Phim đoạt Oscar “Argo” đã xuyên tạc lịch sử Iran?

Các nhà sản xuất bộ phim đoạt Oscar nói về cuộc giải thoát con tin ở Iran "Argo" thừa nhận phim có nhiều chi tiết không có thật.
Bộ phim giành giải Oscar cho phim xuất sắc nhất “Argo” kể lại câu chuyện có thật về một điệp vụ của Cục tình báo trung ương Mỹ (CIA) giải thoát sáu con tin người Mỹ khỏi Iran. Tuy nhiên, theo thừa nhận của những nhà sản xuất thì nó không liên quan tới lịch sử, Bộ phim do Ben Affleck làm đạo diễn và đóng vai chính đã trở thành kẻ chiến thắng bất ngờ sau khi giành hàng loạt giải thưởng danh giá trong mùa trao giải ở Hollywood trước thềm Oscar. Affleck trước đó giành các giải Quả Cầu vàng, các giải của hội diễn viên, đạo diễn và các nhà sản xuất phim Mỹ trước khi giành giải Oscar. “Tôi đã ở trong nghề được 15 năm và không hiểu mình đang làm gì,” Affleck nói, nhắc lại giải Oscar anh giành được cùng Matt Damon ở hạng mục kịch bản xuất sắc nhất cho phim “Good Will Hunting”. “Tôi không bao giờ nghĩ mình sẽ trở lại đây.” “Argo” kể lại câu chuyện tuyệt mật của CIA giải cứu các nhà ngoại giao bằng cách đóng giả thành một đoàn làm phim Hollywood đi tìm cảnh quay cho một bộ phim khoa học viễn tưởng. Tuy nhiêntheo lời các nhà sản xuất, những cảnh lính như Iran đuổi theo chiếc máy bay chở các nhà ngoại giao trên đường băng là không hề có trong thực tế. Vai trò của Canada cho các nhà ngoại giao ẩn trốn tại Tehran và đảm bảo họ an toàn rời Iran, không được đề cập đáng kể trong phim. Điệp vụ gần như chỉ là công việc anh hùng đơn thương độc mã của điệp viên CIA Tony Mendez, do Affleck thủ vai. Trong bộ phim, các nhà ngoại giao được đại sứ Canada cho tị nạn ở Tehran sau khi trốn ra từ cửa sau đại sứ quán Mỹ, vốn đang bị các sinh viên Iran tấn công. Còn lại 50 con tin người Mỹ bị giữ lại hơn một năm sau đó. Trong phim, Mendez bay sang Iran, đưa giấy tờ giả cho các nhà ngoại giao và đưa họ vượt qua hàng loạt cuộc rượt đuổi ngoạn mục đến với tự do, như các cảnh họ bị một đám đông vây quanh tại một khu chợ ở Tehran, cũng như cảnh ở sân bay và cuộc rượt đuổi kịch tính. Các nhà ngoại giao trong phim tất cả đều trốn ở nhà đại sứ Canada tại Tehran, Ken Taylor. Theo AFP, trong thực tế, họ chia ra làm hai nhóm, một với Taylor và một với một nhà ngoại giao khác. [Iran làm phim riêng, lên án Argo xuyên tạc lịch sử] Vài ngày sau khi bộ phim của Affleck thắng giải Golden Globe tháng trước, Tehran đã tuyên bố họ sẽ làm phiên bản của họ về cuộc giải cứu con tin sau cuộc cách mạng Hồi giáo 1979, đồng thời phê phán Argo là xuyên tạc lịch sử.
Phim đoạt Oscar “Argo” đã xuyên tạc lịch sử Iran? ảnh 1
Ben Affleck (bên trái) cùng nhà sản xuất trên bục nhận giải Oscar (Nguồn: AFP)
"Bản thảo cho bộ phim  'Setad Moshtarak' (Đại tướng quân) đã được hội đồng nghệ thuật phê duyệt và đang chờ được cấp kinh phí để quay,” báo chí Iran hồi tháng trước cho hay. “Bộ phim sẽ nói về việc 20 con tin người Mỹ đã được trao trả lại sứ quán nước này bởi những thành phần cách mạng Iran vào thời điểm khởi đầu cuộc cách mạng đạo Hồi. Đây sẽ là câu trả lời thích đáng với những bộ phim bị xuyên tạc như ‘Argo’.” “Argo” giành giải Oscar quan trọng nhất, giải cho kịch bản chuyển thể hay nhất và biên tập phim hay nhất, nhưng Affleck không có tên trong danh sách đề cử đạo diễn xuất sắc nhất./.
Trần Trọng (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục