Phó Chủ tịch nước gặp mặt Cựu Đoàn Công tác xã hội Gia Định

Các thành viên Cựu Đoàn Công tác xã hội Gia Định không ngừng phấn đấu học tập, tu dưỡng phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống, xứng đáng với truyền thống vẻ vang quê hương, dân tộc.
Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh tặng ảnh chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh cho các đại biểu. (Ảnh: Văn Điệp/TXVN)
Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh tặng ảnh chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh cho các đại biểu. (Ảnh: Văn Điệp/TXVN)

Sáng 9/11, tại Phủ Chủ tịch, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh gặp mặt Đoàn đại biểu Cựu Đoàn Công tác xã hội Gia Định, Thành phố Hồ Chí Minh.

Bày tỏ niềm xúc động khi gặp mặt Đoàn đại biểu Cựu Đoàn Công tác xã hội Gia Định, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh ôn lại truyền thống lịch sử vẻ vang trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Theo đó, vào tháng 7/1969, Khu ủy Sài Gòn-Gia Định do đồng chí Võ Văn Kiệt làm Bí thư, đã lãnh đạo, chỉ đạo thành lập nhiều tổ chức cách mạng.

Trong đó, vùng Bảy Hiền ở ven đô tỉnh Gia Định trước đây (nay thuộc Phường 11, quận Tân Bình, Thành phố Hồ Chí Minh) là cửa ngõ trấn thủ quan trọng đi vào nội thành Sài Gòn nên địch bố trí lực lượng dày đặc để bảo vệ trung tâm thành phố và Sân bay Tân Sơn Nhất.

Với đặc điểm là có hơn 90% người Quảng Nam sống tại đây, nhân dân vùng đất dệt Bảy Hiền đã kề vai sát cánh cùng cán bộ chiến sỹ đi đầu diệt Mỹ, kiên quyết đấu tranh giành độc lập. 

“Vùng lõm chính trị-căn cứ cách mạng” đã trở thành khu căn cứ vững chắc với các hoạt động công khai, bán công khai và bí mật như xây hầm, tích trữ lương thực, điện báo, giao liên, in ấn, truyền đơn, đấu tranh chính trị, binh vận, địch vận, may cờ, vận động nhân dân xuống đường, tiếp nhận vũ khí trang bị đội vũ trang....

Trong giai đoạn này, vùng đất Bảy Hiền được mệnh danh là “căn cứ của lòng dân” góp phần vào thắng lợi chung ngày 30/4/1975.

Phó Chủ tịch nước gặp mặt Cựu Đoàn Công tác xã hội Gia Định ảnh 1Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh với các đại biểu Cựu đoàn Công tác xã hội Gia Định. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)

Vùng đất Bảy Hiền cũng đã có công tôi luyện nhiều cán bộ trưởng thành như nguyên Trưởng ban Ban Tư tưởng-Văn hóa Trung ương, nguyên Phó Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Trần Trọng Tân; nguyên Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa; nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Lê Thanh Hải; Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình; nguyên Trưởng ban Ban Tuyên giáo Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Thân Thị Thư…, trong đó có cả Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh.

Với những đóng góp to lớn đó, vùng đất Bảy Hiền chính thức được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1954-1975)

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Phó Chủ tịch nước cảm ơn và trân trọng ghi nhận những cống hiến to lớn trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc cũng như công cuộc xây dựng đổi mới đất nước 35 năm qua của các tổ chức chính trị cách mạng trực thuộc Khu ủy Sài Gòn-Gia Định, trong đó có Đoàn Công tác xã hội Gia Định.

Phó Chủ tịch nước mong muốn, các thành viên trong Đoàn có nhiều sức khỏe, niềm vui; tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng “vùng lõm chính trị-căn cứ cách mạng” Bảy Hiền, Khu ủy Sài Gòn-Gia Định cũng như tinh thần trung dũng, kiên cường của mảnh đất Quảng Nam; động viên con cháu và nhân dân xây dựng quê hương, đất nước giàu mạnh.

Cảm ơn Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đã dành thời gian gặp mặt Đoàn, Trưởng đoàn Cựu Đoàn Công tác xã hội Gia Định Lê Quang Minh cho biết, các thành viên Cựu Đoàn Công tác xã hội Gia Định không ngừng phấn đấu học tập, tu dưỡng phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống, xứng đáng với truyền thống vẻ vang quê hương, dân tộc.

Đoàn Công tác xã hội Gia Định là tổ chức hoạt động bán công khai, do Khu ủy Sài Gòn-Gia Định thành lập vào năm 1972; thu hút đông đảo lực lượng thanh niên, học sinh-sinh viên, công nhân sống tại vùng dệt ở ngã tư Bảy Hiền (nay thuộc Phường 11, quận Tân Bình, Thành phố Hồ Chí Minh) tham gia.

Tổ chức có nhiệm vụ xây dựng lực lượng cách mạng, cơ sở cách mạng thông qua các hoạt động như xây hầm giấu cán bộ, giấu vũ khí; tích trữ lương thực, thực phẩm, lương khô để tiếp tế cho bộ đội; binh vận, địch vận, vận động nhân dân tham gia cách mạng... trở thành khu căn cứ vững chắc, bảo vệ và phục vụ hoạt động cách mạng trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ, cứu nước./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục