“Phố ông Đồ” tấp nập ngày Xuân

Hòa chung không khí nhộn nhịp, tấp nập của những ngày cận Tết Kỷ Sửu, hình ảnh các ông đồ trong bộ trang phục áo the đen dài, khăn đóng, guốc mộc, trải chiếu hoa ngồi viết thư pháp trên phố đã trở thành điểm hấp dẫn du khách trong và ngoài nước.

Hòa chung không khí nhộn nhịp, tấp nập của những ngày cận Tết Kỷ Sửu, hình ảnh các ông đồ trong bộ trang phục áo the đen dài, khăn đóng, guốc mộc, trải chiếu hoa ngồi viết thư pháp trên phố đã trở thành điểm hấp dẫn du khách trong và ngoài nước.

Sự xuất hiện của các “Phố ông Đồ" trên các tuyến phố đã góp thêm một nét văn hoá mới làm phong phú thêm “Văn hoá Tết” của người dân Thành phố Hồ Chí Minh.

Trên phố, sắc vàng rực rỡ của những chậu hoa mai hòa cùng với những bức tranh thư pháp thể hiện cách bài trí không gian văn hoá ngày Tết như: góc uống trà, mâm ngũ quả..., đã níu chân nhiều du khách, đưa họ về với một không gian sinh hoạt văn hoá truyền thống của người dân Nam Bộ.

“Phố ông Đồ” trên đường Phạm Ngọc Thạch (Quận 1) được kể đến đầu tiên bởi sự tấp nập và nhộn nhịp. Các ông Đồ là những nghệ nhân đến từ nhiều vùng miền ở Nam Bộ, nhân dịp này họ muốn gửi đến khách tham quan những tác phẩm thư pháp - một nét sinh hoạt văn hoá truyền thống mang đậm tính giáo dục.

Kiến trúc sư Lưu Thanh Hải, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Thư pháp Nét Việt - người có công thành lập “Phố ông Đồ” bày tỏ, “Phố ông Đồ” năm nay được xây dựng với chủ đề “Tết Việt Kỷ Sửu 2009”, vừa giới thiệu những nét văn hoá riêng của Tết Việt ở Nam Bộ, vừa là dịp để các ông Đồ thi tài với nhau cùng sáng tạo nên nhiều tác phẩm Thư pháp đặc sắc dành tặng cho khách tham quan.

Thư pháp được các "ông Đồ" thể hiện trên nhiều chất liệu khác nhau như: đá, gỗ, trúc hoặc giấy đỏ. Tại đây, khách tham quan có cơ hội sở hữu những bức tranh thư pháp, hoặc các tác phẩm đá nghệ thuật có viết thư pháp... rất độc đáo.

Giá mỗi bức thư pháp không quá cao và có nhiều mức khác nhau để phù hợp cho nhiều đối tượng khách hàng. Các bức thư pháp có giá dao động từ 50.000 đến 700.000 đồng/bức, tuỳ theo chữ và chất liệu thể hiện.

Những người đến mua hàng tại "Phố ông Đồ" cũng rất phong phú. Từ người già cho đến thanh niên đều có cả. Người lớn tuổi thường thích chơi chữ theo phong cách cũ, nên thư pháp được thể hiện bằng mực tàu với giấy đỏ. Người trung niên thích tranh phong cảnh kết hợp với thư pháp, còn giới trẻ lại yêu chuộng những bức thư pháp thể hiện trên đá hoặc trên vật dụng thông thường như tách, chén.

Tuyến đường Nguyễn Thị Minh Khai (Quận 3) trước Công viên Tao Đàn cũng xuất hiện một “Phố ông Đồ”. Các ông Đồ viết thư pháp tại đây hầu hết là sinh viên ngành Kiến trúc, Mỹ thuật.  Họ tranh thủ kiếm thêm thu nhập trong dịp Tết.

Tùy vào thế mạnh của mình, mỗi “ông Đồ” chọn cho mình một phong cách thể hiện riêng. Nếu như các ông Đồ có tuổi trung thành với giấy đỏ - mực tàu, các ông Đồ là sinh viên lại chọn cho mình phong cách trẻ trung hơn là thư pháp kết hợp với hội hoạ, phong cảnh. Đa số là những bạn sinh viên ở xa, không có điều kiện về quê ăn Tết cùng gia đình, hợp thành từng nhóm “hùn vốn” để thuê sạp, thuê chiếu và áo dài khăn đóng.

Một "ông Đồ" sinh viên tâm sự, số tiền thu được từ việc bán tranh bạn sẽ sử dụng một phần vào việc ủng hộ cho hoạt động từ thiện dành cho trẻ em nghèo, người già neo đơn trong dịp Tết này.

Rải rác trong lòng thành phố còn có các “Phố ông Đồ” nhỏ hơn trên góc các  tuyến đường: Trương Định, Điện Biên Phủ... Đa số là do các nghệ nhân nghiệp dư tự lập ra chủ yếu để kinh doanh, bán tranh thư pháp tạo thêm thu nhập. Tại đây trưng bày rất nhiều tranh thư pháp với nhiều phong cách khác nhau: phong cảnh, chép thơ hoặc vẽ chữ... Chất liệu chủ yếu là giấy đỏ và mành trúc.

Có thể nói, “Phố ông Đồ” dù có mang tính kinh doanh hay không cũng đã góp phần tôn thêm các giá trị văn hoá truyền thống của người Việt xưa và nay.

Trong bối cảnh đất nước đang hội nhập và phát triển, hoạt động của “Phố ông Đồ” còn ẩn chứa trong đó ý nghĩa giáo dục rất lớn, giúp giới trẻ hiểu và cảm nhận được hết giá trị văn hoá của ngày Tết cổ truyền./.

(TTXVN/Vietnam+)

 

Tin cùng chuyên mục