Philippines cấp phép sử dụng khẩn cấp vaccine của Mỹ và Ấn Độ

Cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm Philippines nêu rõ vaccine ngừa COVID-19 của Johnson & Johnson (Mỹ) và Bharat Biotech (Ấn Độ) đều có thể được sử dụng để tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên.
Philippines cấp phép sử dụng khẩn cấp vaccine của Mỹ và Ấn Độ ảnh 1Tiêm vaccine phòng dịch COVID-19 cho người dân tại một trung tâm tiêm chủng ở thành phố Taguig, Philippines, ngày 16/4/2021. (Ảnh: THX/TTXVN)

Ngày 20/4, Cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm (FDA) của Philippines đã phê duyệt sử dụng khẩn cấp các vaccine ngừa COVID-19 của Johnson & Johnson (Mỹ) và Bharat Biotech (Ấn Độ).

Trong thông báo, người đứng đầu FDA Rolando Enrique Domingo nêu rõ cả 2 loại vaccine trên đều có thể tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên. Như vậy, đến nay Philippines đã cấp phép sử dụng khẩn cấp 6 loại vaccine ngừa COVID-19.

Hiện Johnson & Johnson đang tiến hành thử nghiệm vaccine giai đoạn cuối cùng tại Philippines.

Theo trang thống kê worldometers.info, Philippines đã có tổng cộng hơn 945.000 ca nhiễm và hơn 16.000 ca tử vong do COVID-19.

Tại Brunei, sau 2 tuần đánh giá tác dụng phụ, chính phủ nước này thông báo sẽ nối lại việc tiêm vaccine ngừa COVID-19 của AstraZeneca bào chế.

Theo Bộ Y tế Brunei, kể từ khi tạm ngừng sử dụng vaccine của AstraZeneca vào ngày 6/4 vừa qua, nước này đã xem xét các báo cáo từ các nước khác về một số rất ít trường hợp xảy ra hiện tượng đông máu và giảm tiểu cầu sau tiêm.

Bộ Y tế Brunei nêu rõ tại nước này không ghi nhận bất cứ trường hợp nào gặp tác dụng phụ trên trong số 2.323 người đã tiêm mũi đầu tiên vaccine của AstraZeneca.

[Dịch COVID-19: Dịch bệnh tiếp tục lây lan tại một số nước Đông Nam Á]

Dựa trên các dữ liệu hiện có và đánh giá mức độ hiệu quả của vaccine, đặc biệt là đối với những người có nguy cơ cao như nhóm người cao tuổi, xét thấy hiện tượng đông máu và giảm tiểu cầu rất hiếm khi xảy ra, Ủy ban Kỹ thuật về vaccine ngừa COVID-19 của Brunei cho rằng có thể nối lại tiêm phòng bằng vaccine của AstraZeneca với các điều kiện nhất định.

Brunei đã ghi nhận tổng cộng 221 ca nhiễm và 3 ca tử vong do COVID-19.

Trong khi đó, Chính phủ Israel thông báo đã ký thỏa thuận với hãng dược phẩm Pfizer nhằm đặt mua thêm hàng triệu liều vaccine ngừa COVID-19.

Thông báo của Bộ Y tế và Văn phòng Thủ tướng Israel nêu rõ chính phủ đã ký thỏa thuận với Pfizer mua thêm hàng triệu liều vaccine để Israel có thể tiếp tục cuộc chiến chống dịch bệnh đến cuối năm 2022.

Kể từ cuối tháng 12/2020, Israel đã tiến hành chiến dịch tiêm phòng COVID-9 nhanh nhất thế giới. Theo thống kê của Bộ Y tế Israel, ước tính gần 5 triệu người dân, tương đương nửa dân số Israel, đã được tiêm đủ liều 2 mũi vaccine của Pfizer/BioNTech.

Sau khi dịch bệnh được kiểm soát, Israel đã dỡ bỏ lệnh phong tỏa đợt 3 vào đầu tháng 2 vừa qua và chấm dứt quy định bắt buộc đeo khẩu trang nơi công cộng vào ngày 18/4 vừa qua.

Theo thống kê, Israel có tổng cộng 837.199 ca nhiễm và 6.340 ca tử vong do COVID-19./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục