Phiên tòa xử Hà Văn Thắm: Có hay không vai trò đồng phạm cấp dưới?

Tại phiên tòa xét xử Hà Văn Thắm, các luật sư tranh luận về việc có hay không vai trò đồng phạm của cấp dưới trong thực hiện chi lãi ngoài trên toàn hệ thống OceanBank.
Phiên tòa xử Hà Văn Thắm: Có hay không vai trò đồng phạm cấp dưới? ảnh 1Luật sư Nguyễn Huy Thiệp bào chữa tại phiên toà. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Ngày 16/9, các luật sư bào chữa tiếp tục tham gia phần tranh luận tại phiên tòa xét xử Hà Văn Thắm và các đồng phạm, trong đó, đưa ra nhiều luận cứ phân tích các nội dung xoay quanh việc giám định, kết luận các khoản tiền thiệt hại trong vụ án và việc có hay không vai trò đồng phạm của các bị cáo là những nhân viên cấp dưới trong thực hiện chỉ đạo chi lãi ngoài trên toàn hệ thống OceanBank…


Luật sư băn khoăn về việc giám định thiệt hại

Luật sư Hoàng Huy Được mở đầu phần bào chữa cho các bị cáo: Nguyễn Thị Nga (nguyên Kế toán trưởng OceanBank), Nguyễn Hoài Nam (nguyên Giám đốc khối nguồn vốn OceanBank), Phan Thị Tú Anh (nguyên Giám đốc OceanBank Chi nhánh Quảng Ngãi)...

Các bị cáo này bị Viện Kiểm sát nhân dân tối cao truy tố về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.”

Cụ thể, theo chủ trương và chỉ đạo của Hà Văn Thắm về việc chi ngoài lãi suất huy động vốn cho các khách hàng trên toàn hệ thống OceanBank, các bị cáo nói trên đã cùng tham gia triển khai thực hiện chủ trương này.

Kết quả điều tra xác định trong thời gian từ năm 2010 đến ngày 31/11/2014, tổng số tiền OceanBank đã chi lãi ngoài hợp đồng cho các khách hàng gửi tiền là 1.576 tỷ đồng.


[Vụ Oceanbank: Luật sư "ngỡ ngàng" với án chung thân và tử hình]

Trình bày quan điểm của mình, Luật sư Hoàng Huy Được đặt câu hỏi về số tiền 1.576 tỷ đồng có phải là hậu quả của vụ án. Theo Luật sư Hoàng Huy Được, kết luận giám định không hề đề cập số tiền 1.576 tỷ đồng là thiệt hại, nhiều nội dung không đủ cơ sở giám định nhưng vẫn được giám định, kết luận giám định còn vi phạm thời gian giám định, địa điểm giám định...

Theo bản luận tội của Viện Kiểm sát, bị cáo Nguyễn Thị Nga làm theo chỉ đạo của bị cáo Lê Thị Thu Thủy (nguyên Phó Tổng Giám đốc OceanBank) về việc chuyển tiền chi lãi ngoài cho các chi nhánh, phòng giao dịch để chi cho khách hàng.

Bị cáo Nguyễn Thị Nga đã chỉ đạo Ban kế hoạch hạch toán chuyển tiền chi lãi ngoài căn cứ vào bảng kê danh sách do khối nguồn vốn, khối bán lẻ ký duyệt, gửi cho ban kế hoạch. Trong thời gian Nguyễn Thị Nga làm Trưởng ban đã hạch toán tổng cộng hơn 175 tỷ đồng để chi lãi ngoài.

Trong phần lập luận của mình, Luật sư Hoàng Huy Được tiếp tục nêu quan điểm Ngân hàng Nhà nước ra văn bản về việc cấm huy động vốn vượt trần lãi suất, nếu vi phạm sẽ bị xử lý hành chính. Trên thực tế, hầu hết các tổ chức tín dụng đều huy động bằng lãi ngoài và bị xử lý hành chính. Vì vậy, luật sư đề nghị chỉ xử lý hành chính các bị cáo về hành vi này.

Chủ trương chi lãi ngoài được quán triệt trên toàn hệ thống

Bào chữa cho bị cáo Nguyễn Hoài Nam (nguyên Giám đốc khối nguồn vốn OceanBank), luật sư Nguyễn Văn Ánh không đồng ý với Viện Kiểm sát khi cáo buộc Nguyễn Hoài Nam phạm tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” vì trên thực tế, bị cáo Nguyễn Hoài Nam không phải là người đề ra chủ trương chi lãi ngoài hay có việc bàn bạc, thống nhất.

OceanBank có chủ trương chi chăm sóc khách hàng với tỷ lệ từ 1-2%, bị cáo Hoài Nam chỉ có trách nhiệm kiểm kê, hợp đồng nào vượt trên 2% thì không ký mà chỉ ký xác nhận những hợp đồng dưới 2% và chuyển cho người khác phê duyệt.

Luật sư lập luận, nếu không có hành vi kiểm soát của Nguyễn Hoài Nam, việc chi chăm sóc khách hàng vẫn diễn ra bình thường.

Về nội dung này, quan điểm của Viện Kiểm sát xác định: Thực hiện theo chỉ đạo của Nguyễn Minh Thu (nguyên Phó Tổng giám đốc OceanBank), bị cáo Nguyễn Hoài Nam đã chỉ đạo nhân viên Khối nguồn vốn tổng hợp, kiểm tra các khoản tiền chi lãi ngoài huy động vốn cho khách hàng doanh nghiệp, khách hàng đối tác chiến lược và khách hàng cá nhân.

Sau đó, Nguyễn Hoài Nam ký xác nhận, trình Nguyễn Minh Thu phê duyệt, chuyển cho Bộ phận kế toán hạch toán chuyển tiền cho các chi nhánh để chi lãi ngoài cho khách hàng. Cụ thể, Nguyễn Hoài Nam đã tham gia kiểm soát, phê duyệt chuyển hơn 127 tỷ đồng cho các chi nhánh, phòng giao dịch, khối để chi lãi ngoài.

Bào chữa cho bị cáo Nguyễn Minh Đạo (nguyên Giám đốc OceanBank Chi nhánh Hà Nội), luật sư Nguyễn Văn Phương cho rằng, cáo buộc Nguyễn Minh Đạo với tội danh “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” là không có căn cứ.

Viện dẫn căn cứ chủ trương chi chăm sóc khách hàng đã được triển khai thực hiện ở Hội Sở OceanBank từ năm 2009, đến năm 2011 mới triển khai trong toàn hệ thống, nhưng việc triển khai này không chính thức mà qua các hội thảo của OceanBank.

Mặc dù là giám đốc nhưng Nguyễn Minh Đạo không tham gia các cuộc họp đó do đã có thống nhất phân công nhiệm vụ từ trước. Chủ trương chi chăm sóc khách hàng cũng đã được thông báo trên toàn hệ thống nên dù Nguyễn Minh Đạo không chỉ đạo Phó Giám đốc Lê Thị Thoa thì bà Thoa cũng vẫn thực hiện bình thường.

Đồng quan điểm với các luật sư khác, luật sư Nguyễn Hồng Bách cho biết theo nội dung cáo trạng, Nguyễn Minh Đạo không nhận tiền, không chi tiền, chỉ có duy nhất cáo buộc bị cáo Nguyễn Minh Đạo đã nhận chỉ đạo của Hà Văn Thắm và Nguyễn Minh Thu để phân công Lê Thị Thoa chỉ đạo các nhân viên trong chi nhánh thực hiện chi lãi ngoài.

Luật sư Nguyễn Hồng Bách cho rằng hành vi của Nguyễn Minh Đạo cũng như của các bị cáo khác là giám đốc chi nhánh, phòng giao dịch của hệ thống OceanBank không có hơi hướng của tội phạm hình sự.

Ngày 18/9, phiên tòa tiếp tục với phần tranh luận./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục