Phó Chủ tịch Quốc hội trao đổi với các giáo sư Đại học Harvard

Đoàn cán bộ quản lý cao cấp do Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân dẫn đầu bắt đầu một tuần trao đổi chính sách với các giáo sư, chuyên gia, học giả Đại học Harvard.
Phó Chủ tịch Quốc hội trao đổi với các giáo sư Đại học Harvard ảnh 1Đoàn cao cấp Việt Nam tham gia chương trình  “Lãnh đạo Quản lý Cao cấp Việt Nam” (VELP) tại Đại học Harvard năm 2012. (Ảnh: Đỗ Thúy/TTXVN)

Từ ngày 13/4, đoàn cán bộ quản lý cao cấp Việt Nam do Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân dẫn đầu đã bắt đầu một tuần trao đổi chính sách với các giáo sư, chuyên gia, học giả Đại học Harvard và quốc tế trong khuôn khổ Chương trình Lãnh đạo Quản lý cao cấp Việt Nam (VELP) lần thứ năm tại Đại học Tổng hợp Harvard.

Chương trình do Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tài trợ.

Tại các buổi làm việc, các giáo sư Đại học Harvard, các chuyên gia kinh tế, luật gia, cùng nhiều học giả hàng đầu thế giới đã tập trung trao đổi, phân tích nguyên nhân và rủi ro đối với tiến trình phục hồi của nền kinh tế thế giới và khu vực; triển vọng tăng trưởng của các nền kinh tế lớn như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản và Trung Quốc; xu hướng hội nhập, liên kết kinh tế khu vực nhất là tiến trình và những kịch bản đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Các giáo sư và chuyên gia cũng trao đổi về sự hình thành cộng đồng kinh tế ASEAN cũng như tương lai của hệ thống thương mại đa phương; mô hình phát triển và thể chế kinh tế-xã hội cùng những bài học kinh nghiệm của một số nền kinh tế Đông Bắc Á và Đông Nam Á.

Các đại biểu cũng trao đổi về những thành tựu và thách thức phát triển trong ngắn hạn và dài hạn của Việt Nam, đồng thời đề xuất những khuyến nghị cho Việt Nam trong phát triển kinh tế-xã hội và cải cách luật pháp và tư pháp.

Các đại biểu Việt Nam trao đổi để làm rõ hơn chủ trương nhất quán của Việt Nam trong việc thúc đẩy tăng trưởng bền vững và toàn diện, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế đồng thời đi sâu trao đổi, thảo luận về những chuyển biến mới tích cực trong nền kinh tế Việt Nam cũng như việc thực hiện các đột phá chiến lược trong đó có cải cách thể chế, hoàn thiện chính sách pháp luật để ứng phó hiệu quả hơn với những thách thức kinh tế-xã hội trung và dài hạn.

Các đại biểu Việt Nam đã thông tin cụ thể hơn về những nỗ lực triển khai Hiến pháp 2013 và xây dựng nhiều đạo luật quan trọng như các Luật về tổ chức bộ máy nhà nước (Quốc hội, Chính phủ, Tòa án, Viện kiểm sát, Chính quyền địa phương); và sửa đổi bổ sung hệ thống pháp luật về kinh tế như Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư, Luật Phá sản, Luật quản lý, sử dụng vốn nhà nước..., và các luật liên quan đến cải cách tư pháp.

Trong khuôn khổ Chương trình VELP, ngày 15/4, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và đoàn cán bộ quản lý cấp cao Việt Nam đã làm việc với các thẩm phán cao cấp của Tòa án liên bang tại bang Massachusetts để trao đổi và khảo sát thực tế về hệ thống tư pháp Mỹ, tìm hiểu quy trình tố tụng, xét xử và tham dự một phiên xét xử tranh tụng tại tòa án.

Đoàn cũng đã đến thăm trụ sở cơ quan lập pháp và hành pháp bang Massachusetts để tìm hiểu cơ cấu tổ chức và mô hình quản trị của chính quyền cấp bang, và thăm khách sạn Omni Parker nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng làm việc những năm 1912-1913.

Trước đó, chiều 14/4, tại Đại học Harvard, Phó Chủ tịch Quốc hội và đoàn đã có buổi gặp gỡ trao đổi với đông đảo sinh viên và nghiên cứu sinh, đại diện cho Hội Thanh niên-Sinh viên Việt Nam tại Mỹ và Nhóm học giả “Sáng kiến Việt Nam vì phát triển và phân tích kinh tế” (gọi tắt là Nhóm sáng kiến Việt Nam).

Nhóm sáng kiến Việt Nam hiện nay gồm 50 giáo sư, chuyên gia nghiên cứu về kinh tế, luật pháp và phát triển từ Mỹ, Nhật Bản, Anh, Pháp, Australia, Singapore... có tâm huyết và mong muốn đóng góp vào sự phát triển của Việt Nam.

Các đại diện của Hội sinh viên và Nhóm học giả đã báo cáo Phó Chủ tịch Quốc hội về các hoạt động hỗ trợ, kết nối cộng đồng và quảng bá văn hóa, hình ảnh Việt Nam tại Mỹ.

Các đại diện cũng trình bày một số sáng kiến cụ thể về nghiên cứu, giáo dục, khoa học-công nghệ, trong đó có việc kết nối hợp tác giữa mạng lưới học giả Việt Nam ở các nước với các cơ quan trong nước trong tư vấn chính sách và đào tạo năng lực.

Phó Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao hoạt động tích cực của Hội sinh viên và Nhóm học giả, đồng thời căn dặn các sinh viên và nghiên cứu sinh nỗ lực học tập, luôn hướng về đất nước và xứng đáng là đại diện cho văn hóa và dân tộc Việt Nam ở nước ngoài./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục