Philippines quyết tâm tạo ra sự răn đe tại Biển Đông

Tổng thống Philippines Benigno Aquino đã tăng mạnh chi tiêu quốc phòng của Manila, cam kết thay đổi hẳn tình trạng lơ là trang bị trong nhiều năm.

Theo báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (Hong Kong) số ra ngày 1/2, nếu như động thái của Philippines kiện Trung Quốc ra Tòa án quốc tế của Liên hợp quốc hồi tuần trước do những tranh chấp lãnh hải giữa hai nước trên Biển Đông đã làm nổi bật mục đích pháp lý và ngoại giao của quốc gia Đông Nam Á này, thì thông báo trong tuần này của Manila rằng họ sẽ mua một phi đội máy bay chiến đấu của Hàn Quốc đã thể hiện quyết tâm của Manila trong việc tạo ra một sự răn đe chiến lược hiệu quả trên Biển Đông.

 

Trong nhiều năm qua, các lực lượng vũ trang của Philippines đã bị các chuyên gia phân tích xem nhẹ và coi như một trò đùa. Tuy nhiên, viễn cảnh về một phi đội máy bay chiến đấu sẵn sàng hành động trong hơn một thập kỷ qua chỉ là động thái mới nhất trong một loạt động thái tăng cường quân sự gần đây của Philippines, và đang được Trung Quốc theo dõi chặt chẽ.

 

Ngày 31/1, các quan chức quốc phòng Philippines đã xác nhận rằng trong tháng này, Manila sẽ hoàn tất một hợp đồng trị giá 443 triệu USD mua 12 máy bay chiến đấu hạng nhẹ FA-50 từ Cơ quan hàng không vũ trụ Hàn Quốc.

 

Hai máy bay trong số máy bay chiến đấu này có thể được chuyển đến Philippines trong vòng 6 tháng để quân đội Philippines sử dụng vào hoạt động huấn luyện - lần đầu tiên trong giai đoạn tốt nhất của hai thập kỷ kể từ khi Philippines sở hữu những máy bay chiến đấu có thể hoạt động được, những chiếc máy bay F5 từ kỷ nguyên chiến tranh Việt Nam.

 

Nhận định về động thái này của Philippines, ông Richard Bitzinger - chuyên gia nghiên cứu cao cấp thuộc Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam của Singapore - nhấn mạnh: “Không phải họ đang tự vũ trang 'đến tận răng', mà là họ đang trang bị sau nhiều năm thiếu quan tâm. Họ đã lúng túng trong nhiều năm với các thương vụ mua sắm khả dĩ, nhưng giờ đây họ đang làm được một số việc. Đó có lẽ vẫn chưa phải là một sự răn đe, nhưng ít nhất nó là một bước khởi đầu của sự răn đe.”

 

Các máy bay FA-50 có thể được sử dụng trong chiến đấu và các cuộc tấn công mặt đất nhưng cũng được coi là một nền tảng huấn luyện quan trọng nếu như Philippines thúc đẩy các gói mua sắm khác, trong đó có loại máy bay chiến đấu F-16 lớn hơn của Mỹ.

 

Những tin tức về hợp đồng mua bán máy bay chiến đấu giữa Philippines và Hàn Quốc xuất hiện sau 12 tháng bận rộn với các hoạt động tăng cường trang bị vũ khí của Manila cho khu vực mà họ gọi là Biển Tây Philippines (Biển Đông), trong đó có việc mua 3 tàu chiến bảo vệ bờ biển đã qua sử dụng từ Mỹ, 3 tàu khu trục đã qua sử dụng từ Italy và 10 tàu bảo vệ bờ biển tối tân của Nhật Bản theo một dự án viện trợ, qua đó tăng gấp đôi hạm đội tàu chiến của nước này. Ngoài ra, Philippines cũng đang xúc tiến các thỏa thuận mua sắm vũ khí khác với các nước như Pháp và Canada.

 

Tổng thống Philippines Benigno Aquino đã tăng mạnh chi tiêu quốc phòng của Manila, cam kết thay đổi hẳn tình trạng lơ là trang bị trong nhiều năm bằng cách tạo ra một sự răn đe chiến lược khả thi. Mặc dù các quan chức Philippines liên tục khẳng định rằng hoạt động tăng cường xây dựng lực lượng vũ trang của nước này không nhằm vào Trung Quốc, nhưng những động thái này diễn ra trong những tháng gần đây, khi căng thẳng gia tăng giữa Manila với Bắc Kinh xung quanh tranh chấp bãi cạn Scarborough (Trung Quốc gọi là đảo Hoàng Nham, Philippines gọi là Panatag) trên Biển Đông, trong đó có việc các tàu Trung Quốc đồn trú thường xuyên ở vùng biển trong đầm phá của bãi cạn Scarborough.

 

Người phát ngôn của Tổng thống Aquino, ông Edwin Lacierda, khẳng định rằng việc nâng cấp quân sự của Philippines là một chính sách ưu tiên từ trước khi vụ tranh chấp lãnh hải giữa Manila với Bắc Kinh bùng phát dữ dội.

 

Tiến sĩ Ian Storey, một chuyên gia nghiên cứu chiến lược thuộc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á của Singapore, nhận định rằng việc Philippines đa dạng hóa vũ trang bằng cách mua vũ khí từ một loạt nguồn đã khiến đồng minh an ninh chủ chốt của họ là Mỹ hài lòng. Ông Storey nói: “Trong nhiều năm qua, Washington đã nhiều lần thúc giục Manila tái xây dựng và tăng cường năng lực quân sự của họ, vì thế người Mỹ sẽ rất vui khi biết rằng điều đó bắt đầu diễn ra”./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục