Phó Thủ tướng: Bắc Giang phục hồi nhanh, không để hình thành ổ dịch

Theo báo cáo của tỉnh Bắc Giang, đến thời điểm này, kinh tế-xã hội của tỉnh đã hồi phục đạt mức độ tương đương và cao hơn trước thời điểm dịch bùng phát; tăng trưởng kinh tế 9 tháng năm nay đạt 5,5%.
Phó Thủ tướng: Bắc Giang phục hồi nhanh, không để hình thành ổ dịch ảnh 1Phó Thủ tướng Lê Văn Thành phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Bắc Giang. (Ảnh: Danh Lam/TTXVN)

Ngày 23/10, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành cùng đoàn công tác Chính phủ đã làm việc với tỉnh Bắc Giang và kiểm tra tình hình phát triển kinh tế-xã hội; thu hút đầu tư tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp; lưu thông hàng hóa và phục hồi sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh.

Toàn bộ doanh nghiệp đã trở lại hoạt động

Theo báo cáo của tỉnh Bắc Giang, đến thời điểm này, kinh tế-xã hội của tỉnh đã hồi phục đạt mức độ tương đương và cao hơn trước thời điểm dịch bùng phát. Tăng trưởng kinh tế 9 tháng năm nay đạt 5,5%. Thu ngân sách tăng hơn 48% so với cùng kỳ. Môi trường đầu tư tiếp tục được cải thiện, thu hút FDI đứng thứ 9 cả nước.

Đến nay, toàn bộ các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp đã hoạt động trở lại. Trong 6 khu công nghiệp đã có 385 doanh nghiệp đang hoạt động với gần 192.000 lao động (tăng 23 doanh nghiệp và trên 41.000 lao động so với thời điểm trước khi bùng phát dịch COVID-19); 221 doanh nghiệp trong các cụm công nghiệp hoạt động trở lại với hơn 48.000 lao động, đạt 98% so với thời điểm trước khi bùng phát dịch COVID-19.

Đặc biệt, các doanh nghiệp quy mô lớn phục hồi sản xuất nhanh, đã sử dụng lao động ở mức tương đương, thậm chí nhiều hơn lao động so thời điểm trước dịch.

Một số doanh nghiệp lớn trong khu công nghiệp đều tăng ca tất cả các ngày trong tuần để bù lại các đơn hàng bị chậm do nghỉ dịch. Với chủ trương thu hút lao động quay trở lại làm việc, nhiều giải pháp đã và đang được doanh nghiệp áp dụng hiệu quả, như hỗ trợ thu nhập từ 1-2 triệu đồng/người/tháng; lập đội xe đưa đón công nhân từ các tỉnh lân cận tới Bắc Giang làm việc…

Mặc dù đã có sự phục hồi nhanh chóng nhưng các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Giang vẫn gặp nhiều khó khăn như: chi phí vận chuyển tăng cao; giá một số nguyên vật liệu tăng, ảnh hưởng tới các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây dựng.

Nhiều doanh nghiệp muốn mở rộng đầu tư nhưng quỹ đất công nghiệp của tỉnh không còn. Quốc lộ 1A từ Bắc Giang đi Bắc Ninh thường xuyên bị ách tắc giao thông vào các giờ cao điểm (sáng, trưa, tối) tại nút thắt cầu Như Nguyệt, cầu Xương Giang.

[Bắc Giang cho phép đón du khách từ các địa phương là "vùng xanh"]

Hiện nay, các tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang đang tập trung phát triển công nghiệp, có tuyến đường sắt liên vận quốc tế Hà Nội-Đồng Đăng-Bằng Tường đi qua. Nhu cầu vận chuyển hàng hóa qua đường sắt là rất lớn, tuy nhiên chỉ có duy nhất ga Yên Viên là ga liên vận, dẫn đến các doanh nghiệp khi vận chuyển hàng hóa xuất, nhập khẩu từ Bắc Giang sang Trung Quốc và ngược lại phải vận chuyển từ Bắc Giang qua ga Yên Viên, gây áp lực lớn lên hệ thống giao thông đường bộ và tăng chi phí cho doanh nghiệp.

Để giảm tải áp lực giao thông cho đường bộ đồng thời nâng cao hiệu quả khai thác đường sắt, giảm thời gian, chi phí vận chuyển hàng hóa cho doanh nghiệp, tỉnh đề nghị Bộ Giao thông Vận tải xem xét, bổ sung ga liên vận quốc tế tại tỉnh Bắc Giang.

Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết Bộ sẽ tích cực chỉ đạo, đôn đốc, thúc đẩy việc nâng cấp Quốc lộ 31, cố gắng trong quý 2/2022 sẽ khởi công. Về đề xuất làm ga liên vận, Bộ đã chỉ đạo Cục Đường sắt, Tổng Công ty Đường sắt phối hợp với Sở Giao thông vận tải Bắc Giang. Địa phương cần điều chỉnh quy hoạch đất khu vực đó để xây dựng kho hàng hóa.

“Chúng tôi cam kết sẽ hỗ trợ tối đa,” Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nói.

Góp ý cho tỉnh, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông cho rằng tỉnh cần sớm hoàn thiện kịch bản phục hồi kinh tế, trong đó, lấy phục hồi sản xuất công nghiệp là trọng tâm; cần quan tâm đầu tư hạ tầng xã hội cho người lao động như nhà ở công nhân, nhà trẻ, siêu thị…

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An, việc thường xảy ra ách tắc giao thông tại nút thắt cầu Như Nguyệt, cầu Xương Giang là điểm nghẽn đối với sự phát triển của tỉnh.

Coi doanh nghiệp là chủ thể của quá trình phục hồi kinh tế

Kết luận buổi làm việc, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đánh giá cao tỉnh Bắc Giang thời gian qua vừa triển khai phòng, chống dịch tốt, với những giải pháp thích ứng với từng giai đoạn, vừa phát triển kinh tế. Tốc độ phục hồi sản xuất của tỉnh rất nhanh.

Phó Thủ tướng lấy ví dụ, từ chỗ chỉ có 32% số công nhân làm việc, trong vòng 1 tháng đã đưa hơn 80% công nhân quay trở lại làm việc. Đặc biệt hiện nay lượng công nhân quay lại làm việc cao hơn thời gian trước dịch, qua đó tốc độ tăng trưởng kinh tế trở lại bình thường, nhiều chỉ tiêu đạt cao hơn, thu ngân sách tăng hơn 48%. Công tác phòng, chống dịch được Bắc Giang tiến hành bài bản, kịp thời, nhanh gọn, giảm thiểu thiệt hại do dịch.

Bên cạnh đó, tỉnh đã làm tốt mô hình doanh nghiệp là chủ thể của quá trình phục hồi sản xuất, “từ khâu chuẩn bị vật tư, nguyên liệu, kế hoạch sản xuất… đều do doanh nghiệp. Còn chính quyền các cấp, hệ thống chính trị là trung tâm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp."

Nhắc lại cuộc kiểm tra và làm việc với doanh nghiệp tại Khu công nghiệp Quang Châu vào sáng cùng ngày, Phó Thủ tướng cho biết lãnh đạo doanh nghiệp nắm rất rõ phương án sản xuất, huy động công nhân, hỗ trợ xét nghiệm... Các doanh nghiệp vào cuộc tích cực và chính quyền tập trung hỗ trợ doanh nghiệp về thủ tục, y tế.

Nhấn mạnh dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nêu rõ tinh thần phục hồi nhanh nhưng cần đặc biệt chú trọng kiểm soát dịch bệnh, không để bùng phát dịch bệnh.

“Chúng ta không được chủ quan. Phục hồi kinh tế nhanh nhưng đi song song với đó là phải kiên quyết giữ được địa bàn sạch, không để hình thành các ổ dịch."

Về vấn đề chỗ ở cho người lao động, Phó Thủ tướng đề nghị Bắc Giang rà soát lại vấn đề nhà ở cho công nhân, khi xây dựng quy hoạch các khu công nghiệp mới, phải bố trí đất để xây nhà ở cho công nhân.

Phó Thủ tướng: Bắc Giang phục hồi nhanh, không để hình thành ổ dịch ảnh 2Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương phát biểu tại buổi làm việc. (Ảnh: Danh Lam/TTXVN)

Giải quyết vướng mắc, kiến nghị của địa phương, Phó Thủ tướng nhấn mạnh tỉnh cần nỗ lực hơn nữa để sớm hoàn thành việc xây dựng mở rộng cầu Như Nguyệt. Các bộ cần hỗ trợ tỉnh đối với dự án này.

Đề cập đến tình hình giá thịt lợn, Phó Thủ tướng đề nghị tỉnh tổ chức cuộc làm việc với các doanh nghiệp chế biến, các hộ tiêu thụ lớn trên địa bàn để đẩy mạnh tiêu thụ, sử dụng sản phẩm thịt nhằm chia sẻ bớt khó khăn với người chăn nuôi, có giải pháp hỗ trợ người chăn nuôi về thị trường, hình thành các điểm bán hàng bình ổn giá.

Phát huy những mô hình chống dịch, phục hồi sản xuất

Trước đó, sáng cùng ngày, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành và đoàn công tác đã đi kiểm tra tình hình sản xuất của Công ty Hosiden ở Khu công nghiệp Quang Châu, huyện Việt Yên, nơi từng là tâm dịch COVID-19 của tỉnh Bắc Giang.

Lãnh đạo Công ty Hosiden cho biết hiện công ty có 5.121 lao động, tổng số lao động đã tiêm 1 mũi vaccine đạt 91%, số lao động đã tiêm đủ 2 mũi đạt 60%.

Doanh thu từ đầu năm đang phát triển nhưng từ tháng 6, do ảnh hưởng dịch bệnh nên giảm mạnh. Gần 70% nhân lực của công ty phải cách ly tập trung hoặc phải điều trị tại bệnh viện. 1.406 lao động mắc COVID-19. Đến nay, số người lao động là ca F0 đã quay trở lại làm việc là 1.103 người (bằng 78% so với tổng số ca F0).

Hiện tại Công ty đã khôi phục hoàn toàn sản xuất và tiếp tục trên đà phát triển đóng góp vào sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội tại khu công nghiệp và địa phương, lãnh đạo Công ty Hosiden khẳng định.

Phát biểu tại cuộc làm việc với Công ty Hosiden, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đánh giá cao sự phục hồi sản xuất của khu công nghiệp cũng như của Công ty Hosiden, doanh nghiệp từng bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch COVID-19 tại Bắc Giang. Toàn tỉnh có hơn 5.000 ca nhiễm thì Công ty Hosiden có hơn 1.000 ca.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh thứ nhất, doanh nghiệp là chủ thể trong quá trình phục hồi sản xuất cũng như bảo đảm an toàn dịch bệnh. Bởi lẽ chính doanh nghiệp chủ động, chịu trách nhiệm về lo chỗ ở cho công nhân, hỗ trợ người lao động, huy động lao động quay trở lại... Thứ hai là vai trò của chính quyền các cấp, đây là điểm tựa, là trung tâm trong hỗ trợ, giải quyết vướng mắc, khó khăn cho doanh nghiệp như hỗ trợ về y tế, đặc biệt là kiểm soát dịch bệnh.

“Phục hồi sản xuất nhanh nhưng phải bảo đảm an toàn dịch bệnh," Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nêu rõ. Các doanh nghiệp phải kết nối chặt chẽ, thường xuyên với chính quyền địa phương trong thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch. Các khu vực, đối tượng có nguy cơ lây nhiễm cao (như khâu cung ứng vật tư, lái xe...), cần định kỳ xét nghiệm, chứ không chờ đến khi biểu hiện ho, sốt.../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục