Phó Chủ tịch Quốc hội thăm một số cơ sở của Tổng cục 8 Bộ Công an

Đoàn công tác của Quốc hội và các đơn vị liên quan đã trao đổi về những hạn chế, khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện đặc xá, thi hành án phạt tù.
Phó Chủ tịch Quốc hội thăm một số cơ sở của Tổng cục 8 Bộ Công an ảnh 1Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu thăm trại giam Ninh Khánh, Ninh Bình. (Ảnh: Ninh Đức Phương/TTXVN)

Ngày 9/4, tại Ninh Bình, Đoàn công tác của Quốc hội do Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu làm trưởng đoàn đã có buổi thăm và làm việc về công tác thi hành án hình sự và công tác đặc xá tại cụm trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng số 3, Tổng cục 8, Bộ Công an.

Tại buổi làm việc, Đoàn khảo sát và các đơn vị liên quan đã trao đổi về những hạn chế, khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện đặc xá, thi hành án phạt tù, đồng thời, đề nghị các Ủy ban của Quốc hội kiến nghị Chính phủ sớm báo cáo đề nghị Quốc hội thông qua Luật đặc xá và Luật thi hành án hình sự, phù hợp với yêu cầu thực tiễn; xây dựng cơ chế hợp lý với sự tham gia của chính quyền địa phương, các đoàn thể, tổ chức xã hội vào hoạt động giúp đỡ người bị kết án sau khi hết án hòa nhập cộng đồng.

Các ý kiến cho rằng cần quy định rõ trách nhiệm của các ngành đối với công tác thi hành án dân sự và cần có sự phối hợp chặt chẽ với các trại giam cũng như gia đình phạm nhân trong việc thi hành các khoản tiền phạt, bồi thường, dân sự, án phí…

Tại buổi làm việc, nhấn mạnh mục đích, ý nghĩa quan trọng của buổi khảo sát trong việc chuẩn bị trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội xem xét các dự án Luật trong công tác lập pháp của Quốc hội, Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình Nguyễn Thị Thanh khẳng định đặc xá là thể hiện chính sách khoan hồng của Nhà nước và cho rằng đặc xá là đặc biệt nên trình tự, thủ tục cần đặc biệt, phải quy định rõ các điều kiện, quy định trong đặc xá và phải thực hiện chặt chẽ.

Trong quy định pháp luật cần quy định rõ trách nhiệm của địa phương, các đoàn thể chính trị, xã hội trong việc giúp phạm nhân tái hòa nhập cộng đồng. Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình cũng đề nghị Bộ Công an có đề xuất cụ thể hơn về chế độ sinh hoạt (ở) đối với phạm nhân nữ cho phù hợp với đặc điểm về giới.

Kết luận buổi làm việc, ghi nhận những kết quả đạt được trong công tác giáo dục, cải tạo phạm nhân của các trại giam, qua đó góp phần giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế, xã hội của địa phương, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhấn mạnh sự cần thiết trong xây dựng Luật đặc xá, Luật thi hành án hình sự (sửa đổi) cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn.

Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Bộ Công an quan tâm bố trí kinh phí để đầu tư, xây dựng các cơ sở giam giữ, đảm bảo tốt điều kiện sinh hoạt, cải tạo, giáo dục cho phạm nhân theo đúng quy định của pháp luật đồng thời, nghiên cứu đẩy mạnh xã hội hóa, tăng cường trách nhiệm của gia đình, cộng đồng xã hội trong việc quản lý, giáo dục phạm nhân, trong đó quan tâm giáo dục nghề nghiệp, tạo điều kiện cho người bị kết án sau khi hết án hòa nhập cộng đồng.

[Ủy ban Tư pháp của Quốc hội thẩm tra dự án Luật Đặc xá sửa đổi]

Nhấn mạnh đặc xá là thẩm quyền đặc biệt của Chủ tịch nước tha tù cho phạm nhân cải tạo tốt, có nhiều tiến bộ nhân các ngày lễ lớn, sự kiện trọng đại của đất nước, Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng quy định của đặc xá phải thể hiện được chính sách của Đảng, nhà nước về khoan hồng nhân đạo đối với người phạm tội, khuyến khích người bị phạt tù tích cực cải tạo tốt, sớm được trở lại với cộng đồng, phấn đấu trở thành người có ích cho xã hội.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cũng trao đổi, làm rõ hơn những ý kiến, đề xuất của các đại biểu, đề nghị các cơ quan có liên quan nghiên cứu, bổ sung vào các quy định trong các dự án Luật cho phù hợp đảm bảo công khai, minh bạch, đúng quy trình, thủ tục.

Cụm trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng số 3, Tổng cục 8, Bộ Công an đóng trên 4 tỉnh: Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh.

Trong những năm qua, các đối tượng quản lý diễn biến phức tạp, tính chất mức độ đa dạng. Tuy nhiên, việc thực hiện các chế độ đối với phạm nhân luôn được các trại giam thực hiện theo các văn bản quy định của pháp luật. Các phạm nhân được tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật để nâng cao hiểu biết về pháp luật, đồng thời các đơn vị cũng mở các lớp giảng dạy văn hóa, giáo dục công dân cho phạm nhân.

Bên cạnh đó, chế độ ăn, mặc, ở, chế độ sinh hoạt, chăm sóc y tế đối với phạm nhân, chế độ gặp thân nhân, công tác đảm bảo tái hòa nhập cộng đồng được thực hiện theo các Nghị định của Chính phủ và Thông tư Hướng dẫn của Bộ Công an.

Việc triển khai quyết định của Chủ tịch nước về đặc xá nhân sự kiện trọng đại hoặc ngày lễ lớn của đất nước cũng được đảm bảo đúng quy định…/.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục