nhân chất độc này của Việt Nam, giúp Việt Nam tẩy sạch một cách nhanh chóng các địa điểm có nồng độ dioxin cao.

Bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng đồng thời cũng  yêu cầu các công ty hóa chất Mỹ đã sản xuất chất độc da cam/dioxin sử dụng trong chiến tranh tại Việt Nam phải thừa nhận trách nhiệm đối với Việt Nam và hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam/dioxin của Việt Nam.

Bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng nhấn mạnh hành động hiệu quả và kịp thời của Quốc hội Mỹ trong việc giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam/dioxin tại Việt Nam là bước đi cuối cùng để hàn gắn vết thương chiến tranh khi nhân dân hai nước đang tiếp tục xây dựng mối quan hệ hữu nghị và hòa bình.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Phượng, người đã tham dự hai trong số ba phiên điều trần về chất độc da cam/dioxin tại Việt Nam của Hạ viện Mỹ, nói với phóng viên TTXVN tại Mỹ rằng với việc mời đại diện của Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam và chính nạn nhân chất độc da cam của Việt Nam dự phiên điều trần lần thứ ba này cho thấy phía Mỹ đã có sự chuyển biến trong nhìn nhận sự liên hệ giữa chất độc da cam/dioxin và sức khỏe của người Việt Nam.

Là nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam đầu tiên có mặt tại phiên điều trần của Hạ viện Mỹ, chị Trần Thị Hoan bày tỏ mong muốn rằng các công ty hóa chất của Mỹ có những hành động đúng đắn để bù đắp cho những nạn nhân chịu ảnh hưởng khủng khiếp của chất độc do họ sản xuất vì đó là vấn đề nhân đạo và nhân văn.

Chị cũng kêu gọi người dân và chính quyền Mỹ hãy mở rộng cánh tay vì tình hữu nghị và hiểu biết để giúp thanh niên Việt Nam bị ảnh hưởng của chất độc da cam/dioxin đạt ước mơ có gia đình, có việc làm và được sống trong hòa bình./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục