Phim Tết 2010: Vị nghệ thuật hay vị... sinh nhai?

Mùa phim Tết hàng năm được xem như thể loại “phim bánh mứt” kiểu gì cũng phải có, nhưng mỗi năm lại có thêm những chuyện khó ngờ.
Một mùa phim Tết lại qua sau rất nhiều mùa phim Tết trước - đều đặn, đương nhiên, đến độ nó được xem như một thể loại “phim bánh mứt” (tức là kiểu gì cũng phải có, như bánh chưng, mứt dừa ngày Tết, ai cũng nếm chút dù đã biết trước nó sẽ như thế nào…)

Bánh chưng, mứt Tết có công thức, về cơ bản là ổn định. Nhưng phim Tết mỗi năm lại có thêm nhiều chuyện khó ngờ!

Ngậm ngùi chia tay vì... không cân sức

Đây là mùa phim Tết thứ hai vắng bóng hoàn toàn các sản phẩm từ hãng phim Nhà nước, nhưng chính thức là cái Tết đầu tiên mà các hãng phim Nhà nước chủ động nói lời tạm biệt vì biết... không cân sức.

Tết 2009, Hãng phim Giải Phóng, vẫn tự hào là người mở đường cho dòng phim thương mại từ "Gái nhảy" (2003), từ đó Tết nào cũng “xung trận”, hết "Lọ lem hè phố" đến "Lấy vợ Sài Gòn," "Chuông reo là bắn."

Năm nay, hãng chính thức nói không với phim Tết, thay vào đó bằng phim “hậu Tết” có cái tên rất “hoàn cảnh”: "Không cân sức" (khởi chiếu trên toàn quốc từ ngày 5/3).

Tất nhiên “không cân sức” trong phim là nói tới cuộc chiến của người tốt với tham nhũng, buôn lậu và ma túy, nhưng ngẫm rộng ra, thì cũng là tình cảnh “không cân sức” giữa các hãng phim Nhà nước và hãng phim tư nhân.

Trước đó, Tết 2002, Hãng phim truyện Việt Nam cũng đã “thử” với bộ phim hài "Tết này ai đến xông nhà" được đánh giá là có “chất” nhưng thất thu.

Các nhà sản xuất phim tư nhân giờ đây đã độc chiếm mùa vàng kinh doanh của điện ảnh, tương tự việc độc quyền phim giờ vàng trên truyền hình như một báo động gần đây…

Thắng thắng thua thua, thật thật giả giả

Nói các nhà sản xuất phim tư nhân độc chiếm mùa vàng, nhưng chính xác chỉ có ba nhà: Phước Sang, Thiên Ngân và BHD.

Họ đều là những nhà sản xuất đã chinh chiến nhiều năm với phim Việt, tưởng như đã nắm chắc “công thức” sản xuất phim “ăn dỗ tiền khán giả”, nhưng chuyện thắng, thua với họ cũng luôn bất ngờ.

Việc thắng đậm với "Giải cứu thần chết Tết" năm ngoái khiến Thiên Ngân “trên cả yên tâm” khi lập kế hoạch làm tới hai phim Tết, một đón đầu, hài hước - "Nhật ký Bạch Tuyết" một khóa đuôi, kinh dị - "Khi yêu đừng quay đầu lại."

Không chỉ thế, kế hoạch này còn được bảo đảm tới tận… tên đạo diễn: đạo diễn "Nhật ký Bạch Tuyết" là Lê Bảo Trung, người hai lần “thắng lớn” khi còn làm với Phước Sang ("Đẻ mướn," "Võ lâm truyền kỳ"), còn đạo diễn "Khi yêu đừng quay đầu lại" là người đã tạo nên sự sửng sốt với "Mùa len trâu" - đạo diễn Nguyễn Võ Nghiêm Minh.

Ngược lại, cú “ngã ngựa” Tết trước với "Huyền thoại bất tử" (về doanh thu) là một trong những lý do khiến Phước Sang không mặn mà lắm với phim Tết 2010.

"Công chúa teen và ngũ hổ tướng" là phim Tết khởi quay muộn nhất, với một chiến dịch PR lặng lẽ nhất từ trước tới nay của hãng phim này. Cái tên Lê Lộc trên cương vị đạo diễn cũng chẳng có thêm tí… kílôgam nào cho sự ăn khách.

Ấy vậy mà chỉ sau bốn tuần công chiếu, gió đã xoay chiều. "Công chúa teen và ngũ hổ tướng" bất ngờ thắng lớn, qua mặt cả "Những nụ hôn rực rỡ" từng được kỳ vọng nhiều hơn, trở thành best-seller mùa phim Tết này.

Đi trước, nhưng "Nhật ký Bạch Tuyết" về sau, xếp hạng chót trong bảng xếp hạng. Khóa đuôi, "Khi yêu đừng quay đầu lại" đã được chính các khán giả tặng cho biệt danh: “Xem xong đừng quay đầu lại,” xếp vị trí áp chót.

Hóa ra, đạo diễn hai mùa phim thắng lớn vẫn có thể thua đau, đẳng cấp cao hơn vẫn có thể ngã ngựa - mùa phim Tết tưởng “ngon ăn” hóa ra vô cùng trơn trượt.

Phim Tết và Cánh diều

Trong lịch sử tám năm giải Cánh diều - giải thưởng hàng năm của Hội Điện ảnh Việt Nam trao cho tác phẩm điện ảnh xuất sắc nhất trong năm, các phim Tết gần như chỉ “dạo chơi” bởi còn xa lắm mới với tới Cánh diều.

Chiến thắng của "The Hurt Locker" trước kẻ bại trận "Avatar" tại lễ trao giải Oscar (và ngược lại ở các phòng vé) càng cho thấy giải thưởng Cánh diều của Việt Nam rất nhất quán!

Duy nhất có "Huyền thoại bất tử" (phim Tết 2009) nhận được giải Cánh diều Bạc 2008 đồng hạng với "Trăng nơi đáy giếng," nhưng cần nhắc lại, "Huyền thoại bất tử" thất bại thảm hại trong dịp công chiếu.

Năm nay, chỉ có hai trong số bốn phim Tết - "Những Nụ hôn rực rỡ""Công chúa teen và ngũ hổ tướng" - là thong dong dạo chơi tiếp dưới bầu trời Cánh diều, không mang theo chút hy vọng giật Cánh diều Vàng, ngoài một số giải phụ về kỹ xảo hoặc được khán giả yêu thích.

Lần đầu tiên nhà sản xuất phim Thiên Ngân dù sản xuất tới hai phim Tết nhưng cả hai đều không gửi dự thi.

Vì thế số lượng phim truyện nhựa tham dự Cánh diều 2009 giờ chót chỉ có 8 - không bằng con số phim đề cử cho hạng mục Phim hay nhất Oscar 2010 vừa qua.

Biết bao giờ đây, trên sân khấu tôn vinh Cánh diều Vàng, người chiến thắng sẽ thốt lên đầy kiêu hãnh: “Ta là chúa tể thế giới” như James Cameron khi "Titanic" đại thắng cả ở phòng vé lẫn Viện hàn lâm của Oscar?

“4 không” khi xem phim Tết 2010

Khi xem "Nhật ký Bạch Tuyết" nhất định không được ngủ!

Mà làm sao có thể ngủ được (dù rất muốn), vì trong phim này các nhân vật, kể cả nàng Bạch Tuyết mà trẻ con vốn yêu quý vì nàng hiền dịu, lại rất thích hét, khiến bạn giật nảy mình, choàng dậy, và hiểu rằng mình đang trong rạp chứ không phải trong giấc mơ "Nàng Bạch Tuyết và bảy chú lùn."

Dường như người làm phim nghĩ là phải cho các nhân vật hét lên như thế thì bộ phim mới đỡ cảm giác buồn lê thê, dàn trải vì không có chuyện.

Khi xem "Những nụ hôn rực rỡ" nhất định không được suy diễn!

Ngôi sao ca nhạc trong phim trông… không ra ngôi sao bởi bạn sẽ suy ra từ thực tế những ngôi sao mà bạn biết.

Cũng như chuyện nhà báo trong phim đòi phong bì (tiền) thì đương nhiên không giống các nhà báo… không đòi phong bì trong thực tế.

Một bộ phim ca nhạc tất nhiên là nhiều ca (hát), nhiều nhạc, nên xem phim ca nhạc thì phải nghe ca, nghe nhạc, với các cảnh quay rất đẹp, ở những resort rất sang, với các cô gái chân rất dài.v.v... chứ không nên nghĩ ngợi nhiều.

Nghĩ quá nên sau "Những nụ hôn rực rỡ" có cả một “phim” dài tập "Chuyện cái phong bì" chẳng liên quan gì mấy đến phim gốc nhưng có sự tham gia nhiệt tình của cả đạo diễn, diễn viên lẫn khán giả.

Khi xem "Khi yêu đừng quay đầu lại" nhất định không được ngu!

Bởi vì có rất nhiều khán giả sau khi xem phim này bảo chả hiểu gì, thì có người phán: Ai khiến ngu! Phải không ngu thì mới có khả năng tự diễn giải được những điều phi lý bất ngờ trên màn ảnh, tự hiểu những điều tác giả chưa nói ra.

Nhưng công nhận phim này quay cực đẹp, diễn viên múa rất hấp dẫn đến nỗi có người nhất định cho rằng mình không hiểu được phim vì… không hiểu về nghệ thuật múa!

Có điều, làm phim hướng tới mục tiêu giải trí, cho số đông, mà làm như thế thì đến Hollywood xem xong có lẽ cũng… không dám quay đầu lại!

Khi xem "Công chúa teen và ngũ hổ tướng" nhất định không được đòi hỏi!

Bởi mọi món “kinh điển” của phim giải trí ngày Tết đã được bày ra trước mắt.

Muốn ngôi sao thì đã có cả tá ngôi sao từ già đến trẻ, ai cũng lăn xả vào vai diễn bất kể nắng mưa sình lầy.

Muốn hồi hộp thì đôi lần được thấp thỏm với những màn rượt đuổi tốc độ cao của ô tô xe máy hạng sang.

Muốn cười thì thôi rồi, cả một “huyện” những tình tiết tấu hài được rải la liệt khắp phim và nếu yêu cầu cao hơn một chút, rằng trong hài phải có bi, thì đấy, đầy người rơm rớm nước mắt khi công chúa teen hồi tâm chuyển ý “nhận” lại người mẹ đang bệnh tật, nghèo khổ mà trước đó vì sợ dư luận cô không dám nhận.

Tất cả trong một như thế thì bạn còn đòi hỏi gì nữa?./.

(TT&VH/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục