Phó Thủ tướng “bật mí” về lộ trình đổi mới thi THPT

Phó Thủ tướng “bật mí” về lộ trình đổi mới thi THPT quốc gia

Năm 2015 thi ở nửa số tỉnh, 2016 thi ở tất cả các tỉnh. Nhưng chưa phải cuối cùng, cuối cùng là phải đổi mới thi theo đúng xu hướng quốc tế: phổ thông là phổ thông, đại học là các trường tự chủ.
Phó Thủ tướng “bật mí” về lộ trình đổi mới thi THPT quốc gia ảnh 1Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam. (Ảnh: Quý Trung/TTXVN)

“Hai năm qua chúng ta đổi mới dần dần. Năm 2015 thi [kỳ thi trung học phổ thông quốc gia – PV] ở nửa số tỉnh, 2016 thi ở tất cả các tỉnh, đổi mới cách ra đề. Nhưng chưa phải cuối cùng, cuối cùng là đến một năm nào đó chúng ta phải đổi mới thi theo đúng xu hướng quốc tế: phổ thông là phổ thông, đại học là các trường tự chủ tuyển sinh, không có thi chung nữa.”

Đó là chia sẻ của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại Hội nghị tổng kết năm học 2015-2016 và triển khai nhiệm vụ năm học 2016-2017. Hội nghị vừa được Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức sáng nay, ngày 5/8, tại Hà Nội.

Sẽ liên tục đổi mới…

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó thủ tướng khẳng định: “Ngành giáo dục còn rất nhiều điểm chúng ta chưa hài lòng, nhưng nhìn nhận cơ bản là các đồng chí đã rất cố gắng đổi mới trong thời gian qua, lãnh đạo các địa phương cũng rất quan tâm. Nhiều tỉnh rất khó khăn vẫn đầu tư cho giáo dục.”

Nói về những đổi mới, Phó Thủ tướng cho rằng cần thống nhất quan điểm giáo dục đang trong quá trình đổi mới, chuyển đổi. Khi chuyển đổi, chắc chắc không làm được ngay một lúc mà sẽ có các bước đi trung gian tiến tới. “Đã là những bước đi trung gian, không bao giờ toàn vẹn chỉ có lợi, chỉ có tốt mà không có bất cập,” Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Đưa ra ví dụ cụ thể như vấn đề thi cử, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng ngành giáo dục đang đổi mới từng bước. Trước khi có Nghị quyết 29 về đổi mới giáo dục, thí sinh phải dự bốn kỳ thi, cả xã hội bức xúc. Từ năm 2015 chỉ còn một kỳ thi, thí sinh thi ở nửa số tỉnh. Năm 2016 tiếp tục đổi mới cách ra đề, thi ở tất cả các tỉnh, thí sinh không phải di chuyển sang tỉnh khác.

Thi cử sẽ tiếp tục đổi mới từng bước để cuối cùng là đến một năm nào đó phải thi theo đúng xu hướng quốc tế: phổ thông là phổ thông, đại học do các trường tự chủ tuyển sinh.

“Câu hỏi đặt ra làm đến năm nào thì chúng ta mới tiến đến giải pháp cuối cùng.

Từ năm 2015 đến năm đó đương nhiên liên tục có đổi mới, và khi đổi mới thì đương nhiên không bao giờ giải pháp đưa ra là toàn vẹn hết được. Nếu các đồng chí cứ nói theo ý mình, không cổ vũ thì không tốt cho đổi mới,” Phó Thủ tướng nói.

Ông Đam cũng cho rằng, trong những phản ứng của dư luận thời gian qua có lỗi của ngành giáo dục khi công tác tuyên truyền hạn chế, khiến người dân chưa nắm được lộ trình, tinh thần đổi mới của Bộ.

Phó Thủ tướng “bật mí” về lộ trình đổi mới thi THPT quốc gia ảnh 2Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tiếp tục đổi mới thi cử trong những năm tới. (Ảnh: TTXVN)

… Nhưng nguyên tắc không thay đổi

Đổi mới liên tục, nhưng Phó Thủ tướng khẳng định có những nguyên tắc bất di bất dịch, không thay đổi. 

Nguyên tắc đó là mục tiêu giáo dục phải cố gắng khai mở trí tuệ, tu dưỡng tính nhân văn, và hun đúc lòng yêu nước, tinh thần dân tộc, ý thức công dân toàn cầu cho người học.

Nguyên tắc đó là đổi mới phải phù hợp với xu hướng thế giới như đổi mới thi cử, thực hiện giải pháp không chấm điểm mà thay bằng nhận xét, thực hiện phân luồng… 

Đổi mới phù hợp với xu hướng thế giới nhưng phải từng bước để phù hợp với tình hình Việt Nam.

Tiêu biểu như vấn đề gây xôn xao dư luận trong thời gian qua là học phí ở các trường tự chủ đại học. Phó Thủ tướng cho rằng các trường tự chủ nhưng vẫn có hỗ trợ cho các đối tượng chính sách như người nghèo, người có công.

Lấy ví dụ về một vấn đề vẫn khiến dư luận bức xúc về giáo dục nhiều năm qua là dạy thêm, học thêm, Phó Thủ tướng cho rằng ngành giáo dục đào tạo đã rất cố gắng. 

“Tất nhiên có nhiều nguyên nhân, trong đó có cả việc làm gương của nhà giáo, nhưng phải nhìn nhận có thực thế là học sinh không được học hai buổi trên ngày do thiếu trường lớp. Nếu học hai buổi thì áp lực dạy thêm học thêm bớt đi,” ông Đam nói.

Hoặc vấn đề tự chủ đại học, Phó Thủ tướng cho biết tiến tới, không phải các trường xin tự chủ như hiện nay mà bắt buộc phải tự chủ. Tuy nhiên, muốn tự chủ được thì trường phải có điều kiện cơ bản mới nên phải thực hiện theo lộ trình.

“Tới đây, thay vì cho thì sẽ có gói ưu đãi dài hạn để các trường vay với lãi suất thấp, giúp họ có thể tự chủ về tài chính. Về tự chủ trong đội ngũ cán bộ, chương trình thì Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đang bàn rất tích cực,” Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục