Phiên họp toàn thể lần thứ nhất Ủy ban Tư pháp Quốc hội khóa XIV

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu mong muốn Ủy ban Tư pháp khóa XIV tiếp tục đổi mới hoạt động, thực hiện tốt các chức năng, nhiệm vụ.
Phiên họp toàn thể lần thứ nhất Ủy ban Tư pháp Quốc hội khóa XIV ảnh 1Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga phát biểu ý kiến. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Chiều 25/7, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội khóa XIV đã họp phiên toàn thể lần thứ nhất. Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu dự phiên họp.

Tại phiên họp chiều 22/7, bà Lê Thị Nga , Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Đảng đoàn Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV đã được Quốc hội bầu làm Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội khóa XIV.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV đã phê chuẩn 4 Phó Chủ nhiệm Ủy ban bao gồm các đại biểu: Nguyễn Mạnh Cường ( Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình); Nguyễn Công Hồng (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai), Nguyễn Văn Luật (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Kiên Giang), Nguyễn Văn Pha (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định); 3 ủy viên thường trực và 31 ủy viên khác.

Phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nêu rõ, Ủy ban Tư pháp được thành lập vào tháng 7/2007 của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XII, trên cơ sở chia tách chức năng nhiệm vụ của Ủy ban Pháp luật.

Ủy ban Tư pháp có nhiệm vụ xây dựng pháp luật, giám sát và kiến nghị những vấn đề quan trọng thuộc lĩnh vực tư pháp, giám sát việc phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng. Qua 9 năm, hai nhiệm kỳ Quốc hội, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, của các lãnh đạo Quốc hội, sự quan tâm, hợp tác của các cơ quan Quốc hội, các vị đại biểu Quốc hội, sự phối hợp chặt chẽ của các cơ hữu quan, sự đóng góp tích cực của các thành viên Ủy ban, hoạt động của Ủy ban Tư pháp thời gian qua đã thu được kết quả quan trọng, đóng góp vào thành tích chung của Quốc hội.

Trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII, Ủy ban Tư pháp đã tích cực tham gia cùng các cơ quan hữu quan trong việc xây dựng Hiến pháp năm 2013, chủ trì thẩm tra, tiếp thu chỉnh lý trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua nhiều dự án Bộ luật, luật, pháp lệnh, nghị quyết về tố tụng dân sự, tố tụng hành chính, về hình sự, tố tụng hình sự, thi hành tạm giữ, tạm giam, thi hành án; về tổ chức bộ máy của Tòa án nhân dân, Viện kiếm sát nhân dân, cơ quan điều tra…

Đồng thời, Ủy ban Tư pháp cũng đã tăng cường giám sát hoạt động của các cơ quan tư pháp, được dư luận nhân dân và cử tri đồng tình và đánh giá cao. Hoạt động của Ủy ban Tư pháp đã góp phần vào việc thực hiện mục tiêu xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh, bảo vệ quyền con người, quyền công dân.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, Chủ nhiệm Lê Thị Nga cũng chỉ rõ, hoạt động của Ủy ban thời gian qua không tránh khỏi những hạn chế nhất định. Phương thức tổ chức và hoạt động giám sát của Ủy ban đối với các cơ quan tư pháp, phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng trong một số trường hợp chưa thực sự hiệu quả, nhất là giám sát việc giải quyết các vụ án cụ thể. Chất lượng thẩm tra, tiếp thu chỉnh lý dự án luật có trường hợp còn hạn chế…

Trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV, Ủy ban Tư pháp tiếp tục được giao nhiều nhiệm vụ quan trọng về công tác xây dựng pháp luật, giám sát trong lĩnh vực tư pháp và giám sát việc phát hiện, xử lý hành vi tham nhũng, nhằm tiếp tục thể chế hóa Hiến pháp năm 2013 và các chủ trương, đường lối của Đảng tại Đại hội XII. Hoạt động của Ủy ban Tư pháp Quốc hội khóa XIV sẽ kế thừa những thành tựu đã đạt được của Ủy ban Tư pháp các khóa trước, không ngừng đổi mới nâng cao chất lượng hoạt động để Ủy ban Tư pháp tiếp tục có đóng góp quan trong đối với hoạt động của Quốc hội, đối với công cuộc đổi mới, phát triển đất nước nói chung và xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh nói riêng.

Phát biểu tại Phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nêu rõ trong thời gian vừa qua do yêu cầu của công tác tư pháp trong tình hình mới nên Quốc hội khóa XII đã thành lập Ủy ban Tư pháp tách ra từ Ủy ban Pháp luật của Quốc hội. Phó Chủ tịch Quốc hội đánh giá chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm của Ủy ban Tư pháp rất nặng nề và khá rộng, thẩm tra tất cả các dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết liên quan tới tổ chức bộ máy các cơ quan tư pháp, văn bản luật, pháp lệnh liên quan tới vấn đề hình sự, tố tụng hình sự, tố tụng dân sự, tố tụng hành chính...

Ủy ban Tư pháp tham gia thẩm tra các báo cáo của Chính phủ trong phòng chống vi phạm pháp luật và tội phạm, phòng chống tham nhũng, thẩm tra các báo cáo của của Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao…. Phó Chủ tịch Quốc hội đánh giá trong nhiệm kỳ vừa qua, Ủy ban Tư pháp có đóng góp tích cực, quan trọng vào hoạt động của Quốc hội, đặc biệt trong hoàn thiện thể chế về tư pháp.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu mong muốn Ủy ban Tư pháp khóa XIV tiếp tục đổi mới trong hoạt động, thực hiện tốt các chức năng, nhiệm vụ. Đây là yêu cầu của Quốc hội và nhân dân- Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Tại phiên họp này, các thành viên Ủy ban Tư pháp đã nghe giới thiệu về cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và một số nhiệm vụ trọng tâm của Ủy ban Tư pháp trong thời gian tới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục