Phiên họp thứ 21 Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương

Chiều 16/7, tại Hà Nội, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương đã chủ trì phiên họp thứ 21 của Ban Chỉ đạo.
Phiên họp thứ 21 Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương ảnh 1Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Trưởng Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương chủ trì phiên họp thứ 21 Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương. (Ảnh: Nguyễn Khang/TTXVN)

Chiều 16/7, tại Hà Nội, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương đã chủ trì phiên họp thứ 21 của Ban Chỉ đạo, cho ý kiến về hai Đề án: “Đổi mới cơ chế phân bổ ngân sách cho Tòa án nhân dân theo tinh thần Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị​"và “Đổi mới cơ chế phân bổ ngân sách cho Viện kiểm sát nhân dân đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp.”

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu tham dự phiên họp.

Tại phiên họp, qua thảo luận, các đại biểu cơ bản tán thành với Tờ trình của Ban cán sự đảng Tòa án nhân dân tối cao về Đề án “Đổi mới cơ chế phân bổ ngân sách cho Tòa án nhân dân theo tinh thần Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị; Tờ trình của Ban cán sự đảng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao về Đề án “Đổi mới cơ chế phân bổ ngân sách cho Viện Kiểm sát nhân dân đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp.”

Các đại biểu cũng đã cho ý kiến về những nội dung cụ thể của 2 Đề án. Cụ thể, về định mức làm cơ sở dự toán hàng năm, Thường trực Ban Chỉ đạo cơ bản đồng ý với đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định định mức chi hoạt động thường xuyên, chi đặc thù, định mức trang thiết bị và phương tiện làm việc chủ yếu, xây dựng trụ sở cho Tòa án nhân dân và Viện Kiểm sát nhân dân làm cơ sở để lập dự toán hàng năm đề nghị Chính phủ trình Quốc hội quyết định.

Bởi hiện nay, Luật tổ chức Tòa án nhân dân và Luật tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân đã quy định tổng số biên chế, chế độ lương, phụ cấp và một số chế độ chính sách đối với cán bộ của 2 cơ quan này do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định. Vì vậy, cần bổ sung thêm thẩm quyền quyết định các chế độ, định mức chi để bảo đảm việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ đặc thù của Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân.

Tuy vậy, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Văn Hiện cho rằng cần cân nhắc kỹ việc đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định định mức cho hoạt động thường xuyên, chi đặc thù cho Tòa án nhân dân và Viện Kiểm sát nhân dân. Bởi một số định mức việc làm do các Bộ quy định, chứ không phải Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng, việc đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định định mức chi hoạt động thường xuyên, chi đặc thù, định mức trang thiết bị và phương tiện làm việc chủ yếu, xâp dựng trụ sở cho Tòa án nhân dân và Viện Kiểm sát nhân dân làm cơ sở để lập dự toán hàng năm đề nghị Chính phủ trình Quốc hội quyết định là làm ngược quy trình, do đó cần xem xét lại.

Đối với đề xuất giao thẩm quyền cho Chánh án Tòa án nhân dân tối cao chủ động điều chỉnh nguồn kinh phí không tự chủ (chi đặc thù) và đề xuất giao Tòa án nhân dân chủ động điều chuyển trụ sở dôi dư, Thường trực Ban Chỉ đạo không tán thành các đề xuất này. Đồng thời, Thường trực Ban Chỉ đạo đề nghị Ban cán sự đảng Tòa án nhân dân tối cao chỉ đạo việc nghiên cứu, thực hiện theo đúng quy định của Luật Ngân sách và Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước.

Về mô hình quản lý ngân sách, Thường trực Ban Chỉ đạo cho rằng: Ban cán sự đảng Tòa án nhân dân tối cao đề xuất giữ nguyên mô hình quản lý ngân sách như hiện nay và cho rằng, việc thực hiện 2 cấp quản lý mà Quốc hội phân bổ kinh phí cho Tòa án nhân dân các cấp là không phù hợp với Luật ngân sách nhà nước. Vấn đề này, một số ý kiến cho rằng cần cân nhắc lại.

Kết luận phiên họp, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang ghi nhận sự tiếp thu của Tòa án nhân dân tối cao và Viện Kiểm sát nhân dân tối cao về những vấn đề mà các thành viên Ban Chỉ đạo đạo đã góp ý tại phiên họp thứ 20. Về vấn đề mô hình quản lý ngân sách của Tòa án nhân dân và Viện Kiểm sát nhân dân còn ý kiến khác nhau, Chủ tịch nước đề nghị, Thường trực Ban Chỉ đạo, Ban cán sự đảng Tòa án nhân dân tối cao, Ban cán sự đảng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao xem xét, nghiên cứu lại và không được làm thay đổi các luật có hiệu lực đã được công bố.

Trong phiên họp chiều 16/7, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và các thành viên Ban Chỉ đạo đã chứng kiến Lễ ký kết Chương trình phối hợp công tác thông tin, tuyên truyền giữa Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương và Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật Trung ương.

Theo đó, hai bên sẽ đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, phổ biến về chủ trương, nhiệm vụ cải cách tư pháp và hoạt động tư pháp; cung cấp thông tin, tài liệu về chủ trương, nhiệm vụ cải cách tư pháp và hoạt động tư pháp; thực hiện thông tin, tuyên truyền, phổ biến trực tiếp thông qua hội nghị, hội thảo, tọa đàm, tập huấn về cải cách tư pháp và hoạt động tư pháp.

Hai bên phối hợp tổ chức hội nghị, hội thảo, tọa đàm thông tin, giới thiệu về chủ trương, nhiệm vụ cải cách tư pháp và hoạt động tư pháp; trao đổi về lý luận và thực tiễn trong cải cách tư pháp, hoạt động tư pháp của nước ta, kinh nghiệm của quốc tế trong lĩnh vực này...

Phát biểu tại lễ ký, Chủ tịch nước nhấn mạnh, công tác cải cách tư pháp có ý nghĩa đặc biệt quan trọng tới xây dựng Nhà nước pháp quyền của ​Việt Nam, tuy nhiên việc nhận thức về vấn đề này vẫn còn hạn chế.

Do đó, Chủ tịch nước mong rằng, chương trình ký kết phối hợp thông tin tuyên truyền giữa Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương, Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật Trung ương sẽ góp phần tăng cường và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến về chủ trương, nhiệm vụ cải cách tư pháp, hoạt động tư pháp; đồng thời tăng cường mối quan hệ phối hợp, phát huy thế mạnh của mỗi cơ quan, tổ chức tham gia chương trình phối hợp trong công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến về chủ trương, nhiệm vụ cải cách tư pháp, hoạt động tư pháp./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục