Phiên họp 13 Ủy ban Tài chính-Ngân sách Quốc hội

Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội họp phiên thứ 13 để thẩm tra chính thức dự án Luật Thuế tài nguyên; dự án Luật Thuế nhà, đất...
Trong 3 ngày từ 28 - 30/9, Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội họp phiên thứ 13 để thẩm tra chính thức dự án Luật Thuế tài nguyên; dự án Luật Thuế nhà, đất; Báo cáo thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2009.

Ủy ban cũng sẽ cho ý kiến vào Báo cáo giám sát việc mua sắm, quản lý và sử dụng tài sản nhà nước năm 2007-2008; Báo cáo giám sát thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất cho các tổ chức, cá nhân vay vốn ngân hàng để sản xuất, kinh doanh; Kế hoạch kiểm toán năm 2010 của Kiểm toán Nhà nước.

Ngay trong ngày đầu tiên của phiên họp, Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội đã thẩm tra hai dự án Luật: Thuế tài nguyên và Thuế nhà, đất.

Kiến nghị thu hẹp biên độ khung thuế suất tài nguyên

Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn, dự thảo Luật Thuế tài nguyên đã có những sửa đổi, bổ sung nhằm khắc phục những hạn chế trong quy định hiện; thể hiện vai trò sở hữu của Nhà nước đối với tài nguyên; đáp ứng yêu cầu quản lý kinh tế-xã hội của Nhà nước.

Riêng về thuế suất, dự thảo Luật quy định chi tiết hơn về nhóm, loại tài nguyên và điều chỉnh khung thuế suất theo nguyên tắc: tài nguyên không có khả năng tái tạo thì thuế suất cao; tài nguyên có khả năng tái tạo thì thuế suất thấp; không có thuế suất 0% vì đây là tài nguyên quốc gia, bất kỳ ai sử dụng cũng phải có nghĩa vụ đóng góp.

Thuế suất quy định theo loại tài nguyên, hạn chế quy định phân loại theo mục đích sử dụng.

Thẩm tra dự án, Ủy ban Tài chính-Ngân sách Quốc hội nhận định, nhiều nội dung đã được làm rõ và quy định chi tiết hơn so với Pháp lệnh hiện hành; tuy nhiên còn một số điểm bất cập cần tiếp tục hoàn chỉnh như: quy mô sửa đổi, bổ sung chưa thực sự đáp ứng yêu cầu nâng thành luật; nội dung chưa bảm đảm tính cụ thể.

Các ý kiến góp ý tại phiên họp đều nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật với các chế tài đủ mạnh trước tình trạng khai thác tài nguyên diễn ra ồ ạt, kém hiệu quả, khó kiểm soát, làm suy kiệt nguồn tài nguyên, gây ô nhiễm môi trường hiện nay.

Để đảm bảo tính cụ thể của luật, đa số ý kiến đề nghị hạn chế tối đa số các quy định giao Chính phủ hướng dẫn, thậm chí một số nội dung còn giao cả cấp Bộ quyết định là không hợp lý.

Nhiều ý kiến nhất trí với thẩm tra của Uỷ ban Tài chính-Ngân sách, cho rằng về cơ bản các loại tài nguyên đều nằm trong khung thuế suất có biên độ khá rộng.

Việc này tuy tạo sự linh hoạt song lại không đảm bảo tính chặt chẽ trong việc áp thuế suất, có thể dẫn tới áp thuế không công bằng, tạo chênh lệch lớn trong cùng một nhóm hàng giữa các thời điểm khác nhau; đề nghị xem xét thu hẹp biên độ khung thuế suất đồng thời phân loại từng mặt hàng trong cùng một nhóm hàng để quy định cụ thể khung thuế suất riêng biệt.

Đưa nhà ở vào diện chịu thuế để từng bước kiểm soát, quản lý

Đồng tình sự cần thiết sửa đổi, nâng cao giá trị pháp lý của Pháp lệnh Thuế nhà, đất, tuy nhiên các đại biểu còn băn khoăn về mục tiêu, tính cụ thể và khả thi của dự thảo luật.

Nhiều ý kiến đề nghị hạn chế thấp nhất những điều giao Chính phủ quy định để sau khi ban hành, Luật có thể đi ngay vào cuộc sống mà không phải chờ thông tư, nghị định hướng dẫn.

Dự thảo Luật hiện có nhiều nội dung được hướng dẫn bởi văn bản dưới luật; nhiều nội dung thiết yếu lại giao Chính phủ hướng dẫn. Vì vậy, đề nghị cụ thể hóa trong Luật những nội dung liên quan, đặc biệt là những vấn đề về thẩm quyền của quyết định chính sách thuế; quyền, nghĩa vụ của người nộp thuế.

Một trong những nội dung được nhiều đại biểu quan tâm là việc bổ sung đối tượng chịu thuế là nhà ở. Nhiều ý kiến tán thành việc đưa nhà ở vào đối tượng chịu thuế nhằm tăng cường quản lý, từng bước kiểm soát, điều tiết hợp lý nguồn thu từ nhà ở vào Ngân sách Nhà nước.

Với mức thuế suất khởi điểm thấp (0,03%) đồng thời chỉ tính thuế trên phần giá trị vượt 500 triệu đồng thì đối tượng phải nộp không nhiều, bảo đảm hài hòa về lợi ích giữa người sở hữu nhà với Nhà nước; điều này cũng phù hợp với thông lệ quốc tế. Tuy nhiên, đề nghị Chính phủ giải trình rõ để tránh gây phản ứng và tâm lý tiêu cực.

Đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Tài chính-Ngân sách nhất trí với quy định trong Dự thảo luật về mức thuế suất đối với nhà có giá trị đến 500 triệu đồng mức là 0%; phần trên 500 triệu đồng, thuế suất 0,03%./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục