Phim 3D có thống lĩnh được thị trường điện ảnh?

Cuộc đổ bộ của phim 3D bắt đầu từ năm 2009 và mở ra trào lưu sản xuất phim 3D trên thế giới. Liệu trào lưu này có trở nên bão hòa?
Cuộc đổ bộ của phim 3D bắt đầu từ đầu năm ngoái. Ba trong bốn phim ăn khách nhất ở định dạng 3D tại thị trường Bắc Mỹ năm 2009 là các tác phẩm hoạt hình gồm: "Up," "Monsters Vs. Aliens" và "Ice Age: Dawn Of The Dinosaurs."

Bộ phim còn lại - "Avatar" của đạo diễn James Cameron - đã nhanh chóng trở thành “cỗ máy” kiếm tiền số một trong lịch sử điện ảnh.

Sở dĩ loại phim này thu hút nhiều khán giả là bởi nó đưa người xem đến với những thế giới vừa đầy hình ảnh tưởng tượng vừa có tính thuyết phục.

Song liệu phim 3D có thống lĩnh được thị trường điện ảnh?

Giá vé cao

"Avatar" đã chứng minh rằng, phim 3D có thể mang lại cho các nhà sản xuất những khoản tiền kếch xù bởi giá vé của loại phim này cao hơn so với định dạng 2D truyền thống.

Trong suốt thời gian dài, bất kể phim được làm với kinh phí bao nhiêu, 250 triệu USD ("Harry Potter And The Half- Blood Prince") hay 15.000 USD ("Paranormal Activity"), thì vé xem cũng chỉ có một mức giá.

Tuy nhiên với phim 3D, khán giả phải chấp nhận móc thêm hầu bao. Nguyên nhân là do ngoài kinh phí làm phim như thông thường, nhà sản xuất phải chi thêm 10-20% cho các hiệu quả hình ảnh được thực hiện bằng công nghệ 3D.

Chẳng hạn như vé xem phim 2D "How To Train Your Dragon" là 12,5 USD nhưng với bản 3D thì có giá 17,5 USD - cao hơn tới 40%.

Tuy nhiên, điều đó cũng không hề cản bước người yêu điện ảnh háo hức đến rạp thưởng thức những tác phẩm điện ảnh 3D hấp dẫn và các buổi chiếu ngày thứ Sáu, thứ Bảy hầu như “cháy vé.”

Rõ ràng "Avatar" đã tạo nên một diện mạo mới cho loại phim này. Trong dịp cuối tuần đầu tiên ra rạp của "Avatar," các nhà sản xuất chỉ ước tính phim này sẽ thu về 65-70 triệu USD nhưng trên thực tế, nó đã “bỏ két” 116 triệu USD.

Việc chọn thời điểm thuận lợi để phát hành phim cũng là một yếu tố giúp đem lại thành công về mặt tài chính.

Như "Alice In Wonderland" được tung ra trong tuần lễ không có phim 3D mới nào khác trình làng và cơn sốt "Avatar" thì đã hạ nhiệt.

Vì vậy, theo giới chuyên ngành, để nắm chắc thành công cho một bộ phim thì trước hết phải đảm bảo rằng tác phẩm điện ảnh đó được chiếu ở 3.500 rạp trong suốt 2-3 tuần.

Đối với các chủ rạp, nếu muốn thu lợi từ trào lưu này, họ phải chấp nhận chi tiền để chuyển đổi những hệ thống chiếu phim 2D thành 3D.

Hồi đầu tháng Ba, Digital Cinema Implementation Partners, công ty nằm trong sự sở hữu của hai hệ thống rạp lớn nhất nước Mỹ là Cinemark và AMC, thông báo họ đã có được đủ số tiền 660 triệu USD để cải tạo hệ thống chiếu phim ở 14.000 rạp tại Bắc Mỹ sang công nghệ kỹ thuật số.

Các người hùng nhập cuộc

Vậy khi số phòng chiếu 3D đã đáp ứng được nhu cầu của khán giả thì liệu loại phim này có đủ sản phẩm để cung cấp cho các rạp?

Trước mắt, điều đó không đáng lo ngại vì năm nay sẽ có 19 phim 3D được tung ra thị trường.

Hãng Warner Bros. đã thông báo rằng các “quả bom tấn” của mình như tập "Harry Potter" cuối cùng hay phần mới nhất của phim "Batman" sẽ đều có phiên bản 3D.

Hãng Sony cũng quyết định làm "Spider- Man 4" bằng công nghệ này. Đạo diễn Steven Spielberg thì đang thực hiện phần hậu kỳ cho bộ phim 3D "Tintin."

Có người cho rằng phim 3D chỉ là một trào lưu và sẽ nhanh chóng trở nên lỗi thời.

Mặt khác, không chỉ phim 3D mới có khả năng làm mưa làm gió ở các bảng xếp hạng doanh thu khi các tác phẩm điện ảnh như "The Hangover," "The Hurt Locker" hay "The Blind Side" vẫn chinh phục được khán giả.

Do vậy, việc phim được sản xuất với công nghệ nào không còn là vấn đề nữa mà quan trọng nó phải hấp dẫn thì mới có thể thu hút khán giả./.

(TT&VH/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục