Phiên họp lần thứ IX Hội đồng luật sư toàn quốc

Tại phiên họp lần IX, Hội đồng luật sư toàn quốc đã thảo luận Báo cáo về tổ chức và hoạt động của Liên đoàn Luật sư sau 3 năm thành lập.
Phiên họp lần thứ IX Hội đồng luật sư toàn quốc (Hội đồng) đã diễn ra ngày 13/7, tại Hà Nội. Phó trưởng Ban thường trực Ban chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương Lê Thị Thu Ba tham dự phiên họp.

Chủ tịch Liên đoàn luật sư Việt Nam Lê Thúc Anh chủ trì phiên họp.

Tại phiên họp, Hội đồng đã thảo luận Báo cáo về tổ chức và hoạt động của Liên đoàn Luật sư sau 3 năm thành lập.

Liên đoàn đã bước đầu thực hiện tốt vai trò là ngôi nhà chung tập hợp, đoàn kết giới luật sư Việt Nam; thực hiện tốt công tác tự quản của tổ chức xã hội nghề nghiệp luật sư. Liên đoàn đã thực hiện tốt vai trò là cầu nối vững chắc giữa Đảng, Nhà nước, xã hội và giới luật sư.

Liên đoàn luật sư đã triển khai có kết quả nhiều công tác và hoạt động quan trọng có tính chất bản lề tạo sự chuyển biến mới trong tổ chức và hoạt động của Liên đoàn như việc thông qua Quy tắc Đạo đức và Ứng xử nghề nghiệp luật sư, công tác đào tạo, bồi dưỡng luật sư đã đi vào nề nếp.

Công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến luật sư và công tác bảo vệ quyền lợi của luật sư đã góp phần khẳng định được vai trò của Liên đoàn nói chung và từng Đoàn luật sư nói riêng trong việc giải quyết và xử lý các vấn đề nhạy cảm và phức tạp có liên quan tới luật sư.

Công tác đối ngoại và hợp tác quốc tế tiếp tục được mở rộng và có hiệu quả hơn trong việc thực hiện các Dự án hợp tác với nước ngoài.

Các đại biểu đã thảo luận, phân tích về những mặt công tác còn tồn tại đó là sự gắn kết giữa Liên đoàn và các Đoàn luật sư còn có một số việc chưa chặt chẽ; công tác báo cáo và chủ động phối hợp công tác còn hạn chế, chưa tạo thành khối thống nhất, vững mạnh. Tính chuyên môn hóa, chuyên nghiệp hóa trong việc quản lý luật sư và thực hiện chế độ tự quản của tổ chức xã hội nghề nghiệp luật sư vần còn bộc lộ nhiều hạn chế….

Phương hướng công tác và hoạt động của Liên đoàn luật sư Việt Nam tiếp tục tập trung vào công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức nghề nghiệp; thực hiện các nhiệm vụ chính trị; công tác tổ chức, quản lý thành viên; bảo vệ quyền lợi luật sư; đào tạo, dồi dưỡng luật sư; hợp tác quốc tế…

Qua thảo luận, các đại biểu cho rằng việc xác định, quy định tính đặc thù của Liên đoàn luật sư Việt Nam có ý nghĩa quan trọng trong việc khẳng định vai trò, trách nhiệm của Liên đoàn và đội ngũ luật sư với Đảng và Nhà nước.

Hoạt động hành nghề luật sư được dựa trên cơ sở pháp luật nhằm góp phần bảo vệ công lý, bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa.

Liên đoàn Luật sư Việt Nam đề nghị Đảng, Nhà nước tạo điều kiện cho Liên đoàn thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị được giao phó với vai trò là cầu nối vững chắc giữa Đảng, Nhà nước với giới luật sư. Điều này cần phải được thể hiện trong Luật Luật sư và các văn bản dưới luật.

Liên đoàn luật sư đề xuất hoàn thiện mô hình tố tụng hình sự, trong đó tạo sự bình đẳng giữa luật sư với kiểm sát; nâng cao địa vị pháp lý của luật sư trong các quan hệ tố tụng để luật sư góp phần tích cực vào bảo vệ công lý, bảo vệ pháp chế và có thể phối hợp tốt với các cơ quan tố tụng trong việc thực hiện các chức năng nhiệm vụ của mình.

Đối với các vụ án hình sự cần phải đảm bảo có luật sư tham gia bào chữa tại các phiên tòa; từng bước và tiến tới chỉ có luật sư mới có quyền tham gia tranh tụng tại tòa để đảm bảo cung cấp các dịch vụ pháp lý có chất lượng cho cộng đồng xã hội…

Phát biểu tại phiên họp, bà Lê Thị Thu Ba đánh giá cao những kết quả hoạt động của Liên đoàn luật sư đã làm được trong thời gian qua. Bà nhấn mạnh việc phát triển và kiện toàn đội ngũ luật sư luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm.  Liên đoàn luật sư ra đời đã đánh dấu bước phát triển quan trọng đối với nghề luật sư của Việt Nam; bước đầu thực hiện tốt vai trò là ngôi nhà chung tập hợp, đoàn kết giới luật sư Việt Nam; thực hiện tốt công tác tự quản của tổ chức xã hội nghề nghiệp luật sư.

Qua theo dõi hoạt động của Liên đoàn luật sư Việt Nam, bà cho rằng cùng với những việc đã làm được vẫn còn tồn tại những hạn chế vướng mắc cần được tháo gỡ.

Tại phiên họp này, bà Lê Thị Thu Ba đề nghị Hội đồng luật sư toàn quốc cần thảo luận kỹ, tập trung phân tích về những vướng mắc, hạn chế; thông tin để dư luận thấy được những đóng góp của luật sư cũng như vai trò, vị trí của luật sư.

Nhấn mạnh việc đội ngũ luật sư thời gian qua phát triển nhanh về số lượng nhưng vẫn chưa đồng đều, có tỉnh vẫn chưa thành lập Đoàn luật sư, bà đề nghị Hội đồng luật sư cần thảo luận để có giải pháp phát triển luật sư đồng đều hơn; quan tâm tới việc nâng cao chất lượng đội ngũ luật sư ngang bằng với các nước trong khu vực; tăng cường mối quan hệ gắn kết giữa Liên đoàn luật sư và các đoàn luật sư trong cả nước...

Bà nhấn mạnh Liên đoàn luật sư và các Đoàn luật sư cần thực hiện tốt các nội dung của hoạt động cải cách tư pháp; quan tâm tới công tác đào tạo, bồi dưỡng luận sư cả về chuyên môn nghiệp vụ và đạo đức nghề nghiệp …/.

Quỳnh Hoa (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục